Nghiên cứu ảnh hưởng của việc khai thác cát đến chế độ dòng chảy, diễn biến lòng dẫn trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình
27/07/2016Trong thời gian qua, trước nhu cầu sử dụng cát ngày càng lớn, các hoạt động khai thác cát (KTC) trên sông Hồng - Thái Bình cũng không ngừng gia tăng về khối lượng...
Để có cơ sở khoa học cho việc quản lý, KTC trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình đạt hiệu quả cao, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của việc KTC đến chế độ dòng chảy, diễn biến lòng dẫn và đề xuất các giải pháp KH&CN phục vụ công tác quản lý, quy hoạch KTC hợp lý trên hệ thống sông Hồng và Thái Bình” (mã số ĐTĐL.2012-T/27). Sau hơn 2 năm thực hiện, trên cơ sở kết quả khảo sát, điều tra, thu thập số liệu, đề tài đã đánh giá được thực trạng KTC trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình; tác động của việc KTC đến chế độ dòng chảy, diễn biến lòng dẫn trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình theo 4 kịch bản khác nhau; đánh giá tiềm năng trữ lượng cát bồi lắng tại 288 bãi, mỏ cát trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình (khoảng 683 triệu m3) và nhu cầu sử dụng cát của 13 tỉnh trên hệ thống sông này trong giai đoạn 2016-2020; xây dựng bản đồ quy hoạch tổng thể KTC trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình tỷ lệ 1/250.000 (các thông tin trên bản đồ gồm vị trí, phạm vi bãi, mỏ cát; trữ lượng cát thăm dò; chiều sâu ổn định lâu dài của đoạn sông; khối lượng khai thác tối đa đến năm 2020)... Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất quy trình kỹ thuật và mô hình quản lý việc KTC trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, trong đó ưu tiên KTC trên sông Hồng, ưu tiên KTC tại các bãi bồi hơn là lòng sông. Đánh giá về những kết quả đạt được của đề tài, GS.TS Lương Phương Hậu - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước cho biết, đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu đề ra, các sản phẩm của đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đáp ứng được tính cấp thiết trong công tác quản lý, KTC cát hiện nay. Đề tài đã được nghiệm thu đạt loại khá. Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam
Ý kiến góp ý: