Ngành Thủy lợi: Rối nhất quy hoạch, an toàn hồ đập
30/12/2010Chiều ngày 28/12/2010, Tổng Cục Thủy lợi đã tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015. Không nhẹ nhõm và thuận lợi như các ngành khác, hàng loạt gánh nặng đang được đặt lên vai ngành thủy lợi trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là vấn đề quy hoạch hệ thống thủy lợi, an toàn hồ đập
Kết thúc năm 2010, có thể nói ngành thủy lợi ngổn ngang những lo âu khi mà nhiều vấn đề bất cập chưa được giải quyết. Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi Đào Xuân Học cũng phải thẳng thắn công nhận: “Công trình thủy lợi nhìn đâu cũng xuống cấp, 05 thành phố lớn đều ngập lụt, vi phạm đê điều xảy ra khắp nơi, rồi lũ lụt, xâm nhập mặn… Hình như ngành thủy lợi nhìn vào đâu cũng đang có vấn đề. Khó khăn do khách quan, do biến đổi khí hậu hay gì gì cũng có, nhưng nói khía cạnh nào đi nữa cũng phải thừa nhận ngành thủy lợi chưa hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thủy lợi, năm 2010 Ngành đã tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ các địa phương 5 đợt với trên 600 tỷ đồng cho công tác chống hạn. Ngoài ra, đã chỉ đạo và xử lý, sửa chữa nâng cấp 28 hồ đập đang có nguy cơ mất an toàn; chi tổng vốn đầu tư 5.735 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi… Đối với Chương trình an toàn hồ chứa đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, đến năm 2010 đã cơ bản tu sửa đối với các hồ có dung tích trên 10 triệu m3. Tuy nhiên, nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung vẫn tỏ ra rất lo ngại về nguy cơ mất an toàn hồ đập và nêu vấn đề cấp thiết phải lập tức quy hoạch lại hệ thống hồ đập, đê điều trong thời gian sớm nhất.
Ông nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị lo ngại đánh giá, thực tế tần suất lũ hiện nay đã thay đổi hoàn toàn, do đó hệ thống các hồ chứa và đê điều được xây dựng theo các tiêu chí kỹ thuật và tuần suất trước đây đều không còn thích nghi được với sự thay đổi của lũ và hoàn toàn bị tê liệt khi có mưa lớn bất thường.
Chung sự lo lắng này, ông Nguyễn Đức Thu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận nêu thực tế: Ninh Thuận trước đây hạn nhất cả nước, nhưng bây giờ lại thành vùng lũ rồi. Theo Ông Thu, Bộ Nông nghiệp và PTNT mà cụ thể là Tổng Cục Thủy lợi cũng phải có quy hoạch dân cư vùng có nguy cơ lũ một cách dài hơi, có thể phải có nhà thoát lũ, nhà quản lý, trạm thủy văn, thông tin… để dân có thể sống chung và chủ động với lũ.
Ông nguyễn Văn Cảnh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Bến tre có nói: “Mặn hiện đã xâm nhập vào toàn tỉnh Bến Tre với độ mặn từ 5-300/00 khiến các diện tích cây ăn quả bắt đầu giảm năng suất. Trong khi đó, riêng chương trình nâng cấp cải tạo đê bao ngăn mặn cho khu vực Bắc bến Tre giai đoạn một phải cần tới trên 1000 tỷ đồng nhưng hiện mới được phân bổ và có kinh phí hơn 200 tỷ”.
Vấn đề về quy hoạch thủy lợi và an toàn hồ đập, Tổng Cục Thủy lợi cũng đánh giá: cả nước đang có hàng nghìn hồ đập nhỏ có nguy cơ mất an toàn, hầu hết không có đập tràn sự cố. Trong khi đó, quy hoạch thủy lợi hiện tại với tần suất đảm bảo P=10%, tần suất chống hạn đảm bảo là P=75-85% thì khi xảy ra mưa lớn và hạn vượt tần số, chúng ta chưa có giải pháp giảm thiểu. Trước mắt, cần phải xây dựng ngay quy hoạch giảm nhẹ thiên tai để đối phó.
Cũng về vấn đề quy hoạch đối với hệ thống đê biển, theo Tổng Cục Thủy lợi thì năm 2010, Chương trình củng cố và nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang nguồn kinh phí Trung ương đã đầu tư cho các địa phương là 840 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã huy động nguồn vốn từ trái phiếu để đầu tư gấp cho các công trình đê biển, đê sông cấp bách. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Giao Thông Vận Tải cũng đã thống nhất lên phương án kết hợp hơn 800km đê biển trong chương trình này làm đường giao thông.
Theo NNVN
Ý kiến góp ý: