Mối nguy đằng sau các dự án thủy điện
21/04/2011Từ nhiều năm nay, người ta bắt đầu để ý đến thủy điện. Đặc biệt sau khi xảy ra khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima cùng các chất vấn về hạt nhân dường như sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các công trình thủy điện.
Các nhà khoa học giới thiệu thủy điện như là một loại năng lượng xanh, có thể tái chế được. Thế nhưng, trên khắp toàn cầu, những dự án xây đập giữ nước bị phản đối dữ dội. Các nhà bảo vệ môi trường dự đoán trước một thảm họa nếu như không ngăn chặn làn sóng này. 33.000 con đập lớn là con số thống kê chính thức của Ủy ban Quốc tế về các đập nước lớn (CIGB). Tuy nhiên, con số thực tế có lẽ là 50.000 đập. Con số này có lẽ sẽ tăng nhiều lần từ đây cho đến năm 2050, mà nguyên nhân chính là do tăng trưởng dân số và mật độ dân số cao tại các thành phố lớn kéo theo sự gia tăng nhu cầu về nước. Tuy nhiên, chính sự gia tăng nhu cầu về điện mới thúc đẩy việc xây dựng các công trình cho nhiều tiện ích khác nhau. Để đáp ứng được nhu cầu này, theo CIGB, nếu không cần sử dụng đến năng lượng hóa thạch hay hạt nhân, thì không có cách nào khác hơn làm thủy điện.
Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới ước tính có khoảng từ 40-80 triệu người sẽ bị di dời do các công trình xây đập. Đơn cử trường hợp xây đập Belo Monte, công trình lớn thứ ba trên thế giới. Theo Hiệp hội Survival International, dự án xây đập này sẽ làm ngập một vùng rộng lớn 500km² và có khoảng từ 20.000 - 40.000 người bị di dời. Trên lý thuyết, thủy điện không thải khí gaz gây hiệu quả nhà kính. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây cho biết, do hiện tượng phân giải hệ thực bì trong bể chứa, một vài đập nước thải khí CO2 và nhất là khí mê-tan, một loại khí có thể làm nóng trái đất ở mức cao gấp 25 lần so với khí CO2. Tác động của nó đối với khí hậu vẫn còn là điều đáng tranh cãi. Hiện tượng nêu trên chỉ liên quan đến những bể chứa nước không sâu lắm, nằm ở vùng nhiệt đới. Theo Viện Khoa học và Công nghệ nước Liên bang Thụy Sĩ, một nghiên cứu tại hồ Wohlen, gần Berne cho thấy, lượng khí mê-tan thải ra mỗi năm là khoảng 150 tấn, tương đương với khí CO2 khi chạy 25 triệu km bằng xe hơi mà thôi.
Theo WWF, hậu quả đầu tiên của việc xây đập là làm biến đổi hình dạng của dòng sông, ngăn chặn các bề mặt trầm tích gây ra hiện tượng xói mòn đất trầm trọng tại các vùng châu thổ ở hạ lưu. Cá sẽ trở nên ít hơn và đa dạng sinh học trở nên nghèo nàn hơn. Hơn nữa việc lưu trữ nước ngăn cản quá trình hòa tan các chất ô nhiễm trong nước và tạo điều kiện cho các loài xâm thực sinh sôi nảy nở. Các tổ chức phi chính phủ khuyến cáo, các chính phủ nên tìm kiếm các nguồn thay thế khác và nhất là phải tiết kiệm năng lượng, trước khi đưa ra các dự án này.
Dự án xây đập Xayaburi (Lào) có chi phí 3,8 tỷ đô-la và theo dự trù sẽ có công suất 1.620 megawatt. Đây là đập đầu tiên trong tổng cộng 11 đập sẽ được xây trên dòng chính hạ lưu sông Mêkông. Theo bản thông cáo của Ủy hội sông Mêkông sau cuộc họp, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã tỏ vẻ lo ngại vì thấy chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác động đến môi trường của đập thủy điện nói trên, trong khi Lào thì cho rằng không cần phải tham khảo thêm ý kiến. |
Trong bối cảnh đó, dự án xây đập thủy điện Xayaburi trên sông Mêkông, một công trình tác động nhiều đến môi trường, cũng gây nhiều quan ngại trong dư luận. Ngày19/4, tại Viêng Chăn, giới chức 4 nước thuộc Ủy hội sông Mêkông gồm Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam đã thảo luận về đập thủy điện Xayaburi ở miền Bắc nước Lào. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga tuyên bố, Việt Nam mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông trước khi đưa ra quyết định triển khai xây dựng các công trình này. Báo chí chính thức của Lào đã nhấn mạnh là dự án này sẽ nhanh chóng được khởi công, rằng Chính phủ Lào có đầy đủ quyền để quyết định có nên xây đập Xuyaburi hay không. Theo tờ Vientiane Times, con đường dẫn đến khu vực đập thủy điện đã được xây xong. Tờ Bangkok Post cũng đưa tin là dự án dường như đã được bắt đầu được tiến hành từ nhiều tháng trước. Vấn đề xây đập Xayaburi sẽ được tiếp tục xem xét ở cấp bộ trưởng, trong một cuộc họp vào cuối năm nay. Theo các chuyên gia môi trường, việc xây đập Xayaburi sẽ tác hại đến môi trường, nguồn cá ở khu vực này, gây ra những hậu quả tai hại cho nguồn cung cấp lương thực cho hàng chục triệu người. Theo Ủy hội sông Mêkông, hơn 60 triệu dân ở bốn nước sống phụ thuộc vào con sông về mặt giao thông, lương thực và các hoạt động kinh tế.
Theo suckhoedoisong
Ý kiến góp ý: