NCS. Nguyễn Hữu Năm bảo vệ thành công luận án TSKT cấp Viện
30/09/2021Ngày 30/9, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Hữu Năm với tên đề tài luận án "Nghiên cứu cải tạo đất Bazan bằng hỗn hợp puzolan - xi măng - vôi làm tường nghiêng chống thấm đập đất vùng Tây Nguyên”, mã số 9 58 02 11.
Tham dự buổi họp có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện; GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; Các NCS đang học tập và nghiên cứu tại Viện; các cán bộ khoa học trong và ngoài Viện; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của NCS. Nguyễn Hữu Năm.
Phát biểu tại buổi họp, PGS.TS. Phạm Hồng Cường cho biết NCS. Nguyễn Hữu Năm là NCS được cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công nhận là NCS năm 2014. Qua thời gian học tập và nghiên cứu, NCS. Nguyễn Hữu Năm đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sỹ theo quy chế đào tạo hiện hành.
Thừa lệnh Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và thay mặt Đơn vị quản lý nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sỹ, PGS.TS. Phạm Hồng Cường công bố quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện cho Luận án Tiến sỹ của NCS. Nguyễn Hữu Năm của Giám đốc Viện.
Báo cáo luận án trước Hội đồng, NCS. Nguyễn Hữu Năm cho biết Vật liệu đất đắp bazan có nguồn gốc từ đá bazan thuộc nhóm không thuận lợi khi sử dụng làm vật liệu đắp đập, do có tính chất đặc biệt như khối lượng khô thấp, độ ẩm tối ưu cao, độ ẩm tự nhiên vào mùa khô thấp nên khi thi công cần tưới thêm nhiều nước; hàm lượng bụi sét cao khó đầm chặt, các tính chất này dẫn tới khó kiểm soát chất lượng trong quá trình thi công; đất có tính tan rã và lún ướt nên khi hồ chứa vận hành có nguy cơ tiềm ẩn nhiều sự cố. Trên thực tế các đập đất đắp bằng đất bazan chiếm một tỷ lệ lớn khoảng 56%, các đập này đã được thi công từ nhiều năm về trước, công nghệ và kỹ thuật thi công chưa phát triển nên phần lớn các đập này đang có hiện tượng hoặc đã bị thấm và mất nước.
Để đảm bảo kinh tế, tận dụng được vật liệu địa phương, việc nghiên cứu cải tạo đất tại chỗ bằng các loại chất kết dính để cải tạo vật liệu đất đắp đập cũng như làm vật liệu chống thấm tường nghiêng sân phủ là rất cần thiết. Việc nghiên cứu ứng dụng thành công giải pháp sử dụng puzolan làm chất kết dính trong cải tạo đất sẽ đem lại hiệu quả kinh tế trong xây dựng nói chung và trong nâng cấp sửa chữa, xây dựng đập đất vừa và nhỏ nói riêng.
Do vậy, NCS. Nguyễn Hữu Năm cho rằng giải pháp sử dụng vật liệu puzolan tự nhiên để cải tạo đất tại chỗ làm tường nghiêng chống thấm đập đất vùng Tây Nguyên là giải pháp có tính khả quan để khắc phục tình trạng nêu trên và từ đó NCS lựa chọn đề tài của luận án “Nghiên cứu cải tạo đất bazan bằng hỗn hợp puzolan – xi măng – vôi làm tường nghiêng chống thấm cho đập đất vùng Tây Nguyên”.
Mục tiêu nghiên cứu của luận án nhằm Đề xuất được cấp phối phù hợp giữa puzolan tự nhiên, xi măng và vôi để cải tạo đất bazan làm tường nghiêng chống thấm đập đất vùng Tây Nguyên; Hỗn hợp đất cải tạo có hệ số thấm K<10-5 cm/s, ổn định trong nước, không trương nở (co ngót) và tan rã.
Từ mục tiêu trên, NCS đã lựa chọn đối tượng, phạm vi nghiên cứu; sử dụng các phương pháp nghiên cứu như nghiên cứu tài liệu, phương pháp kế thừa, nghiên cứu thực nghiệm, phương pháp mô hình toán.
NCS đã triển khai 04 nội dung nghiên cứu bao gồm tổng quan về các giải pháp chống thấm đập đất và cải tạo đất bằng chất kết dính; Cơ sở khoa học và khả năng sử dụng Puzlolan tự nhiên để cải tạo đất; Phân tích cơ chế cải tạo đất bằng Puzlolan tự nhiên, xi măng và vôi thông qua mô hình nhiệt động lực học; Nghiên cứu cải tạo đất bazan Tây nguyên bằng Puzolan tự nhiên, xi măng và vôi - Áp dụng thử trên mô hình công trình cụ thể.
Qua quá trình thực hiện các nội dung nghiên cứu, NCS đã lựa chọn được 01 cấp phối hợp lý là 10% puzolan tự nhiên, 5% xi măng và 4% vôi (P10C5L4); Đánh giá được đặc tính cơ học của cấp phối hợp lý P10C5L4 ở các ngày tuổi khác nhau cho thấy cấp phối hợp lý đảm bảo khả năng chịu lực và chống tan rã, trương nở khi gặp nước. Kết quả thí nghiệm trong phòng và kết quả tính toán bằng mô hình toán là tương đồng.
Xác định được hệ số thay đổi của hỗn hợp chất gia cố hợp lý P10C5L4 trong khoảng 5 x cm/s đến 1 x cm/s, đáp ứng được yêu cầu làm kết cấu chống thấm cho đập đất vừa và nhỏ ở Tây Nguyên. Áp dụng kết cấu tường nghiêng sử dụng hỗn hợp đất cải tạo để chống thấm cho đập đất đang bị thấm, kết quả tính toán cho thấy đường bão hòa nằm trong vùng an toàn thấm, chứng tỏ hiệu quả chống thấm của hỗn hợp đất cải tạo.
Với kết cấu tường nghiêng sử dụng hỗn hợp này đã sử dụng tối đa lợi thế về vật liệu sẵn có của địa phương, giải pháp thi công không phức tạp, tiến độ thi công nhanh, chất lượng đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật.
Tiếp theo đó, các đại biểu có mặt tại buổi họp đánh giá đã được nghe các ý kiến nhận xét của các thành viên trong Hội đồng; các bản đánh giá nhận xét của các cơ quan, tổ chức khoa học cũng như nghe NCS. Nguyễn Hữu Năm trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng đưa ra.
Thay mặt Hội đồng Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện đọc Nghị quyết của Hội đồng. Theo Nghị quyết, Đề tài Luận án của NCS có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao; Cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của luận án có cơ sở lý luận, tính khoa học và được dẫn chứng trong thực tế. Hội đồng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, áp dụng các kết quả nghiên cứu của luận án vào việc tính toán, thiết kế thi công chống thấm cho các công trình hồ đập vùng Tây Nguyên và các vùng khác có điều kiện tương tự.
Luận án có 02 đóng góp mới đó là (1) Bằng việc sử dụng mô hình nhiệt động lực học luận án đã làm rõ được cơ chế phản ứng của hỗn hợp chất kết dính và vai trò cụ thể của từng thành phần khoáng C-A-S-H trong việc cải tạo tính chất cơ học cho một loại đất bazan cụ thể vùng Tây Nguyên; (2) Đề xuất được cấp phối của hỗn hợp đất bazan gia cố puzolan tự nhiên-xi măng và vôi (10% puzolan tự nhiên, 5% xi măng PC40, 4% vôi) để tạo thành vật liệu làm kết cấu tường nghiêng chống thấm cho đập đất vùng Tây Nguyên.
Kết quả nghiên cứu của luận án đã góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý thuyết và làm rõ được tính khả thi về việc cải tạo đất tại chỗ để chống thấm phục vụ cho công tác xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa đập đất bằng cách sử dụng các loại vật liệu sẵn có ở Tây Nguyên là puzolan tự nhiên-xi măng và vôi.
Luận án đã sử dụng mô hình nhiệt động lực học kết hợp với phương pháp thí nghiệm trong phòng, sau đó kết quả được kiểm nghiệm bằng mô hình thí nghiệm tại hiện trường; phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng phù hợp với nội dung nghiên cứu của luận án, kết quả nghiên cứu có độ tin cậy.
Quang cảnh buổi họp
Cũng theo Nghị quyết, NCS. Nguyễn Hữu Năm cần chỉnh sửa một số điểm trước khi nộp cho Thư viện Quốc gia như phần tổng quan, mục đích, phạm vi, phương pháp nghiên cứu chỉnh sửa lại phù hợp với kết quả nghiên cứu và đóng góp mới của luận án; cần xác định rõ đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án; kết luận và kiến nghị cần bổ sung các phân tích, đánh giá các kết quả nghiên cứu của luận án; lỗi chính tả, chế bản, in ấn…
Nghị quyết nêu rõ Luận án của NCS Nguyễn Hữu Năm đã thực hiện được khối lượng nghiên cứu lớn; nội dung phong phú; phương pháp nghiên cứu thí nghiệm phù hợp, đảm bảo độ tin cậy; kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Hội đồng đánh giá luận án của NCS đáp ứng yêu cầu của luận án TSKT chuyên ngành địa kỹ thuật xây dựng, mã số 9 58 02 11.
Kết quả bỏ phiếu kín đánh giá luận án của thành viên Hội đồng với 7/7 phiếu tán thành trong đó có 01 phiếu đánh giá Luận án đạt xuất sắc.
Hội đồng đề nghị Cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng TSKT cho NCS. Nguyễn Hữu Năm sau khi đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng.
Hội đồng đã biểu quyết 100% nhất trí thông qua Nghị quyết.
Phát biểu tại buổi họp Hội đồng, thay mặt lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn các thành viên Hội đồng đã tham gia giúp Viện đánh giá luận án TSKT của NCS. Nguyễn Hữu Năm.
GS.TS. Nguyễn Tùng Phong đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực, dành nhiều tâm huyết, trí tuệ của NCS. Nguyễn Hữu Năm trong việc hoàn thành bản luận án - công trình nghiên cứu khoa học của mình; khẳng định đây là bước ngoặt lớn và là sự khởi đầu mới trong chặng đường sự nghiệp nghiên cứu khoa học của NCS. Nguyễn Hữu Năm. Đồng thời gửi lời chúc mừng 02 thầy giáo hướng dẫn đã “hoàn thành một chuyến đò” giúp NCS. Nguyễn Hữu Năm bảo vệ thành công luận án.
Bên cạnh đó, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong đã gửi lời chúc mừng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo đã có thêm 01 nhà khoa học đạt trình độ Tiến sỹ; gửi lời chúc mừng đến gia đình, dòng tộc của NCS. Nguyễn Hữu Năm.
GS.TS. Nguyễn Tùng Phong mong muốn NCS. Nguyễn Hữu Năm sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển khoa học công nghệ của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng như Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo và đề nghị lãnh đạo Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo tạo điều kiện để NCS. Nguyễn Hữu Năm tiếp tục đóng góp các kết quả nghiên cứu của luận án vào nhiệm vụ chung của Viện nói riêng và Viện Khoa học Thủy lợi nói chung.
Nhân dịp này, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong đã gửi lời cảm ơn đến Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đóng góp nhiều nhà khoa học không chỉ cho Viện mà còn cho Bộ, ngành. Các nhà khoa học được đào tạo tại Viện đã có nhiều đóng góp rất thiết thực, hiệu quả; nhiều nhà khoa học đã trở thành PGS, GS đầu ngành về các lĩnh vực thủy lợi. GS.TS. Nguyễn Tùng Phong mong muốn các thầy, các nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ, phối hợp trong sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo của Viện nói chung cũng như Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo nói riêng.
Ý kiến góp ý: