TextBody
Huy chương 2

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển bền vững tài nguyên nước vùng Tây Nguyên

09/05/2016

Vừa qua, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội đồng Khoa học Công nghệ đánh giá cấp Nhà nước đã tổ chức nghiệm thu kết quả đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển bền vững tài nguyên nước vùng Tây Nguyên” mã số TN3/T30.

Đề tài TN3/T30, thuộc chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” do TS. Đặng Hoàng Thanh - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ nhiệm.

Đề tài trên đã được Ban chủ nhiệm chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam triển khai, thực hiện trong vòng 2 năm từ tháng 01 năm 2014 đến 31 tháng 12 năm 2015, trước khi nghiệm thu cấp nhà nước, đề tài đã được cơ quan chủ trì nghiệm thu cơ sở, tổ chuyên gia đánh giá theo quy định hiện hành.

Đề tài do TS. Đặng Hoàng Thanh chủ nhiệm với mục tiêu chính là Đánh giá được hiện trạng, năng lực của các hồ chứa nước vừa và nhỏ ở Tây Nguyên; vai trò của nó trong việc phát triển bền vững tài nguyên nước (nước mặt, nước ngầm) ở Tây Nguyên; Đề xuất được giải pháp khoa học công nghệ, quản lý vận hành, cơ chế chính sách nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả các hồ chứa vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô hạn cho Tây Nguyên.

Trên cơ sở mục tiêu chính của đề tài, Hội đồng đã thảo luận, đánh giá và thống nhất từng kết quả mà đề tài đạt được, bao gồm các nội dung sau: (1) Đánh giá hiện trạng, năng lực, vai trò các công trình thủy lợi hồ chứa vừa và nhỏ trong sản xuất, sinh hoạt và phát triển bền vững tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên; (2) Đánh giá tình hình tổ chức quản lý, khai thác vận hành các công trình hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn Tây Nguyên thông qua các Pháp lệnh, nghị định, thông tư hướng dẫn và văn bản triển khai ở địa phương, các tồn tại và nguyên nhân chủ yếu; (3) Đánh giá các nguyên nhân gây suy giảm năng lực của các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên làm cơ sở để đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ, cơ chế chính sách; (4) Xây dựng các tiêu chí và đánh giá năng lực khai thác tổng hợp hồ chứa vừa và nhỏ ở Tây Nguyên, sử dụng tiêu chí để đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ khai thác tổng hợp cho 03 mô hình hồ chứa vừa và nhỏ; hướng dẫn điều tra, khảo sát, các bước tính toán, xác định các tiêu chí, và đã được địa phương đánh giá tốt, cam kết sẽ nghiên cứu áp dụng cho công tác quản lý công trình trên địa bàn; (5) Các giải pháp khoa học công nghệ để ứng dụng vào cải tạo, nâng cấp nâng cao năng lực, khắc phục các khiếm khuyết cho các hồ chứa vừa và nhỏ và làm giàu tài nguyên nước ngầm xung quanh hồ; (6) Một số chính sách quản lý, vận hành hồ chứa vừa và nhỏ để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống cũng như phù hợp với phong tục tập quán, trình độ vùng Tây Nguyên.

Dựa trên các kết quả đạt được của đề tài, Hội đồng nghiệm thu kết luận đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với nội dung cần nghiên cứu để đạt được mục tiêu đề ra; đã thực hiện đầy đủ số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm KHCN chính; chất lượng và yêu cầu khoa học đạt được của các sản phẩm chính đảm bảo yêu cầu; báo cáo tổng hợp đã phản ánh đầy đủ các nội dung khoa học đạt được; đề tài đã công bố 04 bài báo các tạp chí chuyên ngành trong nước và 01 bài trong kỷ yếu các hội nghị khoa học toàn quốc; kết quả của đề tài đuợc hội đồng đánh giá có ý nghĩa đối với kinh tế, xã hội và môi trường, đề xuất chương trình, cơ quan quản lý phối hợp với địa phương ứng dụng trong thực tế tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, Hội đồng cũng đề nghị đề tài sửa chữa bổ sung báo cáo tổng hợp theo ý kiến của hội đồng (câu, thuật ngữ, tài liệu tham khảo và rút gọn hơn báo cáo tổng hợp).

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá loại Khá.

Đoàn Bình Minh

Ý kiến góp ý: