Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6
22/06/2012Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới cũng là một nhà báo xuất sắc, người sáng lập ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam
Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh niên - cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo Cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính. Báo Thanh niên, với 88 số, mở ra lớp đào tạo 300 cán bộ đều do Bác Hồ khởi thảo, chủ trì, giảng dạy là sự mở đầu một cuộc Cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.
Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp Cách mạng bằng việc viết báo Cách mạng kiểu mới, Mác xít Lê Nin Nít. Người sáng lập nền báo chí Cách mạng kiểu mới ở nước ta. Báo Thanh niên lúc đó đã mở một đột phá về thế giới quan, tư tưởng chính trị, quan niệm về báo chí, đối tượng, phong cách. Nói khái quát là mở đầu cuộc Cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Người Việt Nam được tiếp cận với khoa học, sử dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Lần đầu tiên ở nước ta, tư tưởng giải phóng dân tộc gắn liền với tư tưởng giải phóng xã hội. Quần chúng lao động là chủ thể quan trọng nhất của Cách mạng kết hợp với giới tinh hoa của dân tộc, được truyền bá rộng rãi. Đây cũng là lần đầu tiên lợi ích đất nước, lợi ích quần chúng trở thành nội dung, đề tài trung tâm của báo chí. Quần chúng có báo của mình. Viết cho quần chúng lao động, báo Cách mạng phải đi sát cuộc sống quần chúng, xuất phát từ thực tiễn, hướng dẫn hành động của quần chúng, cải thiện, cải tạo cuộc sống của mình và của đất nước.
Bác Hồ sáng lập và bằng chính những tờ báo, bài báo do Bác chủ trì và viết, sáng lập phong cách văn chương báo chí của quần chúng: giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc. Người viết nhiều thể loại văn học và báo chí: tin ngắn, dài, tin bình, chính luận, trào phúng, ký, tuyên ngôn, hiệu triệu, thơ tự sự, trữ tình. Văn chương của Người thể hiện phong cách Đông Tây, cổ kim Việt hóa, phảng phất phong cách của Chiếu dời đô, Hịch Tướng sĩ, Quân trung từ mệnh, Chiếu lên ngôi và Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút. Từ ngữ giản dị mà hàm ý sâu sắc. Những áng hùng văn của Bác như: Lời kêu gọi của Nguyễn ái Quốc, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt là bản Di chúc, thật trong sáng và giản dị!
Bác Hồ đặt nền móng cho nền báo chí nước ta. Người viết báo suốt cả đời Cách mạng từ năm 1919 đến năm 1969. Bài báo cuối cùng của Bác là: Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Phong cách văn chương của Bác được người đời phát hiện rất sớm. Năm 1924, một nhà văn hóa nổi tiếng của Liên Xô đã nhận xét: Nguyễn Ái Quốc là một nhà văn hóa lớn của tương lai. Phong cách viết báo của Người thường đi thẳng vào đề, làm rõ tư tưởng trung tâm sự kiện bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, ngôn ngữ thông tin đại chúng.
Bản sắc văn chương báo chí Cách mạng Việt Nam thể hiện nổi bật ở Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà báo kiệt xuất.
Ý kiến góp ý: