NCS Nguyễn Quốc Đạt bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Hội đồng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
16/12/2013Ngày 07/12/2013, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS Nguyễn Quốc Đạt về đề tài "Nghiên cứu giải pháp ổn định thấm nền đê cho một số đoạn trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Nam". Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Mã số 62 58 02 02
Trong các loại hình công trình thủy lợi ở tỉnh Hà Nam, đê và công trình trên đê luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Trong lịch sử đã xảy ra nhiều sự cố vỡ đê, đe dọa an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng đê bảo vệ. Cấu tạo địa chất nền đê ở Hà Nam khá phức tạp, tồn tại tầng cát có hệ số thấm lớn thông với sông, tầng phủ thấm nước yếu phía trên tương đối mỏng. Tại các ao nuôi trồng thủy sản dọc theo tuyến đê Hữu Hồng, đê Sông Đáy tầng phủ gần như không còn. Vì thế khi mực nước sông dâng cao làm xuất hiện mạch sủi, xói ngầm ở nhiều đoạn đê, ảnh hưởng đến sự ổn định của đê. Xói ngầm đặc biệt hay xảy ra tại các cống dưới đê xây dựng tại vị trí lòng sông cũ, do khi thi công cống đã đào bỏ tầng phủ thấm nước yếu phía trên. Đã có nhiều giải pháp ổn định nền đê đã được sử dụng như lấp ao, làm giếng giảm áp. Tuy nhiên, tại một số vị trí khu vực ao, hồ không cho phép lấp bỏ hoặc khu vực có tầng phủ mỏng hiện nay nay đang là trọng điểm phòng chống bão lụt của tỉnh.
Đề tài “Nghiên cứu giải pháp ổn định thấm nền đê cho một số đoạn trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Nam” được tác giả đưa ra nhằm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để ổn định thấm nền đê phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Hà Nam. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết cho công tác quản lý đê điều của tỉnh Hà Nam nói riêng, cả nước nói chung.
Mục đích nghiên cứu của luận án: Nghiên cứu giải pháp ngăn chặn mạch đùn, mạch sủi cho các đoạn đê trọng điểm và xử lý khẩn cấp sự cố xói ngầm về mùa lũ nhằm bảo đảm an toàn đê điều và phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Một số đóng góp mới của Luận văn: (1) Đã điều tra thu thập tài liệu, khảo sát bổ sung để lập bản đồ cấu trúc địa chất nền đê tỉnh Hà Nam dựa trên phương pháp luận về an toàn ổn định thấm. Bản đồ này có thể sử dụng cho công tác phòng chống bão lụt, quản lý bảo vệ đê điều của tỉnh Hà nam. Qua phân tích cấu trúc địa chất nền đê, tính toán so sánh áp lực thấm, luận án kết luận: có thể mô phỏng đơn giản hóa mặt cắt địa chất đê tỉnh Hà Nam và sử dụng công thức giải tích để tính toán kiểm tra ổn định thấm trong bước lập dự án đầu tư. (2) Đề xuất giải pháp ổn định thấm nền đê bằng giếng cọc vây, gồm các cọc xi măng đất chồng lấn tạo thành tường liên tục. Giải pháp mới phù hợp với các đoạn đê có nhiều ao hồ nằm sát chân đê, không phải duy tu (thau rửa định kỳ) như làm giếng giảm áp, không phải lấp ao làm ảnh hưởng đến sản xuất (nuôi trồng thủy sản) của nhân dân. (3) Bước đầu có những nghiên cứu ứng dụng công nghệ khoan phụt hóa chất kết hợp với xi măng để xử lý khẩn cấp các sự cố thấm nền đê. (4) Kết quả nghiên cứu của Luận án phục vụ thiết thực và hiệu quả cho công tác phòng chống bão lụt, quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Luận án được Hội đồng đánh giá cao Luận án của NCS Nguyễn Quốc Đạt. Luận án có nội dung, bố cục hợp lý, có tính cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Luận án có tính cấp thiết trong lĩnh vực nghiên cứu giải pháp ổn định thấm nền đê để có thể xử lý sự cố xói ngầm cho một số đoạn đê xung yếu trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Luận án đi từ nghiên cứu lý thuyết, kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm trong phòng và thực nghiệm hiện trường, sau đó so sánh kết quả nhận đươc bằng tính toán lý thuyết và quan trắc - thí nghiệm tại hiện trường. Phương pháp nghiên cứu mà nghiên cứu sinh sử dụng có tính kế thừa, có lựa chọn, có phát triển và có tính toán kiểm nghiệm thực tế, như vậy là hợp lý và có độ tin cậy.
Luận án của NCS đã góp phần xây dựng phương pháp luận nghiên cứu ổn định thấm với việc sử dụng mô hình giải tích và phương pháp phần tử hữu hạn; đã bước đầu nghiên cứu về công nghệ mới khoan phụt hóa chất để áp dụng cho việc xử lý khẩn cấp mất ổn định thấm. Kết quả của luận án có khả năng ứng dụng trong công tác quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó, Hội đồng yêu cầu NCS chỉnh sửa các lỗi chế bản trong luận án, cần sửa lại mã số của luận án cho đúng với mã số chuyên ngành; chỉnh sửa một số ký hiệu; NCS cần nêu rõ hơn về phạm vi ứng dụng của giải pháp đã đề xuất trong luận án; bổ sung các nhận xét đánh giá ở trong nước và thế giới vào phần tổng quan.
Luận án đã đáp ứng được các tiêu chuẩn của một luận án tiến sỹ kỹ thuật. Hội đồng nhất trí đề nghị cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng Tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Nguyễn Quốc Đạt.
Ý kiến góp ý: