Mưa lũ chia cắt miền trung
04/10/2010Đợt mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay kéo dài 4 ngày (từ 29/9 - 3/10) đã làm các tỉnh miền trung ngập chìm trong nước. Hàng chục nghìn người dân được đưa đi sơ tán, đập thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) bị uy hiếp nghiêm trọng.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương: Trong 2 ngày qua, trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập úng ở nhiều nơi. Mực nước các sông tại đây đã ở trên mức báo động 1. Riêng sông Ngàn Sâu đã ở mức xấp xỉ báo động 3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương dự báo: Trong ngày 4/10, các tỉnh miền Bắc vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, sau ổn định và suy yếu chậm. Các tỉnh Trung Bộ chịu ảnh hưởng của đới gió Đông đến Đông Bắc có cường độ khá mạnh kết hợp với rãnh áp thấp hiện có trục đi qua Nam Trung Bộ nối với vùng áp thấp đang hoạt động trên vùng biển ngoài khơi. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2, cấp 3. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Trung tâm cũng cảnh báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục lên. Dự báo ngày hôm nay, sông Gianh, sông Kiến Giang tại Lệ Thủy, sông Hương ở mức báo động 3. Sông Thạch Hãn, sông Bồ ở mức xấp xỉ báo động 3. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Nghệ An: Lốc vừa qua, lụt đã tới
Ngày 2/10, tại 2 xã Diễn Hồng và Diễn Liên (huyện Diễn Châu) xảy ra lốc quét làm tốc mái 65 căn nhà; trong đó 12 nhà thuộc xã Diễn Hồng và 53 nhà ở Diễn Liên. Quốc lộ 48 đi qua địa bàn xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu có những vị trí ngập 0,5m đến 1m. Tại huyện Nghi Lộc, hầu hết ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch đều ngập chìm trong nước. Tại khu vực biển Cửa Lò, tàu Hoàng Châu của Hải Phòng chở 850 tấn xi măng cùng 8 thủy thủ gặp nạn. Đến sáng 3-10, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã đưa được 8 thủy thủ vào bờ an toàn.
Mặc cho trời mưa, trong sáng 3/10, nông dân Nghệ An vẫn ra đồng thu hoạch những diện tích lúa hè thu và lúa mùa đang ngập chìm trong nước. Hiện chưa có thống kê thiệt hại trên địa bàn tỉnh, nhưng với ngành nông nghiệp thiệt hại là không nhỏ.
Thành phố Huế "chìm" trong nước
Thành phố Huế trong ngày 3/10, các phường nội thành bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập gần 1m, hàng trăm nhà dân phải di chuyển đồ đạc lên cao để tránh lũ. Các tuyến đường chính đều bị ngập sâu. Mưa lũ cũng làm nhiều hoạt động sản xuất ngưng trệ, hàng ngàn khách du lịch bị mắc kẹt tại khách sạn.
Toàn tỉnh dự định di dời khoảng 20 nghìn người dân nằm trong vùng lũ quét, sạt lở đến nơi ở an toàn khi nước lũ đạt mức báo động 3. Đồng thời, vận động các hộ dân phải di dời dự trữ lượng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phấm khác bảo đảm sử dụng cho từng gia đình từ 7 đến 8 ngày trong mưa lũ.
Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các huyện, thành phố và thị xã Hương Thủy chủ động đối phó khi nước lũ dâng cao, đồng thời lên phương án bảo vệ dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, các cơ quan, địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án sẵn sàng ứng phó bão lũ 24/24 giờ. Bộ CHQS tỉnh đã huy động lực lượng và phương tiện trực chiến 100% sẵn sàng cơ động giúp dân khi có lệnh.
Quảng Trị, Quảng Bình: Nhiều nhà dân bị ngập và tốc mái
Tại Quảng Trị, mưa to kèm theo lốc xoáy đã làm 22 nhà dân ở 2 xã Trung Giang và xã Gio Hải, huyện Gio Linh và một nhà mẫu giáo bị tốc mái. Sau khi lốc xoáy đi qua, chính quyền địa phương và LLVT huyện Gio Linh cùng các ngành đoàn thể đã đến hiện trường giúp người dân khắc phục hậu quả.
Trong hai ngày qua, ở huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình đã có mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập lụt cục bộ trên diện rộng. Theo báo cáo ban đầu, đã có hơn 100 nhà dân bị ngập nước, tình trạng ngập lụt còn diễn biến phức tạp. Mưa lũ cũng đã làm nhiều tuyến đường giao thông trong huyện bị ngập, chia cắt và tắc nghẽn. Trong đó, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các xã Thượng Hóa, Hóa Tiến, Trọng Hóa đã bị ngập sâu trong nước, giao thông bị tắc hoàn toàn. Nước lũ đã làm cô lập toàn bộ 3 bản gồm hơn 140 hộ đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa.
Hà Tĩnh: Hai người bị nước lũ cuốn trôi
Ông Đinh Văn Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: Huyện Hương Khê đang huy động lực lượng bộ đội, công an phối hợp với các cấp chính quyền địa phương khẩn trương di dời gần 2.000 hộ dân thuộc 14 xã vùng hạ lưu thủy điện Hố Hô đang thi công. Công tác di dời dân ở các xã vùng hạ lưu thủy điện cần tiến hành nhanh chóng vì mưa ngày càng to và nước lên rất nhanh.
Bộ CHQS Hà Tĩnh đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ và hai xuồng cao tốc phối hợp với huyện Hương Khê giúp nhân dân sơ tán đến nơi an toàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh cũng đã bố trí lực lượng cùng các phương tiện giúp các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang triển khai các phương án phòng chống lũ.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh cho biết: Nước lũ đã cuốn trôi hai người là: Đoàn Trọng Giáp quê ở xã Thạch Vĩnh huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) là chiến sĩ Đại đội 17 công binh đang thi công đường hầm CH-01 tại xã Hòa Hải (Hương Khê) và cô giáo Trần Thị Hoa là giáo viên Trường mầm non xã Hương Thủy (Hương Khê). Đến nay, chưa tìm được thi thể hai người này. Cùng ngày chiến sĩ Trịnh Xuân Thành Đại đội 17 công binh đang thi công đường hầm Ch-01 cũng bị thương nặng phải đi bệnh viện.
Hiện nay, Bộ CHQS Hà Tĩnh, cùng với huyện Hương Khê đang đưa lực lượng bộ đội, dân quân cùng rất nhiều người dân tìm vớt xác các nạn nhân.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, chiều 3/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, một số bộ, ngành yêu cầu triển khai phương án chống lũ theo các cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường đang bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.
Theo QĐND
Ý kiến góp ý: