TextBody
Huy chương 2

Nghiệm thu cơ sở dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước mã số DAĐL - 2010T/05

02/08/2012

Ngày 31/7/2012, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu cấp cơ sở Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước "Hoàn thiện công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị vớt rác tự động để vớt chất thải trước cửa lấy nước của trạm bơm công suất lớn do ThS. Nguyễn Văn Thạnh - Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi làm chủ nhiệm.

Thiết bị vớt rác tự động do Viện Bơm và Thiết Bị Thủy lợi - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nghiên cứu, đề xuất có nguyên lý, kết cấu mới lần đầu tiên được thiết kế, chế tạo trong nước. Đây là công nghệ vớt rác tiên tiến  và duy nhất hiện nay được áp dụng trong các trạm bơm của ngành thủy lợi nước ta, có khả năng triển khai trong nước phù hợp với trình độ quản lý khai thác, vận hành các trạm bơm lớn và nhu cầu thị trường ở nước ta. Thiết bị đã được áp dụng thành công ở một số trạm bơm lớn như trạm bơm Thống Nhất - Thái Bình, trạm bơm Văn Thai A- Bắc Ninh, trạm bơm Văn Thai - Hải Dương, trạm bơm Nhân Hòa - Nam Định, trạm bơm Triều Dương B - Hưng Yên.... Việc áp dụng thiết bị vớt rác tự động cho các trạm bơm trên bước đầu đã khắc phục được các tác hại do bèo, rác thải gây ra, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động của các trạm bơm. Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu sản xuất cần phải được nghiên cứu hoàn thiện về công nghệ thiết kế, chế tạo để nâng cao tính hợp lý về kết cấu, kiểu dáng, chất lượng, hiệu quả và tuổi thọ thiết bị.  Chính vị vậy nhóm thực hiện dự án đã đề xuất nghiên cứu hoàn thiện công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị vớt rác tự động để vớt chất thải trước cửa lấy nước của trạm bơm công suất lớn.

Với mục tiêu xây dựng được dây chuyền công nghệ với quy mô sản xuất hợp lý trên cơ sở nhu cầu thị trường và đảm bảo tính ổn định chất lượng sản phẩm tương đương trong khu vực, có khả năng thay thế hàng nhập ngoại, sau 02 năm thực hiện, dự án đã đạt được các kết quả như: đã hoàn thiện công nghệ thiết kế (sơ đồ nguyên lý làm việc, sơ đồ kết cấu các cơ cấu và hệ thống thiết bị, công nghệ tính toán kết cấu, chi tiết máy, công nghệ tính toán ổn định cho hệ thống thiết bị); Hoàn thiện công nghệ chế tạo, thi công, lắp đặt thiết bị thử nghiệm tại các trạm bơm dự kiến với kết cấu đơn giản, bền vững, ổn định, vớt được chất thải triệt để, thiết bị làm việc tự động, dễ lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc di chuyển, giá thành rẻ chất lượng tương đương với nhập ngoại; Dự thảo quy trình hướng dẫn thiết kế, chế tạo và quản lý vận hành khai thác thiết bị. Đặc biệt đã lắp 08 bộ thiết bị vớt rác tự động có khả năng hạ áp dụng cho trạm bơm Vân Đình - Ứng Hòa - Hà Nội và 05 bộ thiết bị vớt rác cho trạm bơm Vạn An - Bắc Ninh. Thông qua dự án đã đào tạo được 10 kỹ sư thiết kế và 06 công nhân kỹ thuật. Dự án có 01 bài báo được đăng tải trên Tạp chí Khoa học của Viện.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng đã thay mặt Hội đồng đánh giá cao các kết quả của Dự án. Dự án có ý nghĩa khoa học, có ý nghĩa thực tiễn, số lượng, khối lượng, chủng loại sản phẩm phù hợp với yêu cầu của nội dung dự án; chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất lớn hơn phù hợp với kích thước cụ thể của công trình; báo cáo tổng hợp đầy đủ rõ ràng, có tính xác thực cao, đảm bảo tính logic giữa các phần của dự án. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được chủ nhiệm cần xem lại mục tiêu của dự án, xem xét lựa chọn kết cấu xi lanh, phần thí nghiệm hiện trường cần bổ sung chi tiết và phân tích các số liệu rành mạch; chỉnh sửa bản vẽ, hình ảnh chụp tại hiện trường; đánh giá thêm định lượng về năng suất vớt rác.

Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa báo cáo theo các ý kiến góp ý của Hội đồng trước khi nghiệm thu chính thức.

Ý kiến góp ý: