TextBody
Huy chương 2

NCS. Vũ Ngọc Bình bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp Viện

05/07/2018

Sáng ngày 05/7/2018, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Vũ Ngọc Bình với đề tài Nghiên cứu ảnh hưởng đặc tính xây dựng của đất loại sét yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến chất lượng gia cố nền bằng xi măng kết hợp với phụ gia trong xây dựng công trình”. Chuyên ngành: Địa kỹ thuật Xây dựng. Mã số: 62 58 02 11.

Tham dự lễ bảo vệ có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Trưởng Cơ sở Đào tạo của Viện; GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện phụ trách công tác phát triển đội ngũ GS,PGS; PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách công tác đào tạo tiến sĩ; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học; các NCS thuộc chuyên ngành địa kỹ thuật và bạn bè, người thân của NCS. Ngoài ra còn có Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện cơ quan quản lý đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 

PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phát biểu tại lễ bảo vệ

Tại buổi bảo vệ của mình, NCS cho biết toàn bộ diện tích bề mặt đồng bằng sông Cửu Long được bao phủ bởi các trầm tích trẻ có tuổi Holocen, có chiều dày lớn (trên dưới 20m), có thành phần và nguồn gốc khác nhau, đa phần là đất yếu; vấn đề xây dựng các công trình trên nền đất yếu ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp rất nhiều khó khăn do cấu trúc địa chất phức tạp, phân bố nhiều loại đất yếu nằm ngay trên mặt, có bề dày lớn; các vật liệu để thay thế khi xây dựng là rất khó khăn do vậy khi xây dựng công trình cần có biện pháp xử lý nền đất yếu.

Một trong những phương pháp đã được ứng dụng là cải tạo đất bằng xi măng và phương pháp này đã được áp dụng tại một số dự án trong khu vực , đã mang lại hiệu quả về kinh tế, giảm giá thành so với các phương pháp khác, sử dụng được vật liệu tại chỗ, thay thế cọc bê tông cốt thép,….

Tuy nhiên, tại các dự án mới chỉ có những kết quả thí nghiệm mang tính sản xuất, chưa nghiên cứu đầy đủ và hệ thống về các yếu tố ảnh hưởng đặc tính xây dựng của đất nền đến chất lượng nền sau gia cố đặc biệt là các đặc điểm về các thành phần: hạt, khoáng vật, hóa học, hữu cơ, pH môi trường, muối, phèn trong đất, khả năng hấp phụ và trao đổi của các cation,…, NCS cho biết.

Do vậy, hiệu quả của phương pháp xử lý nền là chưa cao. Trong khi đó, theo Atlat địa lý Việt Nam, tại đồng bằng sông Cửu Long, nhóm đất phèn và đất mặn chiếm tới trên 60% diện tích, đồng thời trong đất thường có lẫn hữu cơ.

Chính vì vậy, NCS khẳng định Luận án: “Nghiên cứu ảnh hưởng đặc tính xây dựng của đất loại sét yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến chất lượng gia cố nền bằng xi măng kết hợp với phụ gia trong xây dựng công trình” mang tính cấp thiết, có tính thực tiễn và thời sự cao.

Mục đích của Luận án nhằm sáng tỏ sự ảnh hưởng của đặc tính xây dựng, đặc biệt là đặc điểm về thành phần của đất đến chất lượng gia cố bằng xi măng; Nghiên cứu, đề xuất được biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của phương pháp gia cố xi măng kết hợp với phụ gia để cải tạo đất loại sét yếu là đất than bùn hóa và đất nhiễm muối ở mức mặn đến rất mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

NCS đã triển khai một số nội dung nghiên cứu như tổng quan về gia cố nền đất yếu bằng xi măng và xi măng với phụ gia, ảnh hưởng của đặc tính xây dựng đến chất lượng đất gia cố; nghiên cứu đặc điểm và thành phần của đất loại sét yếu phổ biến phân bố tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu khả năng cải tạo đất loại sét yếu bằng xi măng, phân tích làm sáng tỏ ảnh hưởng của các đặc điểm thành phần của đất đến chất lượng đất cải tạo; Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả của phương pháp gia cố đất bằng xi măng kết hợp phụ gia.

Theo NCS. Vũ Ngọc Bình, qua nghiên cứu luận án đã có một số đóng góp mới như đánh giá phân tích có hệ thống làm sáng tỏ được sự ảnh hưởng đặc tính xây dựng của đất đến chất lượng đất gia cố và phân loại được đất loại sét yếu vùng ĐBSCL thành 3 nhóm đất theo mức độ thuận lợi dùng cho cải tạo đất bằng xi măng là thuận lợi, ít thuận lợi và không thuận lợi; Đề xuất được giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải tạo đất loại sét yếu là bùn sét nhiễm mặn ở mức mặn đến rất mặn và đất than bùn hóa bằng xi măng kết hợp với các phụ gia nhằm tăng cường độ.

Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện phát biểu và đọc Nghị quyết tại lễ bảo vệ

Thay mặt Hội đồng chấm luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Vũ Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện đã đọc Nghị quyết của Hội đồng. Theo đó, các kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ sung vào phương pháp luận nghiên cứu cải tạo loại đất sét yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng xi măng và phụ gia và các kết quả này có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các đơn vị tư vấn, khảo sát thiết kế, thi công các công trình trong thực tế. Các kết quả nghiên cứu của NCS phân tích có hệ thống, logic, minh chứng, luận giải rõ nên những luận điểm, đóng góp mới của luận án có độ tin cậy.

Bên cạnh đó, Nghị quyết còn chỉ ra những thiếu sót trong Luận án của NCS đó là chưa nghiên cứu được các mẫu thí nghiệm cắt nén trên máy ba trục; thí nghiệm cấu trúc phân tích thạch học của mỗi lớp gia cố trên kính hiển vi điện tử, phân tích nhiễm xạ; các so sánh kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của luận án với kết quả thí nghiệm tại hiện trường; xem xét lại lỗi chính tả, thuật ngữ chuyên môn trong luận án.

Chủ tịch Hội đồng đề nghị NCS. Vũ Ngọc Bình chỉnh sửa luận án theo các ý kiến của các thành viên Hội đồng và các nhà khoa học.

Với kết quả bỏ phiếu kính với 7/7 tán thành, Hội đồng chấm luận án thống nhất đánh giá NCS. Vũ Ngọc Bình đáp ứng đầy đủ yêu cầu và trình độ của một tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành địa kỹ thuật xây dựng. Hội đồng đề nghị Viện công nhận và cấp bằng tiến sỹ cấp Viện.

Hội đồng nhất trí 100% thông qua nghị quyết.

Thay mặt cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách đào tạo tiến sỹ  tặng hoa chúc mừng cho NCS. Vũ Ngọc Bình

 

NCS. Vũ Ngọc Bình tặng hoa cảm ơn Chủ tịch Hội đồng và các thành viên trong Hội đồng

Ý kiến góp ý: