Nghiệm thu đề tài độc lập cấp Nhà nước nhóm đề tài đê biển Vũng Tàu - Gò Công
13/08/2015Ngày 02/8/2015 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu đề tài độc lập cấp Nhà nước mang tên Nghiên cứu biến động của chế độ thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển chịu tác động của dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện.
Đề tài này nằm trong nhóm 6 đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ cho thực hiện để nghiên cứu về dự án tuyến đê biển Vũng Tàu- Gò Công "Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng tuyến đê biển đa mục tiêu Vũng Tàu – Gò Công", gồm: (1) Nghiên cứu giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lụt vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn và vùng phụ cận; (2) Nghiên cứu biến động của chế độ thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển chịu tác động của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công; (3) Nghiên cứu đánh giá tác động của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công đến giao thông vận tải thủy; (4) Nghiên cứu đánh giá tác động của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công đến hệ sinh thái rừng ngập mặn và hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trong khu vực; (5) Đánh giá tác động của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công đến phát triển kinh tế xã hội vùng nghiên cứu; (6) Nghiên cứu kết cấu công trình và giải pháp xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Mục tiêu chính của ý tưởng dự án tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất là (i) Chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng Tp.HCM, trước mắt và lâu dài (khi mực nước biển dâng thêm 75-100 cm); (ii) Tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; (iii) Chống xâm nhập mặn cho khu vực Gò Công, Long An; (iv) Phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng Tháp Mười với diện tích hơn 1 triệu ha. Tuy nhiên, tác động của tuyến đê này đối với các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, sinh thái của khu vực xây dựng công trình và lân cận chắc chắn là không nhỏ, cần được đánh giá một cách thỏa đáng những vấn đề tích cực và tiêu cực, “được” và “mất” khi có tuyến đê để tư vấn cho các cơ quan thẩm quyền về quyết định nên hay không nên xây dựng tuyến đê này. + Mục tiêu của đề tài Nghiên cứu biến động của chế độ thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển chịu tác động của dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công bao gồm: (i) Đánh giá được biến đổi về chế độ thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển chịu tác động của dự án đê biển; (ii) Dự báo diễn biến hình thái cửa sông, bờ biển khu vực chịu tác động của dự án. + Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài bao gồm: 1/ Xây dựng cơ sở dữ liệu về thủy thạch động lực phục vụ nghiên cứu các nội dung của đề tài 2/ Nghiên cứu chế độ thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển trong điều kiện hiện tại bằng mô hình toán và phương pháp kinh nghiệm. 3/ Nghiên cứu trường thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển sau khi xây dựng đê biển Vũng Tàu – Gò Công và đề xuất giải pháp tuyến đê hợp lý (xét theo phương diện thủy động lực hình thái). 4/ Phân tích đánh giá sự thay đổi về các yếu tố dòng chảy, sóng, vận chuyển bùn cát cực trị phục vụ thiết kế công trình. Theo Quyết định thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ và Tổ chuyên gia tư vấn đánh giá nghiệm thu số 1754/QĐ-BKHCN ngày 10/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là PGS.TSKH. Nguyễn Văn Cư (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), 2 ủy viên phản biện là GS.TS.Lê Sâm (Hội Thủy lợi TP.HCM) và PGS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM). Trước đó,vào ngày 01/8/2015, Tổ chuyên gia tư vấn thẩm định đánh giá nghiệm thu đề tài do PGS.TS. Hoàng Văn Huân, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển- Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn, đã họp để thẩm định toàn bộ hồ sơ sản phẩm đề tài. Tham dự phiên họp nghiệm thu chính thức, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội và Tự nhiên, và các chuyên viên Vụ KHXH và Tự nhiên; Vụ Kế hoạch Tổng hợp. Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các chuyên viên của Vụ. Về phía Ban chỉ đạo Cụm đề tài tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công, có PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, PGS.TS. Nguyễn Bỉnh Thìn. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam có TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng (đồng thời là chủ nhiệm đề tài), TS. Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng, lãnh đạo và cán bộ đơn vị thực hiện đề tài là Trung tâm nghiên cứu Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai và đại diện các phòng quản lý chức năng, các đơn vị chuyên môn của Viện. Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất đánh giá nghiệm thu đề tài ĐTĐL.2011-G/39 xếp loại khá (82,12/100 điểm) theo quy chế đánh giá ban hành tại Thông tư số 12/2009/TT-BKHCN ngày 08/5/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo http://www.siwrr.org.vn
Ý kiến góp ý: