Một số vấn đề về nguồn nước vùng bán đảo Cà Mau theo kịch bản phát triển thượng lưu và nước biển dâng
06/04/2015Bán đảo Cà Mau (BĐCM) là một phần quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước những biến động do sự phát triển phía thượng lưu Mê Công (nhu cầu về nước cho nông nghiệp, thủy điện gia tăng), biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tác động của những yếu tố trên được cảnh báo là rất lớn và nghiêm trọng đối với ĐBSCL. Bài báo này sẽ trình bày một số kết quả nghiên cứu mới của tác giả về vấn đề trên, chủ yếu về tác động đến xâm nhập mặn vùng Bán đảo dưới tác động của một số biến động dòng chảy thượng lưu và nước biển dâng theo các mức khác nhau.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bán đảo Cà Mau là một phần quan trọng, chiếm gần 43% diện tích của ĐBSCL, có lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp và thủy sản. Trong hơn mười năm qua, thay đổi sản xuất xảy ra mạnh mẽ theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi mô hình sử dụng tài nguyên đất và nước. Kết quả đạt được rất khả quan, đầy hứa hẹn. Tuy vậy, phát triển Bán đảo đang tiềm ẩn sự thiếu bền vững, nhất là do cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất (hệ thống thủy lợi cho nông nghiệp và thủy sản, đê biển,... còn ở mức rất thấp, chưa chủ động kiểm soát chế độ nước, phòng chống thiên tai [1, 3, 4]).
Theo nhiều nghiên cứu, ĐBSCL nói chung và BĐCM nói riêng được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của nước biển dâng (NBD) cả về ngập và xâm nhập mặn. Mặt khác, thượng lưu sông Mê Công đang và sẽ diễn ra sự phát triển mạnh mẽ, có liên quan đến nguồn nước phía hạ lưu (Tô Quang Toản và nnk, [2], [6], [7]). Hai yếu tố được cho là sẽ có ảnh hưởng đáng kể, đó là phát triển thủy điện và gia tăng nông nghiệp có tưới. Trong điều kiện vận hành bình thường, phát triển thủy điện có thể làm gia tăng dòng chảy kiệt về mùa khô, ngược lại việc gia tăng diện tích có tưới sẽ làm giảm dòng chảy không chỉ trong mùa khô mà còn cả mùa mưa. Tác động thay đổi dòng chảy thượng lưu về đồng bằng có ảnh hưởng đến nguồn nước hạ lưu, nhất là ĐBSCL, trong đó xâm nhập mặn làm suy giảm nguồn nước ngọt vùng cửa sông là một trong số các vấn đề lớn nhất.
Ba yếu tố tác động trên (NBD, gia tăng tưới, thủy điện thượng lưu) đối với Đồng bằng và Bán đảo đã bắt đầu được nghiên cứu trong thời gian gần đây, theo một vài khía cạnh, chủ yếu là đánh giá tác động của từng yếu tố riêng lẻ.
Nghiên cứu được trình bày sẽ là đánh giá tác động của ba yếu tố nói trên theo các tổ hợp tác động của chúng, nhằm đưa ra những cảnh báo cần thiết cho sự phát triển bền vững Bán đảo. Nghiên cứu tập trung cho phần Bán đảo Cà Mau, nhưng được đặt ra trong bài toán tổng thể toàn ĐBSCL và châu thổ Mê Công. Dưới đây sẽ trình bày các kết quả nghiên cứu đánh giá về mặt xâm nhập mặn của ba yếu tố thay đổi nói trên đối với vùng BĐCM.
Chi tiết bài báo xem tại đây: Một số vấn đề về nguồn nước vùng bán đảo Cà Mau theo kịch bản phát triển thượng lưu và nước biển dâng
Tác giả: GS.TS. Tăng Đức Thắng
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
TẠP CHÍ KH&CN THỦY LỢI
Ý kiến góp ý: