Một số nguyên tắc xác định chỉ số môi trường trong xây dựng hệ thống quan trắc môi trường nông thôn
04/11/2013Môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do tác động của các hoạt động sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có được các số liệu cơ bản phục vụ công tác quản lý của ngành. Trước tình trạng trên Bộ NN&PTNT đã ra quyết định số 3244/QĐ-BNN-KHCN ngày 02/12/2010 phê duyệt đề án "Tăng cường năng lực quan trắc môi trường nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2020" sẽ được triển khai trong thời gian tới với 7 Trung tâm vùng. Dưới trung tâm vùng là các Trạm chuyên đề và Trạm quan trắc môi trường nông thôn. Nội dung bài viết thông tin đến bạn đọc về tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, hiện trạng hệ thống quan trắc môi trường của ngành nông nghiệp và đề xuất một số nguyên tắc xác định chỉ số môi trường nhằm thống nhất nội dung trong toàn hệ thống phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý của ngành.
I. Sự cần thiết xây dựng nguyên tắc xác định chỉ số môi trường trong xây dựng hệ thống quan trắc môi trường nông thôn
Tình hình ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng gia tăng
Ô nhiễm môi trường do chất thải trong khu dân cư
Tính đến năm 2010, khu vực nông thôn Việt Nam có trên 60 triệu dân số sinh sống, chiếm hơn 73% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực này phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Gần 90% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật chưa được xử lý, xả trực tiếp vào môi trường.
Tất cả các điểm đổ rác đều không có các hình thức xử lý đang là mối hiểm họa về môi trường và sức khỏe đối với người dân địa phương. Nước sông, hồ kênh mương gần các điểm đổ rác đều có hàm lượng chất hữu cơ, vô cơ và Coliforms vượt QCVN 08:2008. Việc đốt rác trong điều kiện thời tiết ẩm cháy âm ỉ cả tuần gây khói bụi ô nhiễm môi trường không khí khu vực. Nhiều địa phương các bãi rác tạm nằm ven sông, ven biển khi nước sông dâng cao cuốn trôi theo dòng nước từ khu vực này sang khu vực khác.
Bãi rác xã Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình Phần lớn các loại nước thải sinh hoạt đều không được xử lý, chảy tự do, ngấm xuống đất và chảy xuống ao hồ. Nhiều nơi nước ao hồ đen đặc, bốc mùi hôi thối, nhiều ao hồ không còn loài sinh vật nào có thể sinh sống. Ô nhiễm môi trường nông thôn do chất thải làng nghề: - Đối với các làng nghế chế biến nông sản thực phẩm: Ô nhiễm hữu cơ do bã thải chế biến dong, sắn, bún bánh.., ô nhiễm bụi và khí thải do đốt than; - Các làng nghề dệt nhuộm: Ô nhiễm môi trường do bôi bông, vải vụn phát sinh trong quá trình kéo sợi, cắt may, ngoài ra còn bã kén, xỉ than, thùng đựng hóa chất, nước thải do tẩy nhuộm, khí thải do đốt than; - Các làng nghề tái chế giấy: Ô nhiễm nước thải do nghiền, tẩy bột giấy; - Làng nghề tái chế kim loại: Ô nhiễm do nước thải có chứa nhiều kim loại nặng, khí thải do đốt than và kim loại nóng chảy, gỉ sắt và mẩu vụn kim loại... Hầu hết chất thải làng nghề chưa được xử lý và thải vào môi trường gây ô nhiễm môi trường cục bộ. Ô nhiễm môi trường nông thôn do chất thải chăn nuôi + Tính đến năm 2008, ngành chăn nuôi phát thải khoảng 80,4 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại). Trong đó, khoảng 60% lượng chất thải rắn, 80% chất thải lỏng xả thẳng ra tự nhiên hoặc sử dụng không qua xử lý là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. + Hiện có trên 80% các bệnh nhiễm trùng ở nông thôn có liên quan đến nguồn nước bị nhiễm vi sinh vật như các bệnh do vi rút, giun sán, bệnh tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, tiêu chảy, các bệnh ngoài da, đau mắt... Nguyên nhân chủ yếu do người chăn nuôi xả chất thải chưa xử lý, vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi... Ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây các bệnh từ vật nuôi sang người ngày càng tăng cao do công nghệ, phương thức và qui mô chăn nuôi nước ta còn lạc hậu, phân tán xen lẫn trong khu dân cư. Một số điển hình về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi như: - Xã Cảnh Hưng (Tiên Du - Bắc Ninh) có tới 90% số hộ chăn nuôi, bởi chung sống với mùi xú uế ô nhiễm, người dân hiện canh cánh nỗi lo “bóng đen bệnh tật”. Gần đây số người mắc bệnh ung thư ngày một tăng. Từ năm 2005 tới 2009 thôn có tới 22 người chết, trong đó 10 người chết do ung thư (50%), chưa kể số người ung thư phổi, máu phải chuyển về nhà do bệnh viện không thể chữa trị. - Xã Tàm Xá (Đông Anh - Hà Nội) hiện như một khu chăn nuôi khép kín, mặc dù đường ngõ được bê tông hoá, nhà dân gắn biển số văn minh như phố, nhưng các lối thoát nước thải đều đen ngòm phân rác. Dân xã này lo nước thải tù đọng ngấm xuống mạch nước ngầm và thường kinh hãi khi trời mưa, nước dềnh lên đường làng toàn phân bò, lợn... - Tại vùng ngoại ô TP. Biên Hoà (Đồng Nai) mật độ chăn nuôi lên tới 120 con lợn và 315 con gia cầm /ha. Bởi thế, người dân luôn khiếu kiện nhau vì không thể sống chung với ô nhiễm. - Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định và Hà Tây (cũ), qua khảo sát tại xã Trực Thái (Trực Ninh - Nam Định) có 91,13% hộ nuôi lợn và xã Trung Châu (Đan Phượng -Hà Tây (cũ), với 93,33% số hộ nuôi lợn, thấy mức độ ô nhiễm đang ở tình trạng báo động. Khí độc NH3, H2S có trong không khí cao hơn mức cho phép 4,7 lần, nhiễm khuẩn trong chuồng trung bình là 18.675 vi sinh vật (cao hơn tiêu chuẩn của Nga 12 lần), nước thải nhiễm E.Coli và 25% số mẫu nhiễm trứng giun với mật độ 4.025 trứng/500ml nước thải. Hàm lượng COD là 3.916mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ từ 100 - 400mg/lít. - Ở các trang trại nuôi lợn tại xã Đức Sơn (TP. Đồng Hới) hàng ngày thải ra lượng chất thải lớn không được xử lý làm 50 hộ dân quanh vùng không thể sử dụng nguồn nước ngầm do có váng vàng, mùi hôi tanh. Tỷ lệ người dân mắc bệnh tiêu chảy, mẩn ngứa, ghẻ lở rất cao. II. Hiện trạng công tác quan trắc môi trường ngành nông nghiệp và PTNT Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện trạng công tác quan trắc môi trường ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như sau: · Các đơn vị quan trắc thuộc mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia. Hiện tại, mạng lưới quan trắc môi trường của Bộ NN&PTNT tham gia trong mạng lưới qua trắc môi trường Quốc gia gồm 5 đơn vị như sau: - Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện Nghiên cứu hải sản; - 03 trạm quan trắc và phân tích môi trường đất miền Bắc, Nam và Tây Nguyên thuộc viện Môi trường Nông nghiệp; - Trạm quan trắc mưa axit khu vực phía Nam thuộc Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam. Nội dung hoạt động của các trạm quan trắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt hàng phục vụ cho công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm · Hệ thống quan trắc môi trường do Bộ NN và PTNT quản lý Hiện chỉ có 4 Trung tâm quan trắc và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản hoạt động độc lập theo chuyên môn sâu. Ngoài ra, còn có một số đơn vị thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh như: - 2 Trung tâm TNN&MT tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thực hiện quan trắc và đánh giá chất lượng tài nguyên nước; - 7 cơ quan thú y vùng thực hiện cảnh báo dịch bệnh trong chăn nuôi. · Hệ thống quan trắc môi trường nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các địa phương. Một số địa phương đã thành lập Trung tâm quan trắc môi trường thuộc sở Tài nguyên và Môi trường. Hiện tại, các Trung tâm này chủ yếu tập trung quan trắc các nguồn thải phục vụ cho công tác thu phí xả thải của các doanh nghiệp và chưa xác định được các nội dung quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, mặc dù môi trường khu vực nông thôn đang chịu nhiều áp lực từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của trên 73% dân số, mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng nhưng cho đến nay chưa có các số liệu quan trắc cơ bản phục công tác quản lý, đánh giá và giám sát. III. Đề xuất nguyên tắc xây dựng hệ thống quan trắc môi trường nông thôn III.1- Nguyên tắc xác định số lượng, vị trí các điểm quan trắc: - Các điểm quan trắc phải đại diện cho vùng có tính đặc trưng, đại diện cho các nguồn thải và các đối tượng bị tác động; - Chú trọng những nơi, vùng, các hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; - Phản ánh đúng hiện trạng môi trường các khu vực nông thôn; - Có cơ sở cho dự báo, đánh giá tác động môi trường, diễn biến môi trường, đề xuất các giải pháp phòng chống, khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. * Tiêu chí lựa chọn vị trí các điểm quan trắc: - Vị trí quan trắc môi trường nền: quan trắc những thông số môi trường cơ bản tại các điểm tương đối cố định lâu dài, ít bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế - xã hội. Vị trí quan trắc môi trường nền gồm các vị trí quan trắc môi trường nền không khí, đất, nước mặt, nước dưới đất... - Vị trí quan trắc nguồn tác động (kiểm soát ô nhiễm): Vị trí quan trắc chất lượng nguồn phát thải như: Chất thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề, hoạt động dịch vụ, thương mại.... - Vị trí quan trắc các đối tượng bị tác động: là những nơi bị tác động trực tiếp bởi các nguồn thải dẫn đến biến động của chất lượng môi trường như: không khí, đất, nước mặt, nước ngầm. Vị trí quan trắc phải đặt ở khu vực phía sau nguồn ô nhiễm. III.2- Xác định nội dung quan trắc · Nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường nông thôn như: - Nguồn gây ô nhiễm do hoạt động sinh hoạt trong khu dân cư: Nước thải, chất thải rắn sinh hoạt; - Nguồn gây ô nhiễm do chăn nuôi: Nước thải, chất thải rắn, khí thải; - Nguồn gây ô nhiễm do làng nghề, cụm công nghiệp: Nước thải, chất thải rắn, khí thải; - Nguồn gây ô nhiễm do các hoạt động dịch vụ, thương mại. · Đối tượng bị tác động: Nước mặt, nước ngầm, không khí, đất III.3- Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường nông thôn Để tiết kiệm kinh phí và đảm bảo các mục tiêu quan trắc, hệ thống quan trắc môi trường nông thôn cần được triển khai theo nhiều cấp độ với các nội dung và tần suất khác nhau đảm bảo cập nhật đầy đủ các thông tin từ nhiều đối tượng khác nhau. Có thể phân chia làm 2 cấp độ quan trắc: - Cấp 1: Quan trắc bằng cảm quan các biểu hiện về nguồn gây ô nhiễm và đối tượng bị tác động như: Diễn biến về lưu lượng, khối lượng nguồn thải, tốc độ dòng chảy, màu sắc, mùi… quan trắc thường xuyên do cán bộ địa phương hoặc người dân thực hiện - Cấp 2: Quan trắc về chất lượng các nguồn thải, chất lượng môi trường của các đối tượng bị tác động. Tần suất quan trắc theo mùa, quan trắc hàng tháng hoặc theo chu kỳ sản xuất. Đỏi hỏi cơ quan chuyên môn và thiết bị chuyên dụng IV- Nguyên tắc xác định các chỉ số quan trắc môi trường nông thôn Trên cơ sở xác định được mục tiêu, các đối tượng quan trắc, đề xuất bộ chỉ số quan trắc môi trường nông thôn như sau: · Bộ chỉ số quan trắc đối với nguồn gây ô nhiễm: - Loại hình sản xuất, qui mô lưu lượng, khối lượng, tình hình xử lý chất thải… - Chất lượng các nguồn thải: nước thải, chất thải rắn, khí thải. · Bộ chỉ số đối với các đối tượng tác động - Các chỉ số môi trường nền đối với nước mặt, nước ngầm, không khí; - Các chỉ số ô nhiễm thông thường; - Các chỉ số ô nhiễm đặc thù theo nguồn tác động và đối tượng bị tác động. Đề xuất bộ chỉ số quan trắc môi trường nông thôn (Bảng 1) Bảng 1: Đề xuất các chỉ số quan trắc môi trường nông thôn TT Nội dung quan trắc Chỉ số Thông thường Đặc thù I Quan trắc các nguồn gây ô nhiễm 1 Nước thải - pH, TSS, DO, BOD, COD, độ mầu, NH4+, tổng N, tổng P, sunfua, phenol, Dầu mỡ khoáng, dầu mỡ động thực vật, Clorua, Coliform. - Lưu lượng, khối lượng, tốc độ dòng chảy, nguồn tiếp nhận, màu, mùi Lựa chọn các chỉ tiêu kim loại nặng theo nguồn gốc phát sinh của các nguồn gây ô nhiễm 2 Khí thải Bụi lơ lửng, SO2, CO. NOx. NH3, H2S đối với khu vực chăn nuôi 3 Chất thải rắn Khối lượng, thành phần, tình hình xử lý, mức độ tác động đến môi trường Chất thải nguy hại đối với từng nguồn phát sinh II Quan trắc môi trường nền 1 Môi trường không khí Các chỉ số theo QCVN 26:2010 2 Môi trường nước mặt Các chỉ số theo QCVN 08:2008 3 Môi trường nước dưới đất Các chỉ số theo QCVN 09:2008 4 Môi trường đất Các chỉ số theo QCVN 03:2008 III Quan trắc các đối tượng bị tác động Môi trường không khí Bụi lơ lửng, SO2, CO. NOx. NH3, H2S đối với vùng bị ảnh hưởng của chất thải chăn nuôi Môi trường nước mặt pH, TSS, DO, BOD, COD, NO3-, NH4+, PO43, phenol tổng số, tổng dầu mỡ, tổng N, Tổng P, Coliform tổng số, vi khuẩn kị khí. Lựa chọn các chỉ tiêu kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo nguồn gây ô nhiễm Môi trường đất pH, độ ẩm, C%, tổng N, Tổng P, TSMT, Cl-, Ca, Mg, vi sinh vật, trứng giun Lựa chọn các chỉ tiêu kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo nguồn gây ô nhiễm Môi trường nước dưới đất pH, độ cứng, chất rắn tổng số, COD, NH4+, Clorua, NO-2, NO-3, Fe, Mn, Coliform tổng số. Lựa chọn các chỉ tiêu kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo nguồn gây ô nhiễm V- Xác định tần suất quan trắc môi trường nông thôn - Xác định tần suất quan trắc của các nguồn thải: Quan trắc theo chu kỳ sản xuất, thời gian phát thải; - Tần suất quan trắc của môi trường nền: Vào 2 mùa trong năm, mùa khô và mùa mưa; - Tần suất quan trắc môi trường các đối tượng bị tác động: Theo chu kỳ sản xuất, thời gian phát thải và theo mùa trong năm. VI- Đánh giá số liệu quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường nông thôn - Đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nông thôn theo mùa và theo năm; - Đánh giá chất lượng các nguồn thải, môi trường nền và môi trường bị tác động theo QCVN và theo mục đích sử dụng: + QCVN 08:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt + QCVN 09:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất + QCVN 14:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải sinh hoạt + QCVN 05:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp + QCVN 26:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí - Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường nông thôn phục vụ công tác cảnh báo. KẾT LUẬN: Môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do tác động của các hoạt động sản xuất, dân sinh, mức độ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng là không nhỏ nhưng cho đến nay chưa xây dựng được hệ thống quan trắc. Hiện trạng môi trường nông thôn cũng chưa được đánh giá một cách đầy đủ, dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác quản lý của ngành. Bởi vậy, việc triển khai xây dựng hệ thông quan trắc môi trường nông thôn là rất cần thiết cần sớm được ưu tiên thực hiện, đặc biệt đối với khu vực tập trung đông dân cư như đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Bài viết sẽ làm tài liệu tham khảo cho các đơn vị chuyên môn và cơ quan quản lý của ngành xây dựng trong việc xây dựng nội dung và nhiệm vụ quan trắc môi trường nông thôn thống nhất trong toàn hệ thống. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Vũ Thị Thanh Hương, Hoàng Thu Thủy, Hiện trạng quản lý chất thải rắn nông thôn Việt Nam và các giải pháp khắc phục- Tạp chí nông nghiệp và PTNT- Đặc san về môi trường nông nghiệp nông thôn, 2008 [2]. Vũ Thị Thanh Hương, Tổng hợp xây dựng các mô hình thu gom, xử lý rác thải cho các thị trấn, thị tứ, cấp huyện, cấp xã- Báo cáo tổng kết dự án, 2008 [3]. Hoàng Thu Thuỷ, Vũ Quốc Chính, kết quả điều tra hiện trạng quản lý môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm khu vực miền Bắc, 2011 [4]. Quyết định số 3244/QĐ-BNN- KHCN ngày 02/12/2010 của Bộ NN và PTNT phê duyệt đề án “Tăng cường năng lực quan trắc môi trường nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2020” Tác giả: PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương Tạp chí KH&CN Thủy lợi
* Nguyên tắc lựa chọn vị trí các điểm quan trắc
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường
Ý kiến góp ý: