TextBody
Huy chương 2

NCS. Phạm Văn Ban bảo vệ thành công luận án TSKT cấp Viện

07/06/2022

Sáng ngày 6/6/2022, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Họp hội đồng đánh giá luận án TSKT cấp Viện cho NCS. Phạm Văn Ban với đề tài “Nghiên cứu chế độ tưới hợp lý cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên”. Chuyên ngành: Kỹ thuật Tài nguyên nước. Mã số 9 58 02 12

Tham dự buổi họp đánh giá có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo - Chủ tịch Hội đồng; GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính. Ngoài ra, còn có GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Các NCS đang học tập và nghiên cứu tại Viện; Cán bộ khoa học trong và ngoài Viện; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của NCS.

Tại buổi họp, thay mặt Đơn vị quản lý nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sỹ, PGS.TS. Phạm Hồng Cường công bố quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện cho Luận án Tiến sỹ của NCS. Phạm Văn Ban của Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

PGS.TS. Lê Xuân Quang - Thư ký Khoa học đọc lý lịch khoa học của NCS. Phạm Văn Ban

Tại buổi đánh giá luận án, NCS. Phạm Văn Ban cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, trong những năm gần đây nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên bị hạn hán nghiêm trọng và đã ảnh hưởng đến năng suất hồ tiêu. Từ 26,1 ta/hạ năm 2015 xuống 24,4 tạ/ha năm 2016 và 23,8 tạ/hạ năm 2017. Việc tưới, tiêu nước không phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây hồ tiêu làm cho cây có sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm bệnh, năng suất thấp. Đặc biệt trong giai đoạn phân hóa mầm hoa và ra hoa, cây hồ tiêu cần hãm nước, giai đoạn bung hoa cây cần độ ẩm cao để cây dễ thụ phấn. Độ ẩm đất và không khí phù hợp sẽ giúp cây phân hóa mầm hoa hoàn toàn, ra hoa đều, đúng thời vụ, là tiền đề giúp cây đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt.

Theo NCS. Phạm Văn Ban, hiện nay chế độ tưới, kỹ thuật tưới của hầu hết các cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả đã được nghiên cứu đầy đủ và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để người trồng thực hiện, tuy nhiên cây hồ tiêu - là cây chủ lực có giá trị kinh tế cao góp phần xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh Tây Nguyên lại chưa được nghiên cứu đầy đủ về nhu cầu nước, chế độ tưới hợp lý, kỹ thuật tưới. Việc tưới nước cho hồ tiêu chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm địa phương, áp dụng các kết quả nghiên cứu khảo nghiệm trong quy mô nhỏ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cây hồ tiêu phát triển không bền vững.

Do vậy, NCS. Phạm Văn Ban đã lựa chọn đề tài Đề tài luận án “Nghiên cứu chế độ tưới hợp lý cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên” thực hiện và khẳng định Đề tài thực hiện là cần thiết, có giá trị khoa học và thực tiễn góp phần phát triển bền vững cây hồ tiêu và sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Mục tiêu nghiên cứu luận án được NCS đưa ra đó là xác định được chế độ tưới hợp lý cho cây hồ tiêu giai đoạn kinh doanh vùng Tây Nguyên; Đề xuất hệ số cây trồng Kc phục vụ tính toán thiết kế, quy hoạch thủy lợi cấp nước tưới cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên.

Qua quá trình triển khai nghiên cứu Luận án đã có một số đóng góp mới đó là đã định lượng được các chỉ tiêu cơ bản phục vụ xác định chế độ tưới hợp lý cho cây hồ tiêu giai đoạn kinh doanh. Độ ẩm đất thích hợp cho cây hồ tiêu giai đoạn kinh doanh vùng Tây Nguyên ở giai đoạn phân hóa mầm hoa (\bg_white \small \beta _{tn}=(65-75)%\beta _{dr}) và giai đoạn ra hoa, tạo quả, thu hoạch (\bg_white \small \beta _{tn}=(80-100)%\beta _{dr}) ; Đề xuất được hệ số cây trồng Kc của cây hồ tiêu trong giai đoạn kinh doanh vùng Tây Nguyên theo 3 thời đoạn sinh trưởng: Giai đoạn phân hóa mầm hoa (Kc = 0,8-1,02), giai đoạn ra hoa tạo quả đến quả trưởng thành (Kc = 1,11-1,12), giai đoạn quả chín và thu hoạch (Kc = 0,83-0,93).

Sau khi nghe nhận xét và nghe các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng; các ý kiến của các  các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các cơ quan, tổ chức ngoài Viện, Hội đồng đã họp và bỏ phiếu kín. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa đọc Nghị quyết Hội đồng về đánh giá luận án Tiến sỹ của NCS. Phạm Văn Ban.

Theo Nghị quyết, Đề tài luận án có tính cấp thiết, giá trị khoa học và thực tiễn cao. Luận án đã đưa ra được một số luận cứ, xác định được nhu cầu nước, chế độ tưới hợp lý theo sinh lý nước của cây hồ tiêu giai đoạn kinh doanh và điều kiện thời tiết cho vùng Tây Nguyên. Các kết quả của luận án đã góp phần hoàn thiện hơn các nghiên cứu về cây hồ tiêu, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác chưa được giải quyết đối với quá trình sinh trưởng của cây hồ tiêu. Chế độ tưới hợp lý cho cây hồ tiêu ở vùng nghiên cứu và khu vực Tây Nguyên, sẽ hỗ trợ tốt hơn cho quá trình sinh trưởng và phát triển, tạo tiền đề cho năng suất cao và ổn định trong vụ sản xuất và những vụ tiếp theo. Đồng thời, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên nước của vùng nghiên cứu và khu vực Tây Nguyên. các cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch có thể tham khảo, sử dụng kết quả nghiên cứu của luận án trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch cây hồ tiêu. Luận án đã có 02 đóng góp mới đó là Xác định độ ẩm đất thích hợp cho cây hồ tiêu giai đoạn kinh doanh vùng Tây Nguyên và đề xuất hệ số cây trồng Kc cho cây hồ tiêu trong giai đoạn kinh doanh vùng Tây Nguyên theo 3 thời đoạn sinh trưởng.

Luận án sử dụng kết hợp giữa phương pháp truyền thống và hiện đại trong quá trình thực hiện các nội dung nghiên cứu; các kết luận khoa học và những đóng góp mới được dựa trên nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu thực nghiệm tại hiện trường. Các kết quả nghiên cứu của luận án có cơ sở khoa học và có độ tin cậy.

Tại Nghị quyết cũng nêu rõ, NCS. Phạm Văn Ban cần làm rõ hơn về phạm vi nghiên cứu, giới hạn điều kiện áp dụng nghiên cứu cụ thể cho phù hợp với các kết quả nghiên cứu của luận án; chỉnh sửa phần kết luận, kiến nghị; cập nhật số liệu về diện tích trồng cây hồ tiêu gần nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bổ sung thêm phần trình bày về mô hình và nội dung thí nghiệm tại hiện trường; Chuẩn hóa các thuật ngữ, thống nhất các ký hiệu trong toàn luận án, chỉnh sửa lỗi chính tả, trích dẫn tài liệu tham khảo; Xem xét tiếp thu, hoàn thiện về nội dung, hình thức luận án theo như những ý kiến nhận xét, những góp ý của thành viên Hội đồng, các nhà khoa học.

Kết quả bỏ phiếu kín đánh giá luận án của thành viên Hội đồng với 7/7 phiếu tán thành trong đó có 03 phiếu đánh giá Luận án đạt xuất sắc. Hội đồng đề nghị Cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng TSKT cho NCS. Phạm Văn Ban sau khi đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng.

Hội đồng đã biểu quyết 100% nhất trí thông qua Nghị quyết.

Thay mặt cơ sở đào tạo, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong -  Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Phụ trách đào tạo Tiến sĩ của Viện đã gửi lời cảm ơn các thầy trong Hội đồng đã giúp Viện tiến hành đánh giá luận án của NCS. Phạm Văn Ban và gửi lời chúc mừng NCS. Phạm Văn Ban đã bảo vệ thành công luận án TSKT cấp Viện.

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong cũng gửi lời chúc mừng 02 thầy giáo hướng dẫn đã hỗ trợ, đồng hành và đã đưa thêm 01 chuyến đò đến bến; gửi lời chúc mừng đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của NCS. Phạm Văn Ban.

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong hy vọng NCS. Phạm Văn Ban sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trên con đường nghiên cứu khoa học của mình; đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Viện; vừa làm công tác quản lý khoa học, vừa trực tiếp tham gia nghiên cứu, tham gia đào tạo cho sự nghiệp phát triển của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trong giai đoạn tới.

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong mong muốn các thầy trong Hội đồng, các thầy, các nhà khoa học đã và đang hỗ trợ công tác đào tạo của Viện sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Viện trong việc triển khai các hoạt động, cải cách mới trong công tác đào tạo của Viện giai đoạn tới.

Ý kiến góp ý: