Ngân sách - sự tôn trọng khoa học công nghệ
01/09/2011Tiềm năng con người được tổ chức thành lực lượng lao động trình độ cao, phát huy tiềm lực khoa học kỹ thuật, công nghệ và chiếm lĩnh thị phần công lao động quốc tế... là những yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, có chất lượng
Phát triển kinh tế xã hội bền vững dựa vào đâu?
Với Việt Nam, năm 2020 đang đến gần. Đây cũng là đích đến cho những nỗ lực công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 7 đến 8% năm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khi điểm xuất phát thấp, thì việc đưa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, đất đai, lực lượng lao động phổ thông… chỉ là những yếu tố ban đầu, khơi dòng cho sự phát triển. Nhưng để bước đi vững chắc, lâu dài thì không thể dựa vào tư duy phát triển kinh tế khai thác tiềm năng sẵn có, lương nhân công thấp, chạy theo nền kinh tế dự án…
Yếu tố con người với ý thức tổ chức kỷ luật, sáng tạo, cần cù và phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) phục vụ cuộc sống chính là điểm cơ bản dẫn dắt các nước nghèo tài nguyên, đông dân, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh bứt phá thành các nước có nền kinh tế phát triển. Ở đó, người dân có mức sống cao, được thụ hưởng các thành tựu khoa học kỹ thuật của nhân loại. Hàn Quốc là một quốc gia vượt lên sau chiến tranh. Yếu tố con người và KHCN được đặt đúng vị trí trong chiến lược phát triển. Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 60, Hàn Quốc đã quan tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ yêu cầu phát triển đất nước. Đầu tư cho đội ngũ khoa học, cơ sở khoa học ban đầu là rất lớn so với khả năng kinh tế nhất là sau chiến tranh và không tránh khỏi sự phản đối và ý kiến trái chiều của dư luận xã hội. Sự ra đời của Viện KIST, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các chính sách mạnh bạo đã thu hút và sử dụng nhân tài khắp thế giới.
Khoa học công nghệ trở thành chính sách cốt lõi trong phát triển kinh tế tri thức. Mỗi phát minh, sáng chế đều mang lại giá trị kinh tế, xã hội. Hàm lượng tri thức trong một sản phẩm tiêu dùng xã hội bảo đảm cho sự phát triển bền vững của kinh tế. Từ hàng mỹ phẩm, điện tử, ô tô, vật liệu mới, công nghệ sinh học, gen… là những bước tiến của khoa học công nghệ vào cuộc sống và mang lại những lợi nhuận khổng lồ. Bán mà không mất, mua chỉ được quyền sử dụng… Trong khi để có được sản phẩm tiêu dùng, các nước nghèo như chúng ta phải bán đứt khoáng sản, sức lao động giản đơn, đất đai và thậm chỉ là quyền tự chủ, sáng tạo…
Tại sao lại là vấn đề ngân sách?
Ngân sách từ các nguồn thuế của người dân, của doanh nghiệp đóng góp và các nguồn khác như khai thác khoáng sản, vay nợ… Vì vậy, ngân sách nhà nước được phân cho các ngành, các địa phương, các lĩnh vực theo tỷ lệ và do Quốc hội quyết định. Ngân sách dành cho KHCN của nước ta đã được nâng lên nhưng chưa tương xứng với tầm vóc và yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá. Các quốc gia phát triển giành ưu thế ngân sách dành cho KHCN. Ở Hàn Quốc, tổng đầu tư cho KHCN là khoảng 46,5 tỷ USD, trong đó nhà nước đầu tư 13,2 tỷ USD (chiếm 28,3%). Phần kinh phí còn lại thuộc về các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp. Các công ty như Sansung, LG, Huyndai, Posco… cũng dành nhiều tiền cho đầu tư phát triển KHCN áp dụng cho từng sản phẩm.
Còn ở Việt Nam, theo Bộ trưởng, Bộ KHCN Nguyễn Quân thì : “Tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước tính trên GDP của Việt Nam là 0,5%, không thấp so với thế giới. Nhưng mức đầu tư của xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước cho KHCN còn rất thấp, khoảng 0,3-0,4% GDP. Như vậy, tổng đầu tư của Việt Nam cho KHCN hằng năm vẫn dưới 1% GDP. Trong khi đó, mức đầu tư của Trung Quốc năm 2010 là 2,2% GDP, của Hàn Quốc là 4,5% GDP. Nếu tới năm 2020, tổng mức đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam không đạt 2% GDP, thì rất khó để chúng ta thành công trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Áp dụng KHCN cao sẽ mở rộng được quy mô sản xuất, rút ngắn thời gian và sử dụng ít lao động nhưng hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và xây dựng đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, tính kỷ luật cao. Điều này tạo ra lao động dôi dư nhưng là cơ hội tạo ra việc làm mới. Như vậy ngân sách đầu tư cho KHCN ở cấp độ nào cũng hướng tới hiệu quả kinh tế- xã hội bền vững. Không thể quan niệm đầu tư cho KHCN là đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu rồi nghiệm thu xếp vào hồ sơ tài liệu lưu trữ. Rất nhiều nước đã đầu tư ngân sách cho công viên KHCN. Việc giới thiệu thành tựu KHCN thế giới cho mọi tầng lớp nhân dân và cho thế hệ trẻ là chính sách phổ biến, tuyên truyền vai trò KHCN trong cuộc sống khôn ngoan, hiệu quả. Chính cách làm này khơi gợi, tiếp nối niềm đam mê KHCN cho các thế hệ. Rõ ràng không phải vì mục tiêu kinh tế, lợi nhuận trước mắt mà chính là nhận thức vai trò KHCN trong cuộc sống và phát triển kinh tế- xã hội bền vững đối với các tầng lớp xã hội.
Ngân sách đầu tư cho KHCN phải là ngân sách cho đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ KHCN của đất nước. Cụ thể hơn chính là hàm lượng tri thức trong mỗi sản phẩm hàng hoá, cho xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao, cho việc áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật của nhân loại vào sản xuất và đời sống. Việc đầu tư nghiên cứu cơ bản về KHCN chỉ là một phần của chiếc bánh ngân sách. Và vì vậy, nếu chỉ theo tỷ lệ phân chia của chiếc bánh ngân sách cho KHCN thì chưa đúng với vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong từng giai đoạn và yêu cầu phát triển của đất nước ngân sách có thể gia tăng. Nhất là trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế của nước ta hiện nay. Đặc biệt là phải có chính sách rõ ràng, ưu tiên cho đầu tư vào KHCN để huy động nguồn lực của toàn xã hội.
Muốn thay đổi phải bắt đầu từ nhận thức đúng về vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế xã hội, từ tư duy ngân sách đầu tư cho KHCN. Không chỉ tăng về lượng mà đòi hỏi về chất, cả về bề rộng lẫn chiều sâu cho phát triển bền vững.
Để đồng tiền phục vụ cuộc sống
Nhận thức về vị trí vài trò của KHCN đúng đắn sẽ tác động đến việc đầu tư ngân sách, đến bỏ đồng vốn cho KHCN. Chính đầu tư cho KHCN là đầu tư cho phát triển kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, là đầu tư của xã hội. Ngân sách đầu tư cho KHCN không chỉ để chi tiêu cho hoạt động quản lý của bộ máy hành chính mà phần chính là cho ra đời các thành tựu, kết quả, các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Như vây việc quản lý ngân sách, sử dụng ngân sách cho KHCN phải thay đổi, hướng tới đội ngũ trực tiếp làm KHCN, tới sản phẩm, kết quả nghiện cứu ứng dụng phục vụ đời sống, sản xuất và các yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội cụ thể đặt ra.
Theo Bộ trưởng, Bộ KHCN Nguyễn Quân : “Chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế tài chính mang nặng tính hành chính khi đầu tư vào khoa học công nghệ. Những quy định hiện hành về sử dụng Ngân sách Nhà nước khi áp dụng vào chi cho khoa học công nghệ bị trở thành cứng nhắc, không gắn với hiệu quả nghiên cứu, và không thể hiện một tầm nhìn xa của một khoản đầu tư mang tính đi trước vì những giá trị kinh tế xã hội lâu dài. Vẫn cứ phải lập kế hoạch ứng dụng công nghệ từ trước một năm rưỡi để được phê duyệt nửa năm trước khi đi vào thực hiện. Trong khi mỗi năm một doanh nghiệp có thể thay đổi, nâng cấp sản phẩm công nghệ đến vài ba lần. Bởi vậy khi kế hoạch đi vào thực hiện thì đã có nhiều vấn đề trở nên không còn thiết thực hoặc lạc hậu”.
Khi người làm KHCN, người chủ đề tài của nhà nước hay doanh nghiệp được cung cấp nguồn lực từ ngân sách và tự quyết định dùng đồng tiền đó để làm ra sản phẩm theo yêu cầu. Khi đó đồng tiền mới thực sự phục vụ cho nghiên cứu KHCN, phục vụ cuộc sống. Có cần thiết không hội đồng thẩm định, nghiệm thu đề tài cấp này, cấp khác trong khi ý nghĩa thực tiễn của đề tài vẫn là vấn đề bỏ ngỏ ? Một đề tài hay chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn, giá trị kinh tế xã hội ắt được xã hội tôn trọng, tiếp nhận và sẵn sàng mua lại để đưa vào cuộc sống. Thành tựu đó có đời sống thực tiễn sinh động, hiển hiện không nằm trong ngăn kéo, tủ sách kê cao. Và như vậy đồng tiền cho nghiên cứu KHCN không hề uổng phí. Uy tín của các tổ chức nghiên cứu KHCN, của các chuyên gia, nhà khoa học là ở đây. Ở đời sống của kết quả nghiên cứu áp dụng. Nếu dòng tiền chảy vào KHCN đều mang lại lợi ích thiết thực như vậy thì quả thực đầu tư cho KHCN cũng chính là đầu tư cho con người, cho phát triển về chất. Có thể thấy bộ phận cốt lõi của doanh nghiệp làm ra sản phẩm mới, ưu thế vượt trội, chiếm lĩnh thị trường chính là bộ phận nghiên cứu đổi mới công nghệ. Cách tổ chức có thể trực tiếp, có thể đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học, các viên nghiên cứu, trường đại học hay các trung tâm chuyên ngành. Đối với các quốc gia phát triển cũng vậy, chính sách thu hút nhân tài, ưu đãi, sử dụng nhân tài, ưu tiên các điều kiện về cơ sở vật chất ngân sách cho KHCN luôn được đạt lên hàng đầu.
Có coi trọng, nâng niu, tạo điều kiện và đòi hỏi thực tế thì mới nhận được “quả ngọt” từ KHCN, mới tạo ra đội ngũ lao động mới, có trình độ, có kỷ luật, có đam mê và tự hào dân tộc. Nếu chỉ dựa vào những ưu đãi của thiên nhiên thì tài nguyên cạn kiệt, dựa vào lưc lượng lao động phổ thông, trình độ thấp thì chỉ gia công, làm thuê… không tránh khỏi con đường của nền kinh tế thấp kém, lệ thuộc, của cái bẫy thu nhập trung bình.
Theo daibieunhandan
Ý kiến góp ý: