Nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ môi trường cấp Bộ
09/08/2017Ngày 7/8/2017, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ môi trường cấp Bộ “Xây dựng thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ xử lý nước thải phi tập trung (DEWATS) để xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ do ThS. Vũ Hải Nam - Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế chủ nhiệm.
Mục tiêu của nhiệm vụ là hoàn thiện công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi lợn và đề xuất được giải pháp quản lý nước thải chăn nuôi phù hợp với quy mô vừa và nhỏ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam và đặc biệt là vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Theo Chủ nhiệm cho biết sau 24 tháng triển khai nghiên cứu, thực hiện tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ và áp dụng mô hình thí điểm tại 05 địa điểm thuộc Nam Định và Hải Dương, nhiệm vụ đã đạt được một số kết quả như báo cáo tổng quan phân tích, đánh giá hiện trạng; báo cáo phân tích quy mô chăn nuôi trong các trang trại vừa và nhỏ; báo cáo phân tích đánh giá hiện trạng và các công nghệ xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi lợn; báo cáo phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi lợn; 05 báo cáo phân tích kết quả khảo sát tại các địa điểm xây dựng mô hình cho trang trại quy mô vừa và nhỏ; 05 bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công; xây dựng 05 mô hình ứng dụng công nghệ xử lý nước thải DEWATS tại Nam Định và Hải Dương; 05 báo cáo giám sát thi công xây dựng công trình xử lý nước thải tại 05 mô hình; 05 báo cáo kết quả theo dõi hoạt động của 5 mô hình; hồ sơ thiết kế mẫu hệ thống xử lý nướ, chất thải cho chăn nuôi lợn; các tài liệu truyền thông; sổ tay hướng dẫn và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi lợn quy mô trang trại vừa và nhỏ bao gồm cả quy trình, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Công nghệ xử lý nước thải phân tán DEWATS được nghiên cứu và phát triển bởi Hiệp hội nghiên cứu và Phát triển Quốc tế Bremen (BORDA), Cộng hòa Liên bang Đức. Công nghệ này ứng dụng cho các lĩnh vực ứng dụng khác nhau như nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề chế biến bún, nước thải chăn nuôi, nước thải giết mổ.. Công nghệ DEWATS là công nghệ phù hợp để xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ đặc biệt là nồng độ ô nhiễm cao với chi phí xây dựng và chi phí vận hành thấp so với các giải pháp khác. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản nên dễ dàng lôi kéo cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra Công nghệ DEWATS đã được phổ biến rộng rãi ở các nước như Ấn Độ, Indonesia... Qua việc áp dụng thí điểm 05 mô hình, Chủ nhiệm Đề tài cũng đã đưa ra một số khuyến nghị để mô hình xử lý nước thải chăn nuôi lợn quy mô trang trại áp dụng công nghệ DEWATS trong tương lai có thể hoạt động ổn định và bền vững đó là cần phải có hầm biogas trong quá trình tiền xử lý; nên tăng số ngăn bể ABR và ngăn bể AF thành 8 ngăn và 4 ngăn để tăng hiệu quả xử lý các chỉ tiêu COD, BOD5 và TSS; xử lý hiếu khí bằng bãi lọc ngang trồng cây sẽ cho hiệu quả cao hơn đặc biệt là mùi và màu; có thể huy động nhân công địa phương để xây dựng; cần có ý kiến chuyên gia về kết cấu các hạng mục bằng các vật liệu mới nếu có ý định thay thế phương án xây dựng truyền thống; chấp hành những chỉ dẫn trong tài liệu hướng dẫn quản lý vận hành; thời gian hút bùn định kỳ trong hầm bigas từ 1,5-2 tháng/1 lần để giảm tải về bùn cặn cho cụm bể kỵ khí…. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng nhiệm vụ đã cơ bản giải quyết tổng thể về vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, các vấn đề được tiếp cận logic và triển khai bài bản; các báo cáo cơ bản đã nêu được các nội dung chuyên môn của nhiệm vụ. Chủ nhiệm cần hoàn thiện chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt; làm rõ cơ sở khoa học đề xuất sử dụng công nghệ DEWATS; đánh giá và so sánh với các mô hình tương tự; bổ sung các số liệu quan trắc, phân tích, thống kê; làm rõ đối tượng sử dụng sổ tay, quy trình, sơ đồ thực hiện…, Chủ tịch Hội đồng đề nghị. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm nhiệm vụ rà soát, chỉnh sửa bổ sung theo các ý kiến góp ý của Hội đồng. Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá nghiệm thu đạt yêu cầu.
Ý kiến góp ý: