TextBody
Huy chương 2

Môi trường sáng tạo, sự tôn vinh và chính sách đãi ngộ

16/07/2013

Đó là ba yếu tố chính để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nhằm nắm được lợi thế cạnh tranh, phát triển nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa... TSKH Nghiêm Vũ Khải - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhấn mạnh như vậy khi nói về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay...

- Nguồn nhân lực có vai trò như thế nào trong việc thực hiện chủ trương phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, thưa Ông?

- Một trong ba khâu đột phá, then chốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được Đại hội Đảng khóa XI đề ra là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Nhân lực khoa học và công nghệ (KH-CN) có vị trí quan trọng bậc nhất trong tổng thể nguồn nhân lực quốc gia. KH-CN phải đặt vào trái tim của chính sách phát triển; nhân lực KH-CN phải đặt vào trái tim của chính sách phát triển KHCN.

- Xin Ông cho biết thực trạng nhân lực KH-CN nước ta hiện nay?

- Hiện nay, có 1.513 tổ chức KH-CN với tổng số 60.543 người, trong đó trình độ tiến sĩ 5.293 người (8,74%), trình độ thạc sĩ 11.081 người. Phân loại nhân lực KH-CN theo lĩnh vực hoạt động, có 6.420 người thuộc lĩnh vực KHXH và NV, chiếm 10,6%; 4.460 người thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (7,4%); 15.302 người thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp (25,3%), 6.548 người thuộc lĩnh vực y - dược (10,8%), và có 27.813 người thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (45,9%). Trong các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức khác trên phạm vi cả nước có hàng chục nghìn giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và thạc sỹ.

Như vậy, số lượng cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo trong và ngoài nước không nhỏ, với ngành nghề đa dạng thuộc nhiều thế hệ. Trong một số lĩnh vực như y dược, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học cơ bản chúng ta có những nhóm, tập thể KH-CN khá mạnh đạt tầm khu vực và quốc tế.

Mặc dù số lượng không nhỏ, nhưng nhân lực KH-CN nói chung còn tản mạn, chưa được tập hợp để thực hiện nhiệm vụ KH-CN lớn quốc gia. Còn bất cập về cơ cấu, nhất là thiếu cán bộ KH-CN đầu đàn có năng lực, trình độ thực hiện những nhiệm vụ KH-CN lớn ở trình độ quốc tế trong lĩnh vực KH-CN thiết yếu. Nhiều người sau khi được đào tạo rất cơ bản thì hoặc tìm cơ hội ở lại nước ngoài lâu dài, hoặc chuyển sang nghề khác. Đây là sự lãng phí, tổn thất rất lớn.

Tuy nhiên, về tổng thể thì nguồn nhân lực KH-CN hiện vẫn là một thành quả KH-CN đáng giá nhất cho đến nay và là cơ sở để chúng ta có được niềm tin và ý chí chấn hưng đội ngũ này và coi đó như bước đi, giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển KH-CN.

- Theo Ông, cần có những biện pháp gì để phát triển nguồn nhân lực KH-CN?

- Trong một thế giới toàn cầu hóa phát triển mau lẹ với những cơ hội và thách thức đan xen thì cuộc giành giật nhân tài KH-CN đang diễn ra gay gắt. Có được lực lượng nhân tài xuất sắc là điều kiện quyết định nắm được lợi thế trong cạnh tranh, phát triển nền kinh tế tri thức, khẳng định vị trí quốc tế.

Có ba yếu tố chính để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực KH-CN, đó là môi trường hoạt động sáng tạo, sự tôn vinh và đãi ngộ về thu nhập. Nhưng hiện nay ở nước ta, cả ba yếu tố này đang còn nhiều bất cập. Điều kiện, môi trường và văn hóa làm khoa học chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo; nhà khoa học chưa được tôn vinh; thu nhập chủ yếu là lương hành chính mà thường là quá thấp, chưa có thu nhập từ kết quả hoạt động KH-CN. Do đó, nhiều người làm khoa học phai nhạt dần lòng đam mê nghiên cứu, mất dần sự tự tin và hoài bão cống hiến. Tỷ lệ học sinh, thanh niên ưu tú đi vào lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ rất thấp; tạo ra sự hẫng hụt lớn về nhân lực KH-CN. Như vậy, thực hiện đồng bộ cả 3 yếu tố như đã nêu là một trong những biện pháp phát triển nguồn nhân lực KH-CN.

- Ông có thể làm rõ thêm ý kiến vừa đề cập?

- Trước hết, về quan điểm thì phát triển nguồn nhân lực KH-CN phải được tiến hành đồng thời với đổi mới cơ bản và toàn diện chính sách đầu tư, cơ chế tài chính; cơ chế tổ chức và hoạt động KH-CN; đẩy mạnh ứng dụng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Những đổi mới này là tiền đề, là phương thức phát triển nguồn nhân lực KH-CN. Hiện nay, các nhà khoa học chủ yếu làm khoa học bằng hình thức đề tài, dự án KH-CN với nguồn kinh phí hạn hẹp, chủ yếu từ ngân sách nhà nước (10 - 12% của tổng chi 2% ngân sách nhà nước). Nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp cũng còn rất khiêm tốn.

Luật KH-CN (2000) đã quy định “các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội phải có căn cứ khoa học, có hạng mục nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần thiết và phải được thẩm định về KH-CN theo quy định của Chính phủ (Điều 31). Đồng thời, luật cũng quy định khi cần thiết có thể sử dụng vốn ODA để thực hiện các nhiệm vụ KH-CN có nhu cầu vốn lớn (Điều 43). Các nguồn tài chính này trong hơn 10 năm qua hầu như không được khai thác.

Đầu tư cho KH-CN thấp dẫn đến tình trạng thiếu phương tiện, thiếu nhiệm vụ KHCN, thiếu việc làm cho nhà khoa học. Vì thế, chưa thể có được môi trường khuyến khích sáng tạo, tôn vinh và đãi ngộ. Đấy là chưa nói đến những bất cập trong nhận thức, cơ chế quản lý, trọng dụng trí thức. Không có các nhiệm vụ KH-CN lớn thì cũng không thể có đội ngũ KH-CN trình độ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế được.

- Những cơ chế đột phá để phát triển nguồn nhân lực KH-CN đã được quy định trong Luật KH-CN sửa đổi là gì, thưa Ông?

- Luật KH-CN dành cả Chương III để quy định về quyền của cá nhân hoạt động KH-CN; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học; thu hút cá nhân hoạt động KH-CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài. Nhiều cơ chế ưu đãi mạnh mẽ đã được quy định nhằm thực hiện chủ trương nêu trong Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI là: “đầu tư cho nhân lực KH-CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc”.

- Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua chưa có quy định danh hiệu “nhà khoa học nhân dân”; “nhà khoa học ưu tú”. Quan điểm của Ông về điều này?

- Dưới góc độ một cử tri làm khoa học cũng như một người làm quản lý, tôi kiến nghị nên quy định và phong tặng danh hiệu vinh dự “nhà khoa học nhân dân”, “nhà khoa học ưu tú” hoặc “nhà hoạt động khoa học công huân” cho những người không chỉ có đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển KH-CN nước nhà bằng những công trình KH-CN, mà còn có uy tín cao, vai trò lan tỏa, dẫn dắt công chúng, nhất là thế hệ trẻ cống hiến cho KH-CN, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chấn hưng nền KH-CN nước nhà. Đó cũng là một biện pháp tôn vinh để thu hút, trọng dụng nhân tài của đất nước.

Nhớ lại, trong những năm đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, nhiều nhà khoa học ưu tú đã nghe theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ bỏ những điều kiện rất ưu ái, thuận lợi ở nước ngoài, ở đô thị để tham gia kháng chiến trong điều kiện hết sức gian khổ và nguy hiểm. Động cơ lớn nhất lúc đó là lòng yêu nước và niềm tin đối với Đảng và Bác Hồ. Họ đã có những cống hiến xuất sắc và đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân tôn vinh. Đối với nhà khoa học chân chính, hoài bão cống hiến cho nhân dân, cho đất nước là cao cả nhất, còn việc đánh giá, ghi nhận là của chúng ta.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo daibieunhandan

Ý kiến góp ý: