TextBody
Huy chương 2

Mưa lũ ở miền Tây Nghệ An: Cần hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả

26/09/2011

Đầu mùa mưa bão, Nghệ An đã hứng chịu 3 đợt mưa lũ lớn khiến cơ sở hạ tầng bị hư hỏng & thiệt hại rất nặng nề. Sau lũ, trong các ngày 22/9/2011 đến 23/9/2011, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Đào Xuân Học dẫn đầu vào kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt của hai huyện Con Cuông và Tương Dương

Dẫn đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đi kiểm tra một số xã vùng sâu mà xe ô tô có thể vào được, ông Hoàng Đình Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cay đắng cho biết: Vụ hè thu năm nay, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ được bà con xử lý rất tốt thế mà đợt mưa lũ từ 10/9 đến 20/9 đã làm dân mất trắng toàn bộ.

Trong đó có 374,9 ha lúa mùa đang thời kỳ trổ, 71,9 ha ngô, 106 ha rau màu và 60 ha sắn… Lũ từ sông Lam dâng lên cao khiến nước mưa xối xả trên địa bàn không thoát được ra sông đã khiến thị trấn Con Cuông ngập sâu trong nước khoảng 1,2 mét kéo dài 4 tiếng đồng hồ liền. Các tuyến đường từ xã Bồng Khê đi xã Mậu Đức; từ xã Mậu đức đi xã Thạch Ngàn; từ xã Thạch Ngàn đi các bản Kẻ Tắt, Bá Hạ; từ xã Đôn Phục đi xã Cam Lâm; từ xã Mậu Đức đi xã bình Chuẩn và từ xã Châu Khê đi các bản Khe Bu, Khe Nà đều bị chia cắt do nước ngập sâu từ 1 đến 1,5 mét. Sau khi nước rút, hầu hết các cầu, cống, tràn đều bị xói lở, hư hại rất nghiêm trọng. Cái chúng tôi lo nhất hiện nay là 19 phai đập do dân làm để ngăn nước tưới cho diện tích lúa của từng địa phương đã bị cuốn trôi. Các đập tràn được xây dựng bằng nguồn ngân sách từ chương trình 135 đều bị cuốn trôi hoặc bị xói lở hư hỏng hết hai bên cánh gà, hệ thống kênh tưới của các hồ đập cũng bị hư hỏng rất nặng. Tổng thiệt hại qua 3 đợt mưa lũ khoảng 52 tỷ đồng...

Để vào được đập thuỷ lợi Phai Loòng, đoàn công tác của Bộ đã phải vất vả vượt qua tuyến đường cấp phối từ xã Châu Khê đi xã Cam Lâm (vừa mới tu sửa xong) đã bị mưa lũ gây lở lói một cách thảm hại, gần như toàn bộ phần đất đá trên nền đường trôi tuột xuống khe suối. Ông Vi Thanh Hải, Bí thư Đảng uỷ xã Đôn Phục dẫn đoàn ra kiểm tra tại đập Phai Loòng và cho biết: Trận lũ xẩy ra từ 19/9 đến 20/9 là lớn nhất trong lịch sử từ 40 năm trở lại đây tại địa phương. Hầu như toàn bộ hệ thống kênh, mương bê tông xây dựng từ nguồn vốn 135 của xã đều bị cuốn trôi chỉ trong mấy tiếng đồng hồ.

Chỉ cho Thứ trưởng Đào Xuân Học xem ngôi nhà của ông Lô Văn Giáp, nằm chênh vênh, xiêu vẹo bên dòng nước đục ngầu, ông Hải cho biết thêm: Ngôi nhà của ông Giáp nằm cách bờ suối khoảng 40 mét, phía ngoài là một luỹ tre được trồng cách đây vài chục năm rất tốt và chắc chắn thế mà dòng nước lũ đã tràn qua cánh gà của đập Phai Loòng, dòng thác lũ hung dữ đã thốc thẳng vào luỹ tre, cuốn trôi toàn bộ khiến ngôi nhà bị sạt mất 1/3… May mà cả gia đình ông Giáp đã kịp thoát khỏi cơn lũ dữ… 

Làm việc với huyện Tương Dương, đoàn công tác của Bộ được lãnh đạo huyện dẫn đi kiểm tra các điểm sạt lở nghiêm trọng nhất của huyện. Trong đó là điểm có nguy cơ sạt trượt nguy hiểm nhất có thể đẩy cả bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh xuống dòng sông Nậm Nơn và điểm sạt trượt dưới chân mỏ đá Đ3, tại khu vục Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ (thuộc xã Yên Na).

Tại bản Xốp Mạt, điều đầu tiên đập vào mắt đoàn công tác là chiếc cầu treo đi vào bản Xốp Mạt có một đoạn mặt cầu bị đẩy cong biến dạng thành hình chữ S dài khoảng 4 - 5 mét do mố cầu ở phía Tây bị vết nứt gãy chuyển dịch về phía lòng sông khoảng 0,7 mét. Ông Cụt Xuân Ninh, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết: Đợt mưa lũ từ 19 đến 20/9/2011 đã làm núi Pù Căm bị nứt một đoạn dài khoảng 150 mét từ trên đỉnh núi. Điểm nứt rộng khoảng 0,4 đến 0,5 mét ngay trên độ cao khoảng 500 mét so với mép nước nên rất nguy hiểm. Nếu trời tiếp tục đổ mưa trong thời gian tới thì sẽ có hàng triệu m3 đất đá từ trên cao sẽ đổ ụp xuống bản Xốp Mạt vùi lập toàn bộ 37 nóc nhà dân đang sinh sống ngay phía dưới chân núi là điều chắc chắn…

Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Trong 2 tuần qua, lãnh đạo huyện dường như đều phải vào vùng trong "3 cùng" với dân để chỉ đạo xử lý các sự cố lũ lụt. Vết sạt trượt tại bản Xốp Mạt do đâu đang là một câu hỏi lớn chưa có lời giải. Vấn đề làm chúng tôi lo ngại nhất không chỉ là chuyện sẽ khó khăn trong việc di dời toàn bộ 37 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm này về đâu mà cần phải làm thế nào để các đợt mưa tiếp theo toàn bộ phần sạt trượt từ điểm nứt trên núi Pù Căm không đổ ập xuống dòng Nậm Nơm, tạo nên một đợt "chặn dòng" mới nằm phía dưới công trình thuỷ điện Bản Vẽ.

Đoàn công tác của Bộ cũng đã vào kiểm tra điểm sạt trượt dưới chân mỏ đá Đ3, thuộc công trình thuỷ điện Bản Vẽ. Đây cũng là một điểm sạt trượt hết sức nguy hiểm, uy hiếp trực tiếp 2 tổ máy có công suất 320 MW. Đợt mưa kéo dài từ 19 đến 20/9/2011 đã gây sạt lở hàng vạn m3 đất đá từng loại thải khi tiến hành bóc tầng đất đá bề mặt để khai thác mỏ đá Đ3 khiến khối đất đá này đang có nguy cơ đổ ụp lên nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ. Cách đó mấy ngày, đất đá đổ xuống bịt tuyến đường đi vào đập thuỷ điện, làm hỏng khoảng 300 mét tường rào, đất đá lăn xuống sát tường nhà máy. Thời điểm đoàn công tác của Bộ có mặt, Ban quản lý thuỷ điện Bản Vẽ đang thuê các phương tiện cơ giới khắc phục vận chuyển đống đất đá ra khỏi hiện trường.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các địa phương, đơn vị liên quan, Thứ trưởng Đào Xuân Học chia sẻ những khó khăn mà Nghệ An đã phải hứng chịu trong 3 đợt mưa lũ vừa qua. Thứ trưởng cho rằng: Đợt mưa lũ đợt 3 (từ 19 đến 20/9/2011) gây thiệt hại về người và tài sản tại các huyện miền Tây không lớn, nhưng việc khắc phục hậu quả, nhất là xử lý sạt lở lại có thể mất tới hàng nghìn tỷ đồng, cần phải được các Bộ, Ngành và Chính phủ hỗ trợ bằng quỹ dự phòng. Mùa mưa bão năm nay mới chỉ bắt đầu, thời gian tới còn diễn biến phức tạp, bởi vậy trước mắt, yêu cầu tỉnh Nghệ An và các huyện cần có phương án để di dời các trung tâm xã như Lượng Minh, Yên Tĩnh, Mai Sơn và toàn bộ số dân ra khỏi vùng nguy hiểm về sạt lở để tránh thiệt hại về người và tài sản cho các xã trên. Tập trung lực lượng, phương tiện để khôi phục lại các công trình thuỷ lợi nhỏ tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần ổn định sản xuất và đời sống cho bà con.

Riêng điểm có nguy sạt lở cao tại bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, Tương Dương, Thứ trưởng khẳng định: Do điểm nứt gãy dài và từ trên độ cao 500 mét xuống chân núi Pù Căm là rất nguy hiểm, sẽ không lường hết tác hại nguy hiểm của nó về sau. Bởi vậy, cùng với việc tổ chức di dời toàn bộ 37 hộ dân ra khỏi bản Xốp Mạt, đề nghị UBND tỉnh lập ngay đoàn công tác để khảo sát kỹ và lập báo cáo riêng gửi gấp cho Chính phủ để có hướng xử lý sớm. Tại đây đã có 3 vết nứt kéo dài: Ở mép sông, ở lưng chừng nhà dân và trên đỉnh núi là cực kỳ nguy hiểm. Nếu để vết nứt, sạt trượt này xẩy ra nay mai thì không chỉ vùi lấp toàn bộ 37 nóc nhà mà còn có thể chặn mất 1/2 dòng sông Nậm Nơm. Đề nghị BQL dự án thuỷ điện 2 quan tâm vì điểm sạt trượt này vì chỉ cách nhà máy 5 km.

Tại điểm sạt trượt sát nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ cũng được Thứ trưởng Đào Xuân Học cũng khẳng định là sẽ không kém phần nguy hiểm nếu tiếp tục có mưa lớn trong thời gian tới. Bởi vậy, yêu cầu BQL thuỷ điện 2 phải huy động phương tiện tập trung xử lý hết toàn bộ khối lượng đất đá đã bị sạt trượt không được để hàng vạn m3 đất đá đổ trên ụp lên 2 tổ máy phát điện trong đợt mưa tới

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Ý kiến góp ý: