MRC: Nên ngừng xây đập trên sông Mê Kông
25/10/2010Nhân dịp công bố bản Đánh giá Môi trường Chiến lược của thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mê Kông, mới đây UB sông Mê Kông (MRC) đã kêu gọi các quốc gia hạ nguồn dòng sông nên đình hoãn các dự án xây dựng đập thủy điện trong vòng 10 năm tới để xem xét kỹ lưỡng những tác động của đập đến hệ sinh thái cũng như biến động thủy văn của con sông quan trọng nhất khu vực này
Đối với MRC, 10 năm là thời gian tối thiểu cần có để nghiên cứu kỹ lưỡng ảnh hưởng của các con đập này đối với hệ sinh thái và cư dân sinh sống dọc theo con sông, trước khi tiến hành xây các đập thủy điện. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, các công trình này có thể tạo ra nhiều nguy cơ đối với hệ sinh thái trong khu vực do các công trình thủy điện gây ra. Là một cơ quan có tính chất tham vấn liên Chính phủ gồm bốn nước hạ nguồn là Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan, MRC đã cho tiến hành công trình nghiên cứu trong bối cảnh các nước Campuchia, Lào và Thái Lan có ý định muốn xây dựng 12 con đập trên dòng chảy chính của sông Mê Kông để khai thác tiềm năng thủy điện được cho là rất to lớn. Nhưng nguồn lợi này sẽ không được chia sẻ đồng đều: Lào được hưởng 70% mối lợi nhờ có thêm thủy điện và không phải chi phí cho nhiệt điện, Thái Lan và Campuchia được chừng 11-12%, còn Việt Nam chỉ được khoảng 5%.
Kết luận của bản báo cáo khẳng định, nếu cả 12 con đập dự kiến được hoàn thành, chắc chắn sẽ mang lợi ích về điện năng cho các nước trong vùng. Tuy nhiên, điều đáng nói là, tác hại về môi trường. Bản báo cáo cho rằng, các con đập có thể gây hại đến các loài cá nước ngọt và có thể gây mất ổn định về an ninh lương thực trong một khu vực có hàng triệu cư dân sống nhờ nông và ngư nghiệp.
Báo cáo của MRC nêu rõ, nếu toàn bộ các con đập được xây dựng, thiệt hại cho ngành ngư nghiệp có thể lên đến 476 triệu USD/năm. Còn thiệt hại cho ngành ngư nghiệp ở những vùng châu thổ và ven biển, như ở Việt Nam, thì chắc chắn sẽ rất lớn, dù đến nay chưa có nghiên cứu chính xác về vấn đề này. Đối với nông nghiệp, MRC báo động, 54% các khu vườn dọc hai bờ sông sẽ biến mất. Việc mất đất trồng trọt để dành chỗ cho các hồ chứa nước và các đường truyền tải điện, thiệt hại lên tới 25,1 tỷ USD/năm.
Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cũng cảnh báo, việc xây các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông sẽ hầu như xóa sổ những loài cá da trơn, loại có thể đạt trọng lượng 300 kg. Ngoài ra có 41 loại cá khác đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Xuôi dòng ở miền Nam Lào và Campuchia, loài cá heo Irrawaddy cũng có ít cơ hội sống sót.
Sông Mê Kông hiện đảm bảo cuộc sống cho 65 triệu người dọc lưu vực - con sông "Amazon của châu Á" với tính đa dạng sinh học lớn thứ hai thế giới - đang bị đe dọa trực tiếp bởi các đập thủy điện.
Tháng 9/2010, Chính phủ Lào đã thông báo với MRC về kế hoạch xây dựng một con đập ở Sayaburi. Động thái này gây "báo động" cho các nhà khoa học môi trường, các tổ chức phi Chính phủ và các cộng đồng dọc sông Mê Kông về tình trạng vội vàng lao vào xây dựng đập thủy điện trước khi hiểu rõ những tác động đến môi trường. Juta Sarkkalen, chuyên gia Phần Lan về sông Mê Kông đang làm việc tại Viêng Chăn, nhận xét: "Sự phát triển thủy điện đã diễn ra quá nhanh. Chúng ta cần ngừng xây dựng các con đập để xem xét, cân nhắc một chiến lược phát triển khác".
Tiến sĩ Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mê Kông của trường Đại học Sydney (Australia), cảnh báo: "Hai con đập Xiaowan và Nuozhadu (Trung Quốc sắp xây ở Vân Nam) sẽ tác động đến cơ chế dòng chảy của toàn bộ hệ thống xuôi dòng xuống châu thổ ở Việt Nam".
Một Ủy ban thuộc Quốc hội Thái Lan đang nghiên cứu tác động của những con đập Mê Kông. Người đứng đầu Ủy ban này là Kraisak Choonhavan nhận xét: "Đập Sayaburi sẽ gây hậu quả hủy hoại đối với các quốc gia như Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam". Một mạng lưới NGO ở miền Bắc Thái Lan đã kêu gọi Chính phủ hủy bỏ cam kết của Công ty điện EGAT nước này mua điện từ Sayaburi.
Người Campuchia vốn phụ thuộc vào nguồn cá nước ngọt chiếm hơn 80% lượng protein hấp thụ, các con đập cản trở cá di trú sẽ là một thảm họa về dinh dưỡng lẫn an ninh lương thực.
MRC và nhiều tổ chức quốc tế đã nhiều lần cảnh báo những hệ lụy nghiêm trọng của việc khai thác quá mức nguồn thủy điện trên sông Mê Kông, mà không tính đến những tác động tới hệ sinh thái của con sông này. MRC cho rằng, cần có một cơ chế đủ hữu hiệu để có thể bảo vệ hệ sinh thái của con sông Amazon châu Á này.
Nguồn: monre.gov.vn
Ý kiến góp ý: