Mô phỏng các kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp tại đồng bằng sông Cửu Long
21/06/2023Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu Nghị định thư giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Quốc gia Seoul - Hàn Quốc, sáng ngày 20/6/2023 tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Mô phỏng các kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp tại đồng bằng sông Cửu Long”.
Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu tích hợp mô hình Khí tượng - Thủy văn - Đại dương và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đánh giá và dự tính đặc trưng dòng chảy, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng Bằng sông Cửu Long có xét đến biến đổi khí hậu và tác động từ thượng nguồn”. Mã số: NĐT/KR/21/18 do GS.TS. Trần Đình Hòa chủ nhiệm.
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Chủ nhiệm Đề tài phía Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Văn Thịnh - Đồng chủ nhiệm Đề tài phía Hàn Quốc; Ông Ian Wood - Chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu; Ông Latit - Đại diện Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á (ADPC).
Ngoài ra còn có đại diện các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Cần Thơ; ADPC.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới cũng như các vấn đề đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt như tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, phát triển kinh tế ở vùng hạ du…
Đề tài "Nghiên cứu tích hợp mô hình Khí tượng - Thủy văn - Đại dương và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đánh giá và dự tính đặc trưng dòng chảy, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng Bằng sông Cửu Long có xét đến biến đổi khí hậu và tác động từ thượng nguồn” nằm trong khuôn khổ hợp tác Nghị định thư giữa Việt Nam và Hàn Quốc và đây là một trong những đề tài mà cả 02 bên lựa chọn để triển khai thực hiện với mong muốn đó là xây đựng sự hợp tác lâu dài, bền vững giữa các nhà khoa học đẻ giải quyết vấn đề cụ thể của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài được đề xuất trong bối cảnh tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL diễn biến khốc liệt hơn, khó dự đoán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Mục đích của Đề tài nhằm thúc đẩy sự phát triển khoa học trong công tác mô phỏng, dự tính đặc trưng dòng chảy, hạn hán và xâm nhập mặn cho các khu vực đồng bằng châu thổ (ứng dụng cho đồng bằng sông Cửu Long) trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác nguồn nước ở thượng nguồn có kiểm soát.
Đề tài được thực hiện bởi 02 cơ quan nghiên cứu có uy tín là Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Seoul Hàn Quốc. Trong thời gian qua, Đề tài đã triển khai cơ bản hoàn thành các nội dung nghiên cứu, các sản phẩm chính theo đề cương được duyệt.
Hội thảo được tổ chức là dịp để Chủ nhiệm Đề tài và nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả, sản phẩm nghiên cứu chính và cũng là cơ hội để xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm giúp cho việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu của Đề tài. Đồng thời thông qua đó mở ra hướng nghiên cứu khác, tạo ra cơ hội hợp tác lâu dài trong tương lai.
Hội thảo đã được nghe 03 báo cáo về dự báo biến đổi khí hậu cho lưu vực sông Mê Công bằng mô hình RegCM; Mô phỏng dòng chảy trên lưu vực sông Mê Công và đánh giá tác động vận hành hồ chứa thượng nguồn; Tích hợp mô hình thủy lực 1 chiều và 2 chiều cho đồng bằng sông Cửu Long và các cửa sông. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã được nghe 02 diễn giả quốc tế trình bày về thách thức, bài học và đổi mới để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp ở Việt Nam; El Nino - 2023 và công tác quản lý hạn hán ở Đông Nam Á. Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đã cùng nhau trao đổi, thảo luận đưa ra nhiều ý kiến đóng góp có giá trị giúp Ban Chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu hoàn thiện tốt Đề tài.
GS.TS. Nguyễn Văn Thịnh - Đồng chủ nhiệm Đề tài phía Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo
Ý kiến góp ý: