Nghị định 115 - Chiếc bánh ngon nhưng khó xài
14/08/2013Đó là một trong những ý kiến kiến nghị của các nhà khoa học chủ chốt của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trong buổi đến thăm và làm việc của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội - TSKH Phan Xuân Dũng cùng các Phó Chủ nhiệm và đoàn công tác diễn ra ngày 13 tháng 8 năm 2013 tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Tại buổi làm việc, thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện khẳng định hoàn toàn ủng hộ cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115, tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc cả về cơ chế chính sách cho hoạt động bộ máy, nghiên cứu khoa học và tài chính. Nghị định 115 là giành quyền tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp khoa học công nghệ công lập về tổ chức bộ máy, tài sản, chủ động trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng sản phẩm khoa học vào sản xuất... Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề liên quan lại phụ thuộc vào Luật ngân sách, Luật tài chính… nên không thể thực hiện được. Chính vì vậy, Nghị định ra đời từ năm 2005 nhưng đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống, các nhà khoa học chưa thực sự được cởi trói để có thể phát huy sức sáng tạo, trí tuệ vào sự nghiệp phát triển khoa học nói chung và khoa học công nghệ thủy lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Luật Khoa học và Công nghệ ra đời đã tháo gỡ phần nào nhưng chưa cụ thể.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng có rất nhiều ý kiến như: Hoạt động của Viện luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế sản xuất, tuy nhiên, chuyển giao công nghệ là vấn đề sống còn của Viện nhưng cơ chế chuyển giao rất khó vì chưa có định mức, quy trình, quy phạm cụ thể. Việc hoàn thiện công nghệ cũng là một trong những băn khoăn, trăn trở của Viện đang gặp rất nhiều vướng mắc. Ngoài ra, Viện cũng kiến nghị về các vấn đề khác như: Sớm ban hành hướng dẫn cơ chế đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ; Thực hiện cơ chế tự chủ trong hoạt động KHCN; Tạo hành lang cho chuyển giao ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; Cấp kinh phí nhiều hơn cho đào tạo thạc sỹ, đặc biệt là tiến sỹ; Ban hành cơ chế khen thưởng đủ sức động viên, tạo động lực cho những nhà khoa học nghiên cứu ra những sản phẩn khoa học có giá trị, làm lợi cho đất nước; Cơ chế tài chính đối với khoa học cần phải đổi mới mạnh mẽ, mang tính đột phá hơn nữa để tránh mất thời gian giải quyết những công việc mà giới khoa học không mong muốn (hợp lý hoá chứng từ, hoá đơn, v,v...); Tổ chức lại hệ thống các Viện nghiên cứu; Có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật mới vào sản xuất. Quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư để tiếp tục cải tiến công nghệ ngày càng hoàn thiện hơn...
Phát biểu tại buổi thăm và làm việc, TSKH Phan Xuân Dũng cho rằng: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là một Viện rất lớn. Lĩnh vực hoạt động của Viện không chỉ bó hẹp trong phạm vi tưới tiêu mà thực tế đã phục vụ đa mục tiêu, hoạt động rất rộng nên có những thành tựu rất quan trọng. Các nhà khoa học có rất nhiều suy nghĩ và trăn trở về hoạt động khoa học công nghệ - hướng phát triển bền vững của đất nước. Đoàn công tác sẽ tập hợp các ý kiến thành các báo cáo chung liên quan đến khoa học công nghệ để chuẩn bị báo cáo của Ủy ban trình Quốc hội. TSKH Phan Xuân Dũng cũng chia sẻ: Những ý kiến của các nhà khoa học Viện đã gây xúc động mạnh mẽ đối đoàn công tác vì những kiến nghị khoa học công nghệ mang tính tầm vóc như việc ngăn sông Hồng, chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ, những chương trình dự báo, chiến lược mang tính chất liên ngành… Viện rất xứng đáng là một đơn vị được Đảng, Nhà nước ghi nhận với rất nhiều giải thưởng mà cao nhất là giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý, là đơn vị anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cùng đoàn công tác cũng đã tới thăm một số mô hình thí nghiệm của Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển thuộc Viện.
Tỉnh Thanh
Ý kiến góp ý: