Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và đề xuất giải pháp khai thác sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển nông thôn mới vùng duyên hải miền Trung
04/07/2016 Vùng Duyên hải miền Trung (DHMT) có đặc điểm tự nhiên rất khắc nghiệt, đặc biệt là tài nguyên nước. Việc nghiên cứu, đánh giá và tính toán tiềm năng nguồn nước, nhu cầu và cân bằng nước cho các tiểu vùng sinh thái (TVST) là rất quan trọng và cần thiết nhằm xây dựng các luận cứ khoa học giúp đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước khu vực. Đề xuất các mô hình sử dụng tài nguyên nước phải khả thi, đại diện, đa mục tiêu và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm địa hình, địa mạo, tiềm năng của các TVST DHMT. Việc đề xuất giải pháp công trình và phi công trình còn phải hướng tới mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại khi hạn hán xảy ra, đồng thời luôn coi trọng vai trò của công tác quản lý và vận hành mô hình trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nước. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Vùng Duyên hải miền Trung nằm giữa một bên là biển, một bên là núi bao gồm 13 tỉnh, thành: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên-Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với diện tích tự nhiên khoảng hơn 8,41 triệu ha. Địa hình hẹp và bị cắt khúc biến đổi theo hướng Đông Tây tạo thành 4 dải kế tiếp từ biển vào lục địa: Dải cát, cồn cát ven biển không ổn định chiếm 3% diện tích tự nhiên (DTTN), dải đồng bằng hẹp chiếm 5-10% DTTN; dải gò đồi chiếm 45÷55% DTTN và núi khoảng 30÷45% DTTN. Đây là một vùng đất giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước do có ưu thế về sản xuất nông nghiệp, rừng phòng hộ, thủy sản, diêm nghiệp, du lịch và cảng biển... Khí hậu vùng DHMT là khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều vào nửa cuối mùa hè và nửa đầu mùa đông. Miền đồi núi có lượng mưa phong phú, miền đồng bằng có lượng mưa ít hơn và có xu thế giảm dần từ Bắc xuống Nam. Tổng lượng bốc hơi hàng năm của vùng khá lớn, trên 1.000mm, chỉ có Trà My, Quảng Ngãi và Ba Tơ có lượng bốc hơi thấp dưới 1.000mm. Tốc độ gió giữa các tháng trong năm chênh lệch khá lớn. Hướng gió thịnh hành mùa Đông là hướng Đông Bắc, mùa hè là hướng Tây Nam. Hàng năm, bão xảy ra trong vùng chiếm 50% tổng số các cơn bão trên toàn dải bờ biển Việt Nam. Sông ngòi vùng DHMT ngắn, hẹp và dốc. Nước trên các sông phụ thuộc theo 3 mùa: lũ, cạn và lũ tiểu mãn. Lũ chính vụ thường rất lớn. Tổng số sông từ cửa Nhượng trở vào sông Sai với L ³ 10km có 740 sông, trong đó 91,8% sông có L = 10÷100km, 93% sông có Flv £ 500 km2. Sông suối chảy qua 75÷90% khu vực đồi núi, lại bị che chắn bởi dải cát ven biển, dòng chảy lũ tràn ra cánh đồng hẹp (F = 5÷10%) tạo thành những hồ chậm lũ bị ngăn cách bởi các dãy núi đâm ngang ra biển nên khó tiêu thoát nước. Tỷ lệ giữa độ rộng và độ dài lưu vực chỉ chiếm từ 0,10÷0,35. Nước sông ở thượng nguồn phía trên QL1A khá trong và sạch, các chỉ tiêu vệ sinh hầu hết được đảm bảo: độ khoáng hóa thấp, hàm lượng oxi hòa tan cao, hàm lượng chất hữu cơ, chất lơ lửng và kim loại nặng... thấp, độ cứng và độ kiềm bé. Nước sông trong các tháng kiệt phía dưới QL1A hay phía dưới đường sắt Bắc - Nam có chất lượng kém hơn do bị xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn tại vùng cửa sông khu vực DHMT mạnh hơn nhiều so với vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long (cả nước mặt lẫn nước ngầm). Ở một số cửa sông xuất hiện dòng chảy phân lớp vào mùa khô (sông Hương ở Thừa Thiên- Huế, sông Vệ - Quảng Ngãi…). Khi lượng nước ngầm giảm, sự xâm nhập mặn vào các tầng đất thuộc vùng gần biển đã làm cho độ mặn tăng lên khá cao và gây bất lợi cho việc khai thác nước ngọt ở các giếng khoan. Do đó, khi xây dựng các dự án khai thác nguồn nước cần có biện pháp bổ sung lượng nước ngọt cần thiết cho sông (ví dụ: đập Thạch Nham trên sông Trà Khúc, đập Lại Giang trên sông Lại Giang...). Dân số của khu vực từ Nghệ An đến Bình Thuận khoảng 15.633.900 người (tính đến 31/12/2011). Trong đó, số dân sống ở nông thôn là 9.380.000 người, chiếm khoảng hơn 60% dân số. Mật độ dân cư hiện nay khoảng 199 người/km2. Kinh tế vùng DHMT là khu vực đa ngành: sản xuất Nông - Lâm - Ngư và Diêm nghiệp, khai thác chế biến thủy, hải sản và khoáng sản, công nghiệp, cảng biển, du lịch... Đang hình thành một số khu công nghiệp tập trung lớn như Đà Nẵng, Dung Quất, Chu Lai. Nhiều cảng nước sâu quan trọng như Vũng Áng, Chân Mây, Văn Phong… Hiện nay, nhiều khu du lịch ven biển đang được đầu tư xây dựng phục vụ lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, được bạn bè quốc tế ca ngợi như Nhật Lệ (Quảng Bình); Mỹ Khê, Tiên Sa (Đà Nẵng); Hòn Mun, Cam Ranh (Khánh Hòa); Ninh Chữ (Ninh Thuận); Mũi Né (Bình Thuận). Do địa hình bị chia cắt, hẹp, dốc, liền kề ven biển nên việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước là một yêu cầu có tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế-xã hội vùng. Hầu hết, đất đai nơi đây là các dải cát dài chạy dọc ven biển, các dải đồng bằng hẹp và các khu vực đồi núi, trung du… Quy hoạch và quản lý khai thác nguồn nước vùng DHMT càng gặp nhiều khó khăn hơn do những biến đổi từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ dân sinh... Hiện tượng sa mạc hóa, cát bay, cát nhảy diễn ra khá phổ biến đang đe dọa nghiêm trọng vùng đất này. Vấn đề đặt ra cần đánh giá lại, tính toán năng lực các nguồn cấp và nhu cầu dùng nước của các ngành, từ đó đề xuất các mô hình sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DHMT. II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1 Mục tiêu nghiên cứu 2.2 Nội dung và phương pháp nghiên cứu 2.3 Phân vùng tính toán cân bằng nước hệ thống 2.4 Tính toán cân bằng nước III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHAI THÁC SỬ DỤNG HỢP LÝ VÀ BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN NƯỚC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN VÙNG DHMT 3.1 Cơ sở khoa học phục vụ đề xuất giải pháp 3.2 Đề xuất giải pháp công trình 3.3 Đề xuất giải pháp phi công trình IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 4.1 Kết luận 4.2 Kiến nghị TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Tài liệu của trung tâm khí tượng thủy văn Nam Trung bộ; [2]. Niên giám thống kê các tỉnh DHMT 2011; [3]. Ngô Đình Tuấn và các cộng sự, 1990-1993. Đề tài KHCN cấp Nhà nước “Cân bằng nước các lưu vực sông suối vùng Duyên hải miền Trung”; [4]. Nguyễn Văn Lân, Trần Thái Hùng và các cộng sự, 2003-2005. Đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu tính toán cân bằng nước và đề xuất giải pháp cấp nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”; [5]. Nguyễn Văn Lân và các cộng sự, 2004-2006. Đề tài KHCN cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất mô hình sử dụng tổng hợp nguồn nước phục vụ phát triển sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp bền vững cho các tiểu vùng sinh thái Duyên hải miền Trung”; [6]. Trần Thái Hùng, Nguyễn Văn Lân, Tuyển tập KHCN Viện KHTL miền Nam 2009. “Nghiên cứu ứng dụng thảm sét địa kỹ thuật và màng địa kỹ thuật chống thấm cho các kênh tưới khu vực DHMT”; [7]. Lê Sâm và các cộng sự, 2006-2008. Đề tài KHCN cấp Bộ “Nghiên cứu các giải pháp kinh tế, kỹ thuật trữ nước cho vùng hạn hán sa mạc hóa các tỉnh Nam Trung Bộ”; [8]. Trần Thái Hùng và các cộng sự, 2009-2010. Dự án cấp tỉnh “Quy hoạch nối mạng các hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận”; [9]. Chi cục Thủy lợi các tỉnh DHMT. “Báo cáo Đề án phát triển thủy lợi tỉnh các tỉnh DHMT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Xem bài báo tại đây: Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và đề xuất giải pháp khai thác sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển nông thôn mới vùng duyên hải miền Trung Tác giả: TẠP CHÍ KH&CN THỦY LỢI
ThS. Trần Thái Hùng, ThS. Nguyễn Văn Lân, GS.TS. Lê Sâm
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam
Ý kiến góp ý: