Nâng cao năng lực với ứng phó thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020
20/07/2020Triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phòng chống thiên tai năm 2020, ngày 13/7/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 tại thành phố Lào Cai.
Hội nghị với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Đồng chủ trì có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh -Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong; cùng với sự tham dự của 300 đại biểu bao gồm đại diện thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các Bộ, ngành; Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; Lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố, cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN 13 tỉnh miền núi phía Bắc và đại diện một số cơ quan liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: qua Hội nghị này các đại biểu cùng thảo luận, phân tích các kết quả cũng như hạn chế của công tác phòng chống thiên tai năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, để đề ra các giải pháp hết sức thiết thực, chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra, trong đó tập trung một số nội dung chính: Công tác đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu; Tập trung khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, trước mắt tập trung công tác khắc phục thiệt hại do dông lốc, mưa đá từ đầu năm 2020. Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 42/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi, kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng chống thiên tai ngày 15/5 vừa qua và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã báo cáo công tác phòng chống thiên tai năm 2019, đầu năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm tại khu vực miền núi phía Bắc.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020-2025, phong trào được triển khai trên phạm vi cả nước dành cho các tập thể, cá nhân tham gia công tác phòng chống thiên tai hoặc có lĩnh vực hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai; chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm kinh tế xã hội; giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai đã được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; sự vào cuộc tich cực của các Bộ, ngành và địa phương, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả với tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn theo hướng chuyên trách (Lào Cai); công tác dự báo, cảnh báo được cải thiện (bổ sung nhiều trạm đo mưa tự động, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tới cấp huyện); công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông được tăng cường,...Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên, trong thời gian tới, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung triển khai các nhiệm vụ như sau:
Đối với Tổng cục Phòng chống thiên tai:
Tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các lãnh đạo các tỉnh, cơ quan trung ương, cơ quan chuyên ngành tổng hợp đầy đủ cụ thể hoá các công việc ở vùng miền núi phía Bắc, gửi đến các đồng chí lãnh đạo 13 tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT; Tổng hợp các vấn đề diễn ra trong những năm gần đây cùng với các đề xuất tại hội nghị hôm nay, rà soát hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng Đề án mới để đề xuất kiến nghị với Bộ, Chính phủ; Tổng hợp các vấn đề của địa phương mấy năm, kết hợp kiến nghị với Bộ, Chính phủ, hoàn thiện thể chế, cơ chế, đề án, dự án mới, tổng thể thích ứng, khắc phục,… Về cơ chế tái định cư, rừng, các đề án lớn hình thành thiết chế hạ tầng, từ dự báo, cảnh báo, thích ứng.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc
Đề nghị 4 tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban bí thư về quán triệt đến các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống thiên tai; Trong kế hoạch hành động phải bám sát địa bàn, cụ thể hóa các nhiệm vụ cho ban chỉ huy, văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp theo phương châm 4 tại chỗ, biệt nêu cao tinh thần cảnh giác từ cơ sở; đồng bộ các nhóm giải pháp; Sử dụng hiệu quả Quỹ PCTT, kiện toàn, xây dựng Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh theo hướng chuyên trách. Củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt là công cụ hỗ trợ ra quyết định, theo dõi giám sát, cơ sở dữ liệu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh công tác truyền thông rất quan trọng trong phòng chống thiên tai, Bộ trưởng yêu cầu phải bám sát thực tiễn, thường xuyên thông tin chủ động, kịp thời là giải pháp hiệu quả góp phần chủ động ứng phó, thích ứng, khắc phục thiên tai. Trong đó, tăng cường công tác này ở cả 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; Giao Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, chủ động cung cấp thông tin.
Theo www.mard.gov.vn
Ý kiến góp ý: