Miền Bắc lại đứng trước nguy cơ thiếu điện
03/02/2010
Bộ Công Thương ngày 28.1 đã ra chỉ thị về đảm bảo cung cấp điện mùa khô, yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và các đơn vị liên quan phải chủ động đối phó với nguy cơ thiếu điện, trong mọi tình huống phải đảm bảo tỉ lệ dự phòng công suất ở mức cao nhất, hạn chế tối đa việc cắt sa thải phụ tải do thiếu nguồn vào các tháng mùa khô.
2 kịch bản điện mùa khô
Lý do quan ngại đầu tiên là diễn biến thời tiết bất thường của tình hình thuỷ văn năm nay, trong khi theo EVN, kế hoạch huy động nguồn năm 2010 thuỷ điện vẫn chiếm tới 34,33% công suất nguồn phát điện (khoảng 32,06/93,38 tỉ kWh). Lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc (chủ yếu là 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang) đạt rất thấp so với trung bình nhiều năm.
Ở thời điểm 31.12.2009, mức nước hồ Hòa Bình đạt 116m - hụt 1m so với mức nước dâng bình thường - MNDBT (117m); Thác Bà chỉ đạt 51m - hụt 7m so với MNDBT (58m)... Từ ngày 24.1.2010, EVN đã tiến hành xả nước chống hạn đợt 1 tại các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và dự kiến sẽ tiến hành 3 đợt kéo dài đến cuối tháng 2, sẽ ngốn một lượng nước lên tới 3,5 tỉ mét khối. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ giảm khả năng dự trữ nước để phát thuỷ điện vào cuối mùa khô (khoảng tháng 5- 6). EVN đang dự trù 2 kịch bản phụ tải cho 6 tháng mùa khô năm 2010 (từ tháng 1-6).
Với kịch bản cơ sở, phụ tải có thể đạt 46,92 tỉ kWh - tương ứng với mức tăng 6,44 tỉ kWh so với mùa khô năm 2009 (tăng 16,04%). Hoặc kịch bản cao 48,28 tỉ kWh - tăng 7,53 tỉ kWh (tương ứng với mức tăng phụ tải tới 19,42%). Cả 2 kịch bản đều có mức tăng trưởng điện năng so với GDP ở mức cao (nếu căn cứ vào dự báo tăng trưởng GDP được Quốc hội thông qua ở mức 6,5% trong năm 2010).
Ông Phạm Lê Thanh - TGĐ EVN - cho rằng, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, hệ số đàn hồi điện ở mức bình quân 2,42 lần là quá cao, chứng tỏ việc sử dụng điện không hiệu quả, còn lãng phí lớn, trong khi EVN phải chạy theo mức độ tăng trưởng lãng phí đó.
Từ đầu quý IV/2009, dự báo được nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là tại miền Bắc, do tốc độ tăng phụ tải ở mức cao và nguồn cung bị hạn chế, EVN đã chủ động sửa chữa, đại tu các tổ máy phát điện, đảm bảo mức độ sẵn sàng cao nhất để huy động khi hệ thống yêu cầu.
Cũng từ quý IV/2009, huy động cao tất cả các nguồn nhiệt điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu giá thành đắt như nhiệt điện (NĐ) Ô Môn, Thủ Đức, Cần Thơ, Hiệp Phước, Formosa, v.v...) để thực hiện kế hoạch tích nước các hồ thủy điện đến mực nước cao nhất có thể vào cuối tháng 12.2009, đồng thời thực hiện truyền tải tối đa công suất và sản lượng điện từ miền Nam ra Bắc qua đường dây 500kV. Từ tháng 10.2009 đến nay, trung bình mỗi ngày miền Bắc nhận từ 34 - 36 triệu kWh trên lưới 500kV Bắc - Nam, khiến đường dây 500kV luôn trong tình trạng căng thẳng vì quá tải.
Chậm tiến độ nhiều công trình nguồn
Trong khi tốc độ phục hồi kinh tế được dự báo là khả quan trong năm nay, thì tiến độ đi vào hoạt động của nhiều công trình nguồn điện lại dường như không theo kịp tiến độ. Năm 2009, EVN dự báo sẽ có khoảng 3.300MW nguồn điện do EVN và các đơn vị ngoài ngành đầu tư để bổ sung công suất điện, nhưng đến hết năm mới chỉ có khoảng 1.800MW nguồn điện mới được đưa vào vận hành, một số nguồn chưa thể chạy tin cậy.
Trong năm nay, nguồn điện cần bổ sung cũng khoảng từ 3.000-4.000MW, nhưng hiện cố gắng lắm EVN cũng chỉ có thể đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động khoảng 1.163MW.
Trên thực tế, một số dự án nguồn điện chậm tiến độ chính là nguyên nhân ảnh hưởng lớn tới an toàn cung cấp điện. Trong tháng 12.2009, EVN đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án NĐ Sơn Động (220MW) và Cẩm Phả (300MW), nhằm trưng dụng các tổ máy này để tăng nguồn cho hệ thống điện miền Bắc.
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của TKV về tiến độ các dự án điện, thì nhiều khả năng tới đầu tháng 4.2010, NĐ Sơn Động mới chạy tổ máy 1 và tháng 5 chạy tổ máy 2. Còn NĐ Cẩm Phả 1, cuối tháng 1.2010 vẫn chưa chạy tin cậy.
Ngoài ra, cũng theo EVN, việc cung cấp khí thiếu tin cậy cũng làm hạn chế việc phát tối đa các nguồn điện chạy khí. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) báo cáo bộ kế hoạch cung cấp khí cho từng tháng; đảm bảo cấp khí tối đa cho các nhà máy điện chạy khí (Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau) trong các tháng mùa khô.
Trong những ngày ngừng cấp khí hoặc thiếu khí, PVN cần chỉ đạo NM điện Cà Mau chuẩn bị đủ dầu EO để phát hết công suất theo kế hoạch thống nhất với EVN, để đảm bảo hạn chế tối đa việc phải sa thải phụ tải do thiếu nguồn điện.
Theo laodong
Ý kiến góp ý: