Minh bạch trong đầu tư và quản lý khoa học: Việt Nam đang rất thiếu
11/05/2012Sự tụt hậu của khoa học Việt Nam thường được cho là do thiếu hụt đầu tư, thiếu hụt lực lượng nghiên cứu có trình độ. Tuy nhiên, còn có một phần đóng góp không nhỏ là từ công tác quản lý cũng như các chính sách minh bạch hóa tài chính khoa học
Kinh nghiệm quốc tế
Nhìn sang một số nước láng giềng, công tác này được tiến hành khá tốt cho thấy sự quan tâm của chính phủ đối với khoa học kỹ thuật nói riêng và các vấn đề kinh tế nói chung.
Singapore là một nước rất nhỏ, ở rất gần Việt Nam với dân số chỉ hơn 5 triệu người, trong đó có hơn một triệu người nước ngoài và cư trú dài hạn với diện tích 694 km2, khoảng 1/5 diện tích Hà Nội mở rộng hiện nay (3.344,7 km2). Nhìn vào dân số, diện tích và cơ cấu kinh tế với 71,7% đóng góp từ dịch vụ1, người ngoài sẽ dễ tưởng rằng Singapore không quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ. Nhưng không, chính phủ Singapore đã dành ra hẳn 3% GDP cho nghiên cứu phát triển công nghệ cao, với 8 hướng nghiên cứu chính được ưu tiên2. Với đội ngũ nhà nghiên cứu ít hơn hẳn so với nhiều nước và tổng GDP tương đối lớn (ước tính 250 tỷ USD năm 2010), 3% GDP đầu tư cho khoa học của Singapore lại trở thành con số khổng lồ nếu tính bình quân trên mỗi nhà khoa học.
Thành công lớn nhất gần đây của Singapore là thu hút được một lượng rất lớn các chuyên gia đầu ngành từ các nước Âu, Mỹ, Nhật, Úc đến làm việc và giữ các chức vụ lãnh đạo các nhóm và Viện nghiên cứu ở Singapore. Bên cạnh đầu tư cho nghiên cứu, chính phủ Singapore cũng dành một tỉ lệ khá lớn cho nghiên cứu phát triển (R&D) và cũng thu hút được một lượng đầu tư đáng kể cho danh mục này từ khối ngoài chính phủ. Cơ quan tham vấn và quản lý các vấn đề khoa học và công nghệ chính của Singapore là Agency for Science and Technology and Research (A*STAR) được thành lập từ năm 1991 đã quản lý rất hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ chính phủ và khối tư nhân. Một điều rất đáng chú ý là trong hội đồng lãnh đạo của A*STAR, bên cạnh các chuyên gia người Singapore, chính phủ Singapore đã mời được những chuyên gia lớn trên thế giới từ các nước Anh, Mỹ, Châu Âu (ví dụ như GS George Radda, chuyên gia y khoa của Đại học Oxford, TS. William W. Chin của Đại học Harvard, Ronald Oxburgh chuyên gia hội đồng tư vấn chính phủ Anh về khoa học và công nghệ…)3. Điều đáng bàn ở đây là các cơ quan quản lý khoa học của Singapore đã làm rất tốt công tác quản lý khoa học và công nghệ. Rất dễ dàng để tìm được con số tài chính đầu tư chính thức từ các báo cáo chi tiết được đăng tải trên website của Bộ Công thương Singapore, từ con số chính xác tiền đầu tư từ chính phủ cho nghiên cứu, cho công tác R&D, đến các con số đầu ra của khoa học bao gồm số lượng các công trình nghiên cứu, số bằng phát minh sáng chế…
Gần đây nhất, chính phủ Singapore đã quyết tâm phát triển một số hướng công nghệ cao mũi nhọn như công nghệ lưu trữ dữ liệu thế hệ mới, spintronics, công nghệ y sinh và xử lý nước sạch. Một chương trình trọng điểm về công nghệ lưu trữ gần đây đang được ráo riết phát triển với mục tiêu phát triển bộ nhớ RAM từ điện trở thế hệ mới đạt mật độ lưu trữ 10 Tb/in2, với đầu tư lớn từ hãng Micron và Seagate4 vào nhóm nghiên cứu spintronics của Viện Nghiên cứu Lưu trữ Thông tin (Data Storage Insitute) với tổng đầu tư ước tính lên đến 100 triệu USD cho thấy Singapore khát khao như thế nào trong đột phát công nghệ. Với những cố gắng của các nhà khoa học Singapore và sự quyết tâm cao của chính phủ trong điều hành và quản lý, Singapore đã vươn lên trên bản đồ kinh tế tri thức thế giới, xếp hạng 19 trên tổng số 145 nước, vùng lãnh thổ khảo sát và đứng đầu Đông Nam Á (Malaysia thứ 48, Thái Lan thứ 63, Philippines ở hạng 89, Indonesia hạng 103 trong khi Việt Nam ở vị trí thứ 106). Minh bạch trong quản lý tài chính, đầu tư, chặt chẽ trong quản lý và đầu ra cho các sản phẩm khoa học cộng với đầu tư tập trung có trọng điểm.
Xa hơn Singapore là Vương quốc Anh, nơi từng được coi là quê hương của cách mạng khoa học thế giới, nhưng gần đây đang bị coi là “bỏ rơi công nghiệp” với việc tập trung vào các dịch vụ tài chính. Nhưng trên thực tế, Anh quốc chưa bao giờ rơi khỏi tốp những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến nhất. Ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ trực tiếp từ chính phủ Anh thuộc hàng thấp so với nhóm các nước phát triển (1,82% GDP năm 2010)5, nhưng nước Anh đã huy động được một lượng đầu tư khổng lồ từ khối ngoài chính phủ dành cho nghiên cứu. Theo báo cáo gần đây từ Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Hạ viện Anh (Science and Technology Committee, House of Commons), kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển ở Anh bao gồm 29,5% từ nguồn đầu tư trực tiếp của chính phủ (so với Mỹ là 2,77% ngân sách cho khoa học và 27% từ chính phủ), và phần còn lại (70,5%) đến từ các công ty và tập đoàn lớn6. Trên thực tế thì con số 29,5% ngân sách chính phủ thường không được sử dụng hết cho thấy các nhà khoa học Anh có vẻ “chuộng” nguồn tài trợ từ ngoài chính phủ hơn. Với số lượng kinh phí không phải là quá lớn, nhưng khoa học nước Anh lại đạt được hiệu suất cao nhất thế giới, với số lượng đầu ra tính trên bình quân một nhà nghiên cứu vượt trên các nước phát triển khác là Mỹ, Đức, Nhật (và tất nhiên là vượt xa “cọp giấy khoa học” Trung Quốc hay một quốc gia nhỏ bé như Singapore).
Cần minh bạch các con số
Trở lại với với các vấn đề khoa học của Việt Nam, một số giáo sư trong và ngoài nước đã có những phân tích khá chi tiết cảnh báo về sự tụt hậu của khoa học nước ta thông qua một số thống kê về đầu ra của các sản phẩm khoa học. Gần đây, một con số thường xuyên được một số báo và các nhà khoa học nhắc đến là 800 triệu đô la đầu tư cho khoa học như một minh chứng cho sự đầu tư đáng kể của chính phủ cho khoa học7. Thực chất con số 800 triệu đô la từ nguồn chính phủ và tư nhân là theo trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ8. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa từng có một con số báo cáo công khai chi tiết về nguồn đầu tư (từ chính phủ, từ doanh nghiệp ngoài) cho khoa học và công nghệ, ví dụ như từ Tổng cục Thống kê, hay Bộ Khoa học và Công nghệ (BKH-CN), ngoài con số “khoảng 800 triệu đô la” trên báo chí. Cách đây vài năm, một lãnh đạo BKH-CN đã tiết lộ con số đầu tư cho khoa học và công nghệ là 0,6%, được những người quan tâm ước tính ra thành 400 triệu đô la, và nhận định: “Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu thế giới về chi ngân sách cho khoa học công nghệ” . Chưa bàn về lượng tài chính nhiều hay ít, đứng ở vị trí nào trên thế giới, nhưng có thể thấy rằng chi tiêu tài chính cho khoa học và công nghệ chưa thật sự minh bạch khi người dân chỉ có thể tiếp cận đến một con số ước tính từ lời nói của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Một chương trình phát triển khoa học và công nghệ mới đây đang được coi là “tiến bộ” nhất là Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) với việc mạnh dạn cấp kinh phí cho các nhà khoa học trẻ dựa trên thành tích khoa học công bố trên các tạp chí ISI9 nhưng đại chúng cũng rất khó để tiếp cận được các thông tin về thu chi tài chính, phân bổ đề tài cho các chương mục nghiên cứu cũng như kết quả đầu ra của các đề tài. Sở dĩ chúng ta có thể dễ dàng biết đến các kết quả nghiên cứu, cách thức tổ chức quản lý nhà nước của các nước (như Anh và Singapore) chính là nhờ các báo cáo thu chi tài chính rất chi tiết được công bố công khai ngay trên mạng của các cơ quan quản lý. Điều này dường như còn rất thiếu ở Việt Nam.
Nếu người dân và những người phản biện khoa học ở Việt Nam muốn xem xét các nhà khoa học của họ sử dụng tiền thuế của nhân dân có hiệu quả ra sao thì cũng hoàn toàn không thể có được các thông tin cần thiết từ các website của các cơ quan quản lý. Với sự phát triển của các công cụ tìm kiếm ngày nay, cộng với các nguồn thống kê đáng tin cậy từ một số tổ chức, nhà xuất bản quốc tế, việc thống kê các kết quả khoa học của các nhà khoa học một cách định kỳ không hề khó khăn, thậm chí đáng tin cậy hơn rất nhiều so với việc ngồi chờ các báo cáo viết lên từ các cấp cơ sở. Vậy phải chăng đội ngũ chuyên viên làm công tác thống kê của ta còn yếu khâu này? Hay là do sự buông lỏng quản lý từ các cơ quan nhà nước, hay người dân không được phép tiếp cận những thống kê chính thức này?
Chúng ta cần lắm những cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thống kê, phân tích chi tiết, cẩn thận đồng thời công khai các con số chính xác, tạo điều kiện cho việc phản biện, phân tích và dự đoán xu thế phát triển của khoa học được dễ dàng và chính xác hơn. Đây là yêu cầu tối thiểu đối với việc quản lý khoa học và công nghệ, đồng thời là tiền đề cho việc hoạch định các chính sách phát triển khoa học công nghệ trong tương lai.
Theo Tạp chí Tia sáng
Ý kiến góp ý: