TextBody
Huy chương 2

Mực nước hồ Hoà Bình: Thấp nhất trong vòng hơn 100 năm qua

22/09/2010

Tháng 9 đang là thời điểm giáp mùa khô, nhưng hồ thuỷ điện Hoà Bình vẫn chưa đạt đến cao trình mực nước thiết kế (117m). Năm nay, sau 23 năm vận hành nhà máy, thuỷ điện Hoà Bình không mở cửa xả lũ.

Lưu lượng nước về hồ thấp, cộng với việc tích nước thuỷ điện Sơn La đã khiến Hoà Bình phải gánh chịu một đợt hạn nặng, nhìn thấy nguy cơ sụt giảm sản lượng điện trong 2010 - 2011.

Hụt 22,5 tỉ m3 nước

6 cửa xả mặt và 12 cửa xả sâu im lìm ngay giữa mùa lũ. Nếu như mọi năm, ở thời điểm này, Thủy điện Hoà Bình chạy liên tục các tổ máy với giá điện gần như cho, vì nước về nhiều, đến cao trình mực nước dâng bình thường là buộc phải xả. Nhưng năm nay thì khác, tình hình khô hạn đã được báo động từ cuối mùa lũ 2009, với lưu lượng nước về hồ Hoà Bình quý IV/2009 thiếu hụt từ 38-56% so với trung bình nhiều năm. Để tích đủ nước chống hạn cho mùa khô đầu năm nay, Thủy điện Hoà Bình đã buộc phải cắt giảm sản lượng để tích nước và duy trì mực nước hồ ở mức 116,02m đến 1.1.2010.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết: chưa năm nào tình hình khô hạn khốc liệt đến vậy, cuối tháng 5 không xuất hiện lũ tiểu mãn, từ đầu năm đến nay chỉ xuất hiện duy nhất một đợt lũ vào khoảng tháng 7, nhưng lưu lượng nước lớn nhất về hồ chỉ đạt 4.500m3/s, trong khi cũng thời điểm này các năm trước, lưu vực sông Đà xuất hiện từ 5-8 trận lũ có đỉnh lũ lớn hơn 5.000m3/s.

Tính đến ngày 20.9, tổng lượng nước về hồ Hoà Bình đạt được khoảng 24,5 tỉ m3, thấp hơn so với trung bình cùng kỳ các năm là 18,3 tỉ m3. Theo tính toán của nhà máy, dựa trên những nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, thì trong quý IV/2010 (từ 21.9 đến 31.12), tổng lượng nước về hồ tối đa cũng chỉ đạt 9,4 tỉ m3; dự báo cả năm, lượng nước thiếu hụt lên tới 22,5 tỉ m3 so với mức trung bình nhiều năm, đồng nghĩa với việc ngành điện mất đi một sản lượng điện lên tới nhiều tỉ kWh.

Nhưng lo ngại nhất là với mực nước hiện tại chỉ trên - dưới 99m, ngành điện đang không biết tính toán ra sao để đảm bảo cân đối sản lượng điện, vì mục tiêu đặt ra cho năm nay Hoà Bình phải đảm bảo phát điện bằng mức năm ngoái (8,5 tỉ kWh điện) đã không thể thực hiện được. Chưa kể, để đảm bảo phát điện tổ máy số 1 thuỷ điện Sơn La, theo tiến độ vào cuối năm nay, hồ Sơn La cũng buộc phải tích nước đạt đến cao trình 190m - tương đương với khoảng 2,8 tỉ m3 nước được giữ lại lòng hồ Sơn La.

Đảm bảo đủ điện cho Hà Nội

Ông Thành cho biết: Trong điều kiện khó khăn về nguồn nước, song trên thực tế, sản lượng của Thủy điện Hoà Bình vẫn chiếm trung bình 10% sản lượng điện cả nước. Đặc biệt phục vụ dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - HN, Thủy điện Hoà Bình nhận nhiệm vụ phải duy trì liên tục 2 tổ máy (công suất 480MW) cấp riêng cho HN. Như vậy, trong mọi tình huống, kể cả bất khả kháng, HN sẽ liên tục được cấp điện ổn định từ nguồn của TĐ Hoà Bình. Thủy điện Hoà Bình cũng dự trù 3 phương án vận hành hồ chứa tại Hoà Bình với mức nước cuối năm tương ứng là 80m, 117m và 107,5m, giữ mực nước tại hồ Sơn La đạt cao độ 190m. Ứng với từng phương án thì sản lượng của TĐ Hoà Bình sẽ đạt tối đa là 7,4 tỉ kWh và tối thiểu là 6,2 tỉ kWh.

Tuy nhiên, theo ông Thành: “Với tầm quan trọng của Thủy điện Hoà Bình trong hệ thống điện quốc gia, chúng tôi đang kiến nghị EVN cho vận hành ở phương án 3 (sản lượng phát cả năm đạt 6,6 tỉ kWh). Ở phương án này, tuy sản lượng điện giảm 1,9 tỉ kWh so với kế hoạch ban đầu, nhưng vẫn duy trì được mực nước không xuống mực nước chết, đồng thời tăng thêm sản lượng điện so với phương án 2”. Vấn đề nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra vào năm 2011, theo ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT EVN dự báo - do sản lượng thuỷ điện thiếu hụt do thiếu nước và từ tháng 1-3 hằng năm, TĐ Hoà Bình còn phải xả nước chống hạn phục vụ tưới tiêu cho Đồng bằng Bắc Bộ cũng “ngốn” từ 2 - 3 tỉ m3 nước. Tổng nguồn cung thuỷ điện hiện chiếm 1/3 công suất nguồn phát sẽ không thể huy động được sản lượng tương ứng khi dư công suất, nhưng lại thiếu thuỷ năng.  

Theo laodong

Ý kiến góp ý: