Một số vấn đề tồn tại của hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và đề xuất giải pháp khắc phục, hoàn thiện
30/03/2015Hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 1.600km nằm trên địa phận của 13 tỉnh, thành phố. Qua quá trình hình thành, nâng cấp cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế xã hội, quá trình đô thị hóa,... các tuyến đê đã cơ bản được xác định về vị trí, quy mô, kích thước. Tuy nhiên, đã xuất hiện những mặt còn tồn tại về hệ thống đê biển của 13 tỉnh hiện nay như: sự chưa hợp lý của một số đoạn đê biển; các thiết kế chưa cập nhật được các nghiên cứu mới, cấu kiện bảo vệ mái; kết cấu chân đê biển chưa chuẩn hóa, cây bảo vệ đê chưa được quan tâm đúng mức; chưa có quy hoạch các vùng bãi có thể trồng được rừng cây chắn sóng. Đặc biệt quy hoạch, thiết kế đê biển hiện nay chưa tính đến mực nước biển dâng do BĐKH, đê kết hợp giao thông. Bài báo này tập trung phân tích những mặt được và tồn tại của hệ thống đê biển 13 tỉnh từ Quảng Ninh tới Quảng Nam từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng hệ thống đê này trong tương lai.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nước ta có trên 3200 km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam với hệ thống đê biển đã được hình thành củng cố qua nhiều thời kỳ. Hệ thống đê biển là tài sản quý của quốc gia, là hạ tầng cơ sở quan trọng đối với sự ổn định phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh cho cả nước nói chung và nhân dân vùng ven biển nói riêng. Với đường bờ biển dài là một thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, đặc biệt là vùng ven biển, có điều kiện tự nhiên thuận lợi và là cửa ngõ tiến ra biển, để đạt được mục tiêu mà chính phủ đã đề ra đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng ven biển.
Hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 1.600 km thuộc địa phận của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuyến đê này đã phát huy tác dụng tốt trong nhiều năm qua, bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ tài sản tính mạng của hàng chục triệu cư dân sống ven biển trước các biến động của thời tiết bất thường.
Qua quá trình hình thành và phát triển với sự thay đổi các điều kiện tự nhiên, hoạt động can thiệp của con người, nhiều đoạn bờ biển bị xói lở lấn sâu vào đất liền, phá hủy đê biển, đe doạ nghiêm trọng tới an ninh cũng như kinh tế xã hội vùng ven biển và cũng qua nhiều năm khai thác tuyến đê biển này, chúng ta đã thấy rõ một số bất cập trước những thay đổi điều kiện tự nhiên trong tương lai như: chưa hợp lý về tuyến đê tại một số địa phương; cấu kiện bảo vệ mái, kết cấu chân đê biển chưa chuẩn hóa; cây bảo vệ đê chưa được quan tâm đúng mức; chưa có quy hoạch các vùng bãi trồng cây chắn sóng; quy hoạch, thiết kế đê biển hiện nay chưa tính đến mực nước biển dâng do BĐKH, đê kết hợp giao thông, do vậy cao trình thường thấp, mặt cắt đê nhỏ so với yêu cầu.
Để cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, thiết kế và xây dựng nâng cấp tuyến đê biển từ Quảng Ninh tới Quảng Nam trong tương lai, nhằm đáp ứng được yêu cầu là tấm lá chắn cho dải ven biển, vừa là bàn đạp để phát triển kinh tế biển, bài báo này sẽ tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng tuyến đê biển từ tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Nam và những bất cập của nó.
Chi tiết bài báo xem tại đây: Một số vấn đề tồn tại của hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và đề xuất giải pháp khắc phục, hoàn thiện
Tác giả: PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, TS. Nguyễn Thanh Hùng
TẠP CHÍ KH&CN THỦY LỢI
Ý kiến góp ý: