TextBody
Huy chương 2

Một số tồn tại của nền khoa học Việt Nam

05/08/2013

Vừa qua Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cuộc đối thoại với một số nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Dưới đây là ý kiến của GS. Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán tại cuộc đối thoại đó.

1. Tổ chức hoạt động quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ

Khác với Việt Nam, ở các nước phát triển trên thế giới, Nhà nước chỉ đóng vai trò điều phối hoạt động KHCN thông qua việc đặt nhiệm vụ ở tầm vĩ mô, còn các nhà khoa học mới đóng vai trò chủ đạo trong việc xác định nhiệm vụ cụ thể và phân bổ kinh phí như thế nào.  Vì vậy muốn KHCN của Việt Nam có những chuyển biến tích cực hơn, thì ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần giao hẳn quyền phân bổ kinh phí khoa học cho Bộ KH&CN để tránh tình trạng đầu tư dàn trải cho các ngành, các cấp và các địa phương. Nhà nước chỉ đặt nhiệm vụ khoa học đối với Bộ KH&CN và Bộ KH&CN sẽ chịu trách nhiệm hoạch định các nhiệm vụ khoa học và phân bổ kinh phí sao cho hiệu quả nhất. Nếu Bộ KH&CN chỉ quản lý 10% trong tổng số kinh phí dành cho KHCN thì Bộ KH&CN không thể có vai trò thực sự trong sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ. Bộ máy hành chính của các tổ chức khoa học chỉ đóng vai trò giúp các Hội đồng khoa học quản lý các nhiệm vụ KHCN.

Luật KHCN sửa đổi đã bổ sung một số điều về các Quỹ khoa học nhưng chưa có những quy định tập trung quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các Quỹ khoa học. Công tác quản lý KHCN vẫn phân về các ngành, các cấp và các địa phương. Thậm chí, Luật KHCN sửa đổi còn đề xuất việc thành lập Quỹ phát triển KHCN tại các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  Như vậy bên cạnh việc tạo thêm một bộ máy hành chính mới không cần thiết, các Quỹ địa phương này sẽ lại tiếp tục việc đầu tư dàn trải là nguồn gốc của “tình trạng trùng lặp nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa các ngành, các cấp, và các địa phương” và việc “nguồn vốn về các địa phương nhiều khi được sử dụng không đúng mục đích.” Điều này không khác gì việc may một cái áo mới cho một cơ thể cũ. 

Bộ KH&CN cần kiến nghị Nhà nước sắp xếp và tổ chức lại các viện khoa học và công nghệ tràn lan ở khắp các Bộ, các ngành, các cấp, và các địa phương. Đây chính là hệ quả tất yếu của việc phân bổ đầu tư một cách dàn trải. Không nên để các Bộ, các ngành, các cấp, và các địa phương có các viện nghiên cứu riêng (kể cả Bộ KH&CN) vì nghiên cứu khoa học phải độc lập với cơ quan quản lý hành chính. Nên giải thể, sáp nhập, chuyển các cơ sở này thành viện độc lập hay đưa vào các viện hàn lâm. Kinh phí của chúng ta đã ít, nhân lực KHCN không nhiều mà chúng ta lại chia kinh phí KHKT ra khắp nơi thì làm thế nào có thể tạo ra những đột phá KHCN có hiệu quả.

Một khâu yếu kém nữa trong hoạt động KHCN là việc đánh giá trình độ các nhà khoa học và nghiệm thu các đề tài khoa học. Việc thiếu nghiêm túc trong khâu này đã dẫn đến trình trạng “thật giả” lẫn lộn, đem lại lợi ích và chức quyền cho những kẻ cơ hội, làm nản lòng những người làm khoa học nghiêm túc, đặc biệt đối với những nhà khoa học trẻ. Thực trạng hiện nay là trong khi ai cũng có bằng cấp và chức danh như nhau, nhưng khi cần tìm người giỏi thì không biết chọn ai. Bộ KHCN cần kiến nghị Bộ Nội vụ thay đổi cách thức thi tuyển và xếp ngạch cán bộ khoa học, loại bỏ những tiêu chuẩn về bằng cấp chính trị và quản lý. Việc đánh giá cán bộ và  nghiệm thu đề tài nhất thiết phải có những tiêu chuẩn cứng như đối với khoa học cơ bản là công bố quốc tế, còn đối với đề tài công nghệ là bằng phát minh sáng chế hay có địa chỉ ứng dụng thực sự. Không làm tốt khâu này thì nền khoa học của VN không bao giờ có thể phát triển lành mạnh được. 

2. Đội ngũ các nhà làm khoa học

Thách thức lớn nhất đối với khoa học Việt Nam hiện nay là đội ngũ các nhà làm khoa học có trình độ đang ngày càng ít dần không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội. Nhưng Luật KHCN sửa đổi chưa có những điều khoản cụ thể giúp cho việc xây dựng đội ngũ phát triển toàn diện và ổn định. 

Thực trạng hiện nay là giới trẻ không muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học vì không nhìn thấy tương lai phát triển và ổn định cuộc sống. Để thu hút tinh hoa giới trẻ chọn con đường khoa học Nhà nước, phải có những chính sách đãi ngộ đảm bảo cho các cán bộ khoa học có nguồn thu nhập và sinh hoạt ổn định. Cần phải quy định mức lương khởi điểm của nghiên cứu viên bằng 5 lần mức lương tối thiểu và Nhà nước phải xây nhà hay hỗ trợ kinh phí cho cán bộ khoa học mua hay thuê nhà. Không tạo ra được một tương lai ổn định cho các nhà khoa học trẻ thì chúng ta sẽ tìm nguồn nhân lực cao ở đâu. Tương lai ổn định này không thể thực hiện qua việc thực hiện các đề tài khoa học, trái với thông lệ quốc tế (không trả lương qua đề tài) và là nguồn gốc của nhiều tiêu cực. Nếu không có những chính sách đãi ngộ đột phá thì chắc chắn chúng ta sẽ không có đủ nguồn nhân lực làm khoa học và kỹ thuật trong tương lai.

Đối với nhân lực có trình độ cao Bộ KH&CN cần có những chương trình cụ thể với những đãi ngộ và quyền đặc biệt để thu hút được các nhà khoa học giỏi từ nước ngoài trở về. Các ưu đãi này phải liên tục và ổn định để người về nước có thể an tâm làm công tác nghiên cứu khoa học. Để tạo nguồn nhân lực lâu dài, Bộ KH&CN cần có chương trình đào tạo cán bộ trẻ ở nước ngoài bằng kinh phí nhà nước cho các viện nghiên cứu. Bộ GD&ĐT có chương trình 911 rất quy mô nhằm nâng cao trình độ các giảng viên đại học. Một số Viện nghiên cứu tham gia đào tạo cho chương trình này, nhưng không cử được những cán bộ trẻ có năng lực của mình đi học. Hậu quả là các viện nghiên cứu không thu hút được những sinh viên giỏi về công tác tại viện. Về lâu dài, các Viện khoa học sẽ mất dần vai trò đầu đàn của mình. Bộ KH&CN không nên giới hạn chương trình đào tạo vào các lĩnh vực công nghệ ưu tiên, bởi nếu không phát triển khoa học đồng bộ thì các công nghệ ưu tiên làm thế nào phát triển được. Vấn đề ở đây là phân bổ chỉ tiêu đào tạo một cách hợp lý chứ không chỉ giới hạn vào các hướng công nghệ ưu tiên.

3. Xây dựng các viện và trung tâm nghiên cứu tiên tiến 


Đây là một chủ trương đúng của Bộ KH&CN, mang tính đột phá nhằm phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao. Nhưng cần phải có những tiêu chí cụ thể về nhiệm vụ, chức năng và trình độ cán bộ khoa học khi xây dựng các viện này. Tuyệt đối không nên thành lập các viện nghiên cứu mới có chức năng và nhiệm vụ trùng lặp với các viện nghiên cứu đang tồn tại. Ví dụ như khi thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về toán, giới toán học đã xác định là Viện có chức năng bồi dưỡng và nâng cao trình độ của toàn bộ giới toán học Việt Nam. Vì vậy Viện không có cán bộ nghiên cứu cơ hữu như Viện Toán học mà chỉ có các nhà toán học trong cả nước tham gia các chương trình nghiên cứu toán học trong các lĩnh vực toán học khác nhau rồi sau đó trở về cơ quan cũ công tác. Có thể hiểu nôm na, Viện nghiên cứu cao cấp về toán như là một trường viết văn.  Đúng ra nên đặt Viện nghiên cứu cao cấp về toán trong Viện Hàn lâm KHCNVN như một cơ quan độc lập với Viện Toán học. Khi đó sinh hoạt khoa học của hai viện sẽ hỗ trợ cho nhau và có hiệu quả hơn. Vì vậy Chính phủ nên tập trung các viện và trung tâm nghiên cứu tiên tiến vào 2 Viện Hàn lâm với một cơ chế tự chủ cao nhưng chịu sự giám sát của hai cơ quan này. Có như vậy mới có thể tận dụng nguồn lực sẵn có ở các Viện Hàn lâm và tạo động lực phát triển cho hai cơ quan nghiên cứu đầu đàn này. Về mặt lâu dài phải phấn đấu xây dựng 2 Viện Hàn lâm thành nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu xuất sắc nhất của cả nước xứng đáng với tên gọi Viện Hàn lâm khoa học. Chúng ta có thể học hỏi bài học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tinh giản bộ máy như thế nào trong những năm 90 để có thể trở thành đầu tàu nghiên cứu khoa học của cả nước Trung Quốc với những thành tựu vang dội trong công nghệ vũ trụ, công nghệ máy tính, công nghệ sinh học, v.v… 

4. Về ý tưởng xây dựng một viện tương tự như Viện KIST

Khi Viện KIST được thành lập, Hàn Quốc không có cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên trách nào đủ sức giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ do sự phát triển kinh tế và xã hội Hàn Quốc đặt ra. Vì vậy Hàn Quốc đã tập trung tối đa nguồn nhân lực khoa học cao vào KIST nhằm tạo ra một môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến nhất, phục vụ phát triển kinh tế và thu hút các nhà khoa học Hàn Quốc ở nước ngoài về nước làm việc. Điều này cũng giống như ý tưởng thành lập Viện Hàn lâm khoa học ban đầu ở Việt Nam ngay khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ. Rất tiếc là chúng ta đã không thực hiện ý tưởng đúng đắn này. Đó là bài học cần học, chứ không phải việc thành lập VKIST sẽ làm khoa học Việt Nam phát triển. 

Chúng ta không đủ nguồn lực để cùng lúc xây dựng hai cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ đầu đàn. Trước mắt chúng ta chỉ có thể tập trung xây dựng dần dần một số viện nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến dựa trên những nguồn lực sẵn có và cho những viện này những cơ chế và chính sách đặc thù để những viện này có thể đuổi kịp trình độ quốc tế, tạo đà cho cả nền khoa học Việt Nam cùng phát triển.

GS. Ngô Việt Trung

Theo Tạp chí Tia sáng

 

Ý kiến góp ý: