TextBody
Huy chương 2

Nghiệm thu đề tài độc lập cấp Nhà nước mã số ĐTĐL.2007G/28

25/04/2012

Đề tài Độc lập cấp Nhà nước, mã số ĐTĐL.2007G/28 mang tên "Nghiên cứu các giải pháp thủy lợi nhằm khai thác bền vững vùng Bán đảo Cà Mau" do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là cơ quan chủ trì, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam là cơ quan thực hiện đề tài, PGS.TS. Tăng Đức Thắng làm chủ nhiệm đề tài đã được Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước (theo Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước số 431/QĐ-BKHCN ngày 20/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngày 13/4/2012 Tổ Chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu do TS. Nguyễn Trọng Uyên làm Tổ trưởng đã họp phiên đánh giá của Tổ Chuyên gia.

Ngày 14/4/2012 tại TP.Hồ Chí Minh, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã họp phiên chính thức. Tham gia phiên họp về phía Bộ Khoa học và công nghệ có Ông Lê Minh Sắt, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế kỹ thuật; về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường và các  chuyên viên của Vụ; về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện và PGS.TS. Lê Thị Kim Cúc, Trưởng Ban KHTH; về phía Viện KHTL miền Nam có ThS. Trần Bá Hoằng, Phó Viện trưởng, TS. Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng và đại diện các phòng chức năng, các đơn vị chuyên môn của Viện.

Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước do GS.TS. Nguyễn Quang Kim làm chủ tịch Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài với điểm trung bình là 88/100, đạt loại khá (theo quy chế đánh giá ban hành tại Thông tư số 12/2009/TT-BKHCN ngày 08/5/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

 Một số kết quả khoa học chính của đề tài:

1.  Đã tổng quan được tình hình phát triển kinh tế xã hội, hiện trạng sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, hiện trạng thủy lợi,… liên quan đến sử dụng nước vùng nghiên cứu trong thời gian qua.

2.  Đã tổng quan  được tình hình nguồn nước trên lưu vực Mê Công, ĐBSCL và BĐCM; tính toán các đặc trưng thủy văn dòng chảy (lưu lượng) theo tần suất, sự gia tăng sử dụng nước và thay đổi dòng chảy thượng lưu do phát triển thủy điện.  

3.  Đã nghiên cứu (mới) đánh giá khá toàn diện về tài nguyên nước mưa vùng BĐCM.

4.  Sử dụng mô hình toán thủy động lực, đã khảo cứu khả năng lan truyền, phân bố của các nguồn nước cơ bản thường trực trong Bán  đảo, bao gồm (1) nguồn nước ngọt từ sông Hậu; (2) Nguồn nước mặn từ các cửa sông, ven biển; (3) Nguồn nước thải công nghiệp; (4) Nguồn nước thải xả từ sản xuất nông nghiệp; (5) Nguồn nước xả thải từ các đô thị đông dân.

Các kết quả này làm cơ sở cho việc phân tích, đề xuất các giải pháp thủy lợi.

5. Đã khảo cứu, tính toán khả năng làm việc của hệ thống phân ranh mặn ngọt Bạc Liêu-Sóc Trăng (đang được xây dựng), cho thấy: nước mặn với nồng độ cao (4-10g/l) vẫn có thể xâm nhập qua Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, gây nhiễm mặn cho các vùng ngọt gần Ngã Năm. Do vậy cần có biện pháp bổ sung giải quyết vấn đề này. Việc xây dựng Cống + Âu thuyền tại Ninh Quới là một giải pháp hợp lý, đa mục tiêu, nhất là tạo điều kiện thuận lợi chuyển nước ngọt xuống Nam QL1A, tỉnh Bạc Liêu.

6.  Đã đánh giá được khả năng chuyển tải nước ngọt từ sông Hậu đến các vùng giữa BĐCM.

Đã đánh giá tác động của Cống Cái Lớn, Cái Bé và hệ thống kiểm soát mặn ven Biển Tây, chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát điều tiết và phân phối lại nguồn nước ngọt trong Bán đảo phù hợp hơn đối với sản xuất, tạo nên các vùng sinh thái ổn định và bền vững, mở rộng vùng ngọt, ổn định mô hình lúa tôm, cấp nước cho rừng UMT, UMH.

9.  Đã nghiên cứu chi tiết các mức độ phát triển thủy lợi theo các mức độ phát triển khác nhau, hoàn thiện dần, để khai thác nguồn nước và làm rõ mức độ phù hợp của các phương án thủy lợi với các kịch bản nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, từ  đó  đã  đề xuất  được các phương án thủy lợi theo các mức độ khác nhau.

10.  Đã khảo cứu việc kiểm soát lũ cho các vùng ngập lũ Tây Sông Hậu (ngập nông).

11.  Đã  đề xuất giải pháp kiểm soát ngọt, tiêu thoát úng ngập, tiêu nước chua và rửa mặn có tính khả thi cao cho vùng trũng Bắc QL 1A tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, bốn huyện vùng trũng, chua của Sóc Trăng. Riêng tỉnh Bạc Liêu, nơi tồn tại nhiều vấn đề, một giải pháp tổng hợp về thủy lợi đã được đề nghị.

12.  Đã đề xuất được giải pháp cấp nước ngọt cho phía Nam QL1A tỉnh Bạc Liêu, trong đó giải pháp sử dụng âu thuyền có tính khả thi cao, là giải pháp hoàn toàn mới, có ý nghĩa khoa học, kinh tế cao. Phương án âu thuyền trên kênh Bạc Liêu- Cà Mau  đã  được  đề nghị là  âu số 1 tại Đông TP Bạc Liêu và âu số 2 Đông kênh Quản  Lộ - Giá Rai, kết hợp với các tuyến đê sông, đê biển của tỉnh. Với hệ thống này có thể cấp nước nuôi trồng thủy sản (chuyên tôm) hay cấp ngọt cho mô hình tôm lúa luân canh, và các mô hình khác. Kết quả này đã được tỉnh Bạc Liêu đề nghị đưa vào lập dự án và triển khai trong thời gian tới.

13.  Đã đề xuất biện pháp tăng cường ngọt hóa hiệu quả cho vùng Kế Sách, Ba Rinh - Tà Liêm, chuyển nước ngọt cho vùng Tiếp Nhật, tỉnh Sóc Trăng bằng giải pháp xây cống-âu thuyền trên sông Đại Ngãi và sông Mỹ Xuyên cùng với xây một số cống ven sông Hậu phía trên Đại Ngãi. Đây cũng là giải pháp phù hợp trong ứng phó với BĐKH-NBD.

14.  Đã bước đầu tính toán và đưa ra kết luận là có thể chuyển nước ngọt từ sông Hậu về cho vùng Nam Cà Mau (Nam Sông Ông Đốc-Bắc Bảy Hạp) sau khi làm cống Cái Lớn, Cái Bé và cống âu thuyền trên sông Ông Đốc cùng với các cống kiểm soát mặn bao quanh tiểu vùng này.

15.  Đã phân tích cơ sở khoa học về sự vận động một số nguồn nước trong hệ thống nuôi trồng thủy sản (cơ chế lây lan bệnh thủy sản, nhiễm bẩn,…), làm cơ sở cho vấn đề thiết kế kênh cấp, kênh thoát dùng chung và tách rời.

16.  Đã khảo cứu tác động của nước biển dâng (NBD), lấy nước nông nghiệp và thủy điện thượng lưu đến ĐBSCL và BĐCM.

17.  Định hướng giải pháp ứng phó với BĐKH–NBD cho BĐCM là hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê bao và cống quanh Bán đảo. Trong đó, các cống lớn ven biển Đông như Mỹ Thanh, Gành Hào là cực kỳ quan trọng, có khả năng tạo nên chế độ thủy lực thuận lợi cho Bán đảo kể cả trường hợp NBD ở mức cao. Nghiên cứu cũng chỉ ra, khi NBD ở mức cao, các cửa thoát biển Tây như Cái Lớn, Cái Bé sẽ mất tác dụng tiêu thoát, và các cống biển Đông phải đảm trách toàn bộ nhiệm vụ này.  

18.  Đã đề xuất những biện pháp quản lý vận hành các hệ thống ứng với các điều kiện khác nhau (mới ở mức gợi ý về nguyên lý).

Về đào tạo, đề tài đã đào tạo được 1 TS, 9 ThS, 2 NCS. Đã công bố nhiều bài báo khoa học trên các Tạp chí chuyên ngành.

 

Theo Phòng Kế hoạch (www.siwrr.org.vn)

Ý kiến góp ý: