NCS. Tô Vĩnh Cường bảo vệ thành công luận án tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện
13/02/2023PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phát biểu tại buổi họp
Sáng ngày 13/2/2023, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Họp hội đồng đánh giá luận án TSKT cấp Viện cho NCS. Tô Vĩnh Cường với đề tài “Nghiên cứu tác động của bố trí không gian hệ thống mỏ hàn đến đoạn sông vùng ảnh hưởng triều”. Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Mã số: 09-58-02-02.
Tham dự buổi họp về phía cơ sở đào tạo của Viện có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo - Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện; Lãnh đạo Ban Tổ chức Hành chính; Cán bộ khoa học trong và ngoài Viện; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của NCS. Ngoài ra, còn có Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Luận án của NCS. Tô Vĩnh Cường dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng và GS.TS. Vũ Thanh Te.
GS.TS.Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi đánh giá luận án. Hội đồng thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Tô Vĩnh Cường trong suốt quá trình thực hiện đề tài luận án.
Báo cáo tóm lược kết quả nghiên cứu trước Hội đồng, NCS. Tô Vĩnh Cường cho biết, hệ thống mỏ hàn (MH) được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong công trình chỉnh trị sông vùng không ảnh hưởng triều. Tuy nhiên, trên sông ảnh hưởng triều việc ứng dụng hệ thống mỏ hàn vẫn còn khá khiêm tốn, nguyên nhân chủ yếu do thiếu cơ sở lý luận, thiếu các tiêu chuẩn , hướng dẫn kỹ thuật công trình chỉnh trị dạng mỏ hàn, dẫn đến khi quy hoạch hay thiết kế công trình mỏ hàn ở sông vùng ảnh hưởng triều gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy NCS đã lựa chọn đề tài luận án “Nghiên cứu tác động của bố trí không gian hệ thống mỏ hàn đến đoạn sông vùng ảnh hưởng triều” với mục tiêu Làm rõ được cấu trúc dòng chảy và biến động lòng dẫn khi bố trí mỏ hàn chỉnh trị trong điều kiện có sự tương tác của dòng chảy thuận nghịch ở đoạn sông vùng ảnh hưởng triều; Đề xuất được bố trí không gian hệ thống mỏ hàn chỉnh trị phù hợp cho đoạn sông vùng ảnh hưởng triều, nhằm hạn chế bồi lấp và gia tăng hiệu quả xói sâu lòng dẫn, phục vụ giao thông thủy.
Từ mục tiêu trên, NCS. Tô Vĩnh Cường đã triển khai 04 nội dung chính đó là tổng quan tình hình nghiên cứu về công trình mỏ hàn; Cơ sở khoa học và phương pháp nghiên cứu; Kết quả nghiên cứu về đặc tính thủy lực và hiệu quả của hệ thống mỏ hàn trong chỉnh trị đoạn sông vùng ảnh hưởng triều; Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào công trình thực tế.
Qua quá trình triển khai nghiên cứu các nội dung trên, Luận án đã có một số đóng góp mới đó là: Mô tả chi tiết đuợc cấu trúc dòng chảy (đường mặt nước, vận tốc dòng chảy, ứng suất tiếp đáy và cường độ rối) và cơ chế tuơng tác giữa dòng chảy với công trình mỏ hàn đơn trong đoạn sông vùng ảnh hưởng triều có dòng chảy thuận nghịch; Đề xuất đuợc giải pháp bố trí không gian hệ thống mỏ hàn lõm LOM với các mỏ hàn có chiều dài không bằng nhau đã tạo ra tác dụng xói sâu lòng dẫn, duy trì giao thông thủy.
Sau khi nghe nhận xét và các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng; các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, Hội đồng đã họp và bỏ phiếu kín. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa đọc Nghị quyết của Hội đồng đánh giá luận án Tiến sỹ cấp Viện của NCS. Tô Vĩnh Cường.
Theo Nghị quyết Luận án có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn và có 02 đóng góp mới. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể dùng tham khảo trong công tác quy hoạch, chỉnh trị, thiết kế hệ thống mỏ hàn phục vụ công tác chỉnh trị.
Luận án đã chọn phương pháp nghiên cứu sử dụng mô hình toán FLOW-3D làm công cụ nghiên cứu cấu trúc dòng chảy, biến đổi lòng dẫn xung quanh công trình mỏ hàn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu bằng mô hình toán FLOW-3D, luận án đã mô tả chi tiết hơn các đặc trưng thủy lực dòng chảy do tác động của hệ thống công trình mỏ hàn từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất bố trí không gian hệ thống mỏ hàn phù hợp với mục tiêu chống sa bồi và ổn định lòng dẫn trên đoạn sông thẳng vùng ảnh hưởng triều có chế độ nhật triều đều và đã đưa ra một số kiến nghị trong việc đề xuất bố trí không gian đối với các hệ thống mỏ hàn.
Luận án đã áp dụng cách bố trí hệ thống mỏ hàn đề xuất từ kết quả nghiên cứu trên đoạn sông Cấm - Hải Phòng với mục đích cải thiện độ sâu lòng dẫn, duy trì giao thông hàng hải. Kết quả cho thấy giải pháp bố trí hệ thống mỏ hàn LOM từ kết quả nghiên cứu của luận án đã làm gia tăng khả năng xói sâu lòng dẫn đoạn sông Cấm hơn so với hệ thống mỏ hàn hiện trạng.
NCS đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, có độ tin cậy, phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu của luận án cũng như điều kiện thực hiện luận án; tài liệu, số liệu thu thập, sử dụng trong luận án được trích dẫn từ nguồn chính thức và đủ độ tin cậy; các trích dẫn trung thực rõ ràng, các kết quả thể hiện rõ các nội dung nghiên cứu của NCS. Kết luận của luận án phù hợp với nội dung và kết quả nghiên cứu, có cơ sở khoa học.
NCS. Tô Vĩnh Cường cần chỉnh sửa lỗi chính tả, in ấn, chế bản, bổ sung thông tin vào các bảng biểu; trích dẫn tài liệu tham khảo cần theo đúng quy định đảm bảo tính khách quan, trung thực; rà soát các thuật ngữ chuyên ngành sử dụng trong luận án đảm bảo tính thống nhất; bổ sung, làm rõ quá trình hiệu chỉnh, kiểm định mô hình FLOW-3D; luận giải về việc xây dựng kịch bản nghiên cứu của luận án; chỉnh sửa phần kết luận, kiến nghị; tiếp thu, hoàn thiện luận án theo những ý kiến nhận xét, đánh giá của Hội đồng.
Với kết quả 7/7 thành viên Hội đồng thông qua luận án Tiến sỹ kỹ thuật. Hội đồng đề nghị cơ sở đào tạo công nhận trình độ Tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã số 09-58-02-02 và cấp bằng Tiến sỹ kỹ thuật cho NCS. Tô Vĩnh Cường sau khi đã chỉnh sửa luận án theo yêu cầu của Hội đồng.
Thay mặt Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng Cơ sở đào tạo và TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện tặng hoa chúc mừng NCS. Tô Vĩnh Cường đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ kỹ thuật
TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện tặng hoa chúc mừng NCS. Tô Vĩnh Cường
Ý kiến góp ý: