Một số vấn đề tồn tại và giải pháp phát triển bền vững cho cây trồng cạn vùng tây nguyên
21/10/2024Biến đổi khí hậu cùng với kỹ thuật canh tác truyền thống, chưa áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật đã khiến sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển thiếu bền vững. Do vậy cần có giải pháp giúp việc canh tác cây trồng cạn ở Tây Nguyên ngày càng bền vững.
Tây Nguyên là vùng sản xuất lớn thứ 2 của cả nước về nông nghiệp với diện tích 1.830.397 ha cây trồng cạn được canh tác. Trong đó có 1.135.109 ha cây lâu năm; 695.288 ha cây hàng năm. Các loại cây lâu năm gồm cây ăn quả là 73.857 ha; cây lấy dầu là 481 ha; cây công nghiệp là 1.042.301 ha; cây gia vị, cây dược liệu là 1.571 ha; cây trồng cạn khác là 16.899 ha. Với diện tích như vậy thì Tây Nguyên là vùng có diện tích cây lâu năm lớn nhất và chiếm 32,1% diện tích cả nước. Các loại cây lâu năm có diện tích lớn trên 10.000 ha gồm có: xoài 56.930 ha; sầu riêng 22.732 ha; điều 67.830 ha; hồ tiêu 67.011; cao su 210.102 ha; cà phê 498.662 ha; chè 12.070 ha. Các loại cây hàng năm gồm có ngô và cây lương thực có hạt là 209.489 ha; cây lấy củ có chất bột là 186.838 ha; mía 51.894 ha; cây thuốc lào 4.237 ha; cây có hạt chứa dầu 25.720 ha; rau, hoa các loại 183.187 ha [1].
Hình 1. Sản lượng một số cây trồng cạn chủ lực của Tây Nguyên so với cả nước.
(Nguồn: https://vneconomy.vn/nong-nghiep-tay-nguyen-phat-trien-tuy-tien.htm)
Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt của các cây trồng cạn, áp dụng các biện pháp thâm canh tràn lan, sử dụng quá mức phân bón, nước tưới, thuốc BVTV khiến Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng suy thoái môi trường trên diện rộng, sử dụng đất kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng rửa trôi chất dinh dưỡng và thuốc trừ sâu tổng hợp vào tầng đất sâu cũng gây nguy hiểm cho nguồn nước ngầm. Hậu quả khiến Tây Nguyên hiện là một trong những khu vực chịu suy thoái môi trường nghiêm trọng nhất ở Việt Nam đối diện với nhiều thách thức trong phát triển bền vững.
► Một số vấn đề tồn tại trong canh tác cây trồng cạn tại Tây Nguyên
Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác cây trồng cạn chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập: người dân đã được phổ biến quy trình kỹ thuật bón phân nhưng vẫn bón cao hơn khuyến cáo (ví dụ: 60% nông dân trồng cà phê và 45% nông dân trồng tiêu ở Đắk Lắk sử dụng phân bón không hợp lý, mất cân đối và 70% nông dân ở đây bón phân hóa học với liều cao hơn nhiều so với khuyến cáo so với năng suất được sản xuất). Tỷ lệ người dân quan tâm đến phân hữu cơ còn thấp, việc sử dụng thuốc BVTV hóa học với số lượng và chủng loại ngày càng gia tăng; phun với nồng độ và liều lượng cao so với khuyến cáo [2]. Hậu quả khiến đất đai bị suy thoái, chai cứng nên khả năng giữ phân bón, giữ nước kém, hệ số sử dụng phân bón thấp. Lượng phân thất thoát lớn sẽ tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất và nước.
Hiện nay, canh tác cây trồng cạn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Mặc dù đã có nhiều khu vực trở thành điểm sáng về ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) hay huyện Chư Sê (Gia Lai)… nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển nông nghiệp tại đây. Tổng diện tích cây trồng cạn áp dụng tưới tiết kiệm nước tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là 142.169,5 ha. Trong đó Đắk Lắk lớn nhất với 64.692 ha, chiếm 45,5%; ít nhất là Kon Tum 6.451 ha, chiếm 4,5%. Việc tưới nước không kiểm soát dẫn đến tài nguyên nước bị suy giảm, nguy cơ thiếu nước tưới ngày càng hiện hữu.
Tình trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thiếu bền vững: hiện nay việc chuyển đổi theo hướng ưu tiên các cây có giá trị kinh tế cao, chưa tuân thủ các khuyến cáo kỹ thuật, việc xen canh mang tính thời điểm và xu hướng giá cả thị trường nên thiếu tính bền vững.
Tổ chức quản lý sản xuất còn hạn chế: theo báo cáo của các sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng tình trang sản xuất chung các cây trồng cạn chủ lực tại địa phương (Cà phê, Cao Su, Ca Cao, sầu riêng, ..) chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ và manh mún. Phần lớn diện tích cây trồng cạn của vùng do nông dân tự trồng và chăm sóc (ví dụ cà phê là 90%), việc bảo quản sơ chế chưa theo một quy trình đồng bộ và khó đảm bảo chất lượng [2].
Chuỗi liên kết chuỗi giá trị gặp khó khăn, giá trị gia tăng thấp, doanh nghiệp và người dân chưa xích lại gần nhau để giải quyết khi giá cả thị trường biến động. Ngoài ra, các sản phẩm hàng hóa đều xuất dưới dạng sơ chế nên lợi nhuận thấp và sức cạnh trạng chưa được cao. Việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến còn chưa được phổ biến. Một số mặt hàng còn phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường hoặc khu vực thị trường (ví dụ: cà phê phụ thuộc vào thị trường châu Âu, cao su phụ thuộc thị trường Trung Quốc). Mỗi khi những thị trường này có biến động, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng lớn và tiêu cực đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng của Tây Nguyên.
► Đề xuất một số giải pháp phát triển bền vừng cho cây trồng cạn vùng Tây Nguyên
Quy hoạch vùng liên kết sản xuất, loại hình sản xuất dựa trên thế mạnh tự nhiên của vùng
Vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là những giải pháp có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng phó với khô hạn, thiếu nước tưới trong bối cảnh hạn hán đang diễn biến phức tạp tại Tây Nguyên. Các định hướng phát triển và quy hoạch cây trồng cạn nên dựa trên nguyên tắc: Đa dạng sinh học, các thành phần tự nhiên và nhân văn trong vùng sản xuất có khả năng tương hỗ về sinh thái và phát triển kinh tế trong sản xuất. Tập trung vào các vùng sản xuất lớn và các vùng lưu vực, phải đánh giá toàn diện về độ phì đất, các điều kiện sinh thái, tính ổn định về mặt môi trường, hiện trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất để từ đó đề xuất ra nhóm cây trồng phù hợp.
Lồng ghép chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) vào quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp. Nâng cao chất lượng dự báo về biến đổi khí hậu và tác động đối với phát triển cây trồng cạn. Quy hoạch phát triển các cây trồng cạn chủ lực nói chung của từng địa phương phải dựa vào kịch bản dự báo BĐKH, vùng sinh thái gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các cơ sở chế biến. Đổi mới cách tiếp cận xây dựng chiến lược, quy hoạch dựa trên kết quả đầu ra, hiệu quả của ngành sản xuất.
Giải pháp áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất cây trồng cạn để đảm bảo sản xuất bền vững, đó là:
Sử dụng bộ giống cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đối với cây trồng chủ lực nên thiết kế mật độ khoảng cách trồng để có thể ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch.
Áp dụng công nghệ bón phân dựa vào độ phì đất góp phần tiết kiệm được chi phí đầu tư phân bón từ 10 - 30%; năng suất cao hơn so đối chứng 5 – 20%; lợi nhuận tăng (bao gồm cả tiền tiết kiệm phân bón) từ 10 – 20%, giảm được lượng phân hóa học bón vào đất, làm tăng hiệu quả sử dụng nước khoảng 6 – 10%. Ví dụ: để sản xuất 1 tấn cà phê nhân chỉ cần lượng nước là 375 m3 so với đối chứng là 494 m3; đối với hồ tiêu để sản xuất 1 tấn cần 315 m3 so với đối chứng là 430 m3
Ưu tiên sử dụng các loại phân bón chức, bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng cần được khuyến cáo áp dụng. Áp dụng công nghệ 4.0 để quản lý chính xác nhu cầu dinh dưỡng của cây trong từng giai đoạn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.
Đa dạng hóa sản phẩm cây trồng bằng cách trồng xen các loại cây phù hợp có giá trị kinh tế (ví dụ cà phê, hồ tiêu + các loại cây ăn quả) để làm tăng thêm thu nhập cho nông dân từ 40 - 80%; tăng hiệu quả sử dụng nước từ 17,7 – 25,3%.
Thiết lập hệ thống các trạm thời tiết thông minh chuyên dụng ở các vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu bao gồm hệ thống trạm quan trắc, cảnh báo thời tiết, môi trường, sâu bệnh; ứng dụng công nghệ truyền thông đa phương tiện, chuyển tải các thông tin thời tiết nông vụ, khuyến nông, kỹ thuật chăm sóc, khuyến cáo tưới nước tiết kiệm giúp nông dân chủ động ứng phó với BĐKH.
Quản lý dịch hại hữu cơ và bón phân hợp lý
Khi áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kiểm soát cơ học và sinh học và các biện pháp khác có thể được sử dụng để kiểm soát quần thể dịch hại đồng thời giảm sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Phát triển cây trồng theo hướng hữu cơ, trồng xen canh cây trái hợp lý.
Phát triển các chuỗi liên kết
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Đây cũng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa qua các hoạt động khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, đồng thời tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng các quy trình hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) liên kết và trình độ của người nông dân.
3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Ứng dụng kỹ thuật canh tác bền vững cho cây trồng cạn vùng Tây Nguyên thúc đẩy phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu sử dụng các loại hóa chất, thuốc BVTV mang lại giá trị thặng dư cao hơn cho người nông dân. Tuy vậy, để tái thiết kế và vận hành nền sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với thị trường cùng với giá trị gia tăng cao và thích ứng với BĐKH cần phải có quyết tâm, ý chí và nguồn lực để thực hiện, cần sự tham gia kết hợp từ nhiều bên, nhiều thành phần khác nhau của xã hội, từ người nông dân, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, chuyên gia nghiên cứu, thậm chí những nhà hoạch định chính sách. Mỗi nhóm đóng một vai trò thiết yếu trong cả bức tranh tổng thể, cùng hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. Bởi vậy người nông dân không nên “bị” đứng một mình trong công cuộc ấy, người nông dân cần sự chung tay giúp sức từ cả xã hội, vì một xã hội xanh hơn, sạch hơn và khỏe mạnh hơn.
4. LỜI CẢM ƠN
Nội dung của tin bài là kết quả tổng hợp tài liệu, kết quả thu thập đánh giá của nhóm thực hiện nhiệm vụ môi trường: “Tuyên tryền phổ biến giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp” năm 2023. Nhóm tác giả xin trân trọng cảm ơn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. https://wasi.org.vn/mot-so-van-de-va-giai-phap-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-theo-phuong-phap-tiep-can-canh-quan-cho-mot-so-cay-trong-chu-luc-o-dak-lak/
[2]. Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, 2021. Báo cáo vùng Tây Nguyên nhiệm vụ: Khảo sát, đánh giá thực trạng áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ở địa phương phục vụ tổng kế 05 năm thực hiện kế hoạch tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước.
[3]. Sở NN và PTNN tỉnh Đắk Nông, 2022. Báo cáo Về việc báo cáo thực trạng áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và công tác thực hiện Quy hoạch về lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
[4]. UBND tỉnh Gia Lai, 2022. Về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm ức cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2022.
[5]. UBND tỉnh Lâm Đồng, 2021. Kế hoạch hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội động và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gần với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025.
ThS. Ngô Minh Đức, ThS. Trần Hưng, ThS. Vũ Thanh Trà
ThS. Nguyễn Thị Loan, KS. Hoàng Quốc Việt
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường
Ý kiến góp ý: