TextBody
Huy chương 2

Nghiên cứu đề xuất một số chính sách thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi để cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế

15/08/2019

Vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số chính sách thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi để cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế” do TS. Trần Văn Đạt - Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi chủ nhiệm.

Ở Việt Nam, khu vực tư nhân được ghi nhận đang ngày càng được khẳng định vị trí quan trọng trong các tương tác kinh tế và có vai trò nhất định, đóng góp cho sự tăng trưởng của quốc gia. Sự tham gia của khu vực này trong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cung ứng các dịch vụ công ích vừa tạo ra một nguồn lực to lớn, đáp ứng các yêu cầu phát triển, vừa góp phần tăng cường lực lượng sản xuất. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng là nhân tố thúc đẩy việc định hình quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Dù vậy, sự tham gia của tư nhân trong các dự án đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện nay vẫn thuần túy là thực hiện chủ trương xã hội hóa. Các quy định về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân chưa chặt chẽ, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên chưa thực sự hợp lý. Điều đó làm nảy sinh khá nhiều bất cập, tranh chấp trong quá trình quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Việc huy động các nguồn lực trong đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi phổ biến nhất chủ yếu dưới hình thức tham gia trực tiếp của cộng đồng hưởng lợi hoặc thông qua các tổ chức của họ. Cũng vì lý do đó nên về cơ bản, tham gia của khu vực ngoài nhà nước cũng chỉ mới tập trung ở khu vực mặt ruộng hoặc các hệ thống thủy nông nhỏ lẻ, có đặc tính kỹ thuật giản đơn. Sự tham gia của khu vực tư nhân trong các hoạt động đầu tư, quản lý khai thác các hệ thống tưới tiêu có quy mô phục vụ lớn hoặc yêu cầu kỹ thuật phức tạp (hiện do Nhà nước chịu trách nhiệm) vẫn rất hạn chế.

Chủ trương của Đảng và Chính sách pháp luật của Nhà nước đã tạo ra nền tảng, cơ sở pháp lý để khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cung ứng dịch vụ công ích. Mặc dù vậy, việc thể chế hóa các vấn đề có liên quan ở nước ta mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu. Hiện vẫn còn nhiều điểm cần tiếp tục được làm sáng tỏ, hoặc quy định chi tiết cho từng lĩnh vực, phù hợp với đặc thù của các loại hình dự án đầu tư. Đây cũng là cơ sở để khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn vào đầu tư và quản lý khai thác các hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhu cầu đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình là rất lớn. Trong khi đó, các nguồn lực của Nhà nước giành cho lĩnh vực này khá hạn chế. Vì vậy, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân để bổ sung nguồn lực, sáng kiến của họ cho công tác phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng thủy lợi là rất cần thiết.

Mục tiêu của đề tài là đề xuất được cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi cung cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; Áp dụng thử nghiệm được một số cơ chế, chính sách đề xuất thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Qua quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu như tổng quan; đánh giá thực trạng, nhu cầu và tiềm năng và hình thức tham gia của khu vực tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi; đánh giá thực trạng cơ chế chính sách, mô hình quản lý nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi, nhóm thực hiện đã đề xuất một số chính sách thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi để cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế. Có thể kể đề một số kết quả đã đạt được như:

Đánh giá được tiềm năng, nhu cầu đầu tư của khu vực tư nhân tham gia xây dựng và quản lý công trình thủy lợi, cung cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Phân tích, đánh giá được hiện trạng thủy lợi, thực trạng cơ chế chính sách, làm rõ các cản trở, khó khăn thách thức khi khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi để cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Thông qua các hoạt động nghiên cứu (đánh giá đặc thù của dự án thủy lợi, phân tích chính sách, phân tích tài chính của dự án), đề tài đã đề xuất được:

Cơ chế, chính sách thu hút khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi bao gồm các nhóm chính sách về góp vốn tham gia của Nhà nước; hỗ trợ vay vốn và ưu đãi tín dụng; chính sách ưu đãi về đất đai và thuê mặt nước; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ; Chính sách thu hút đầu tư vào quản lý khai thác công trình thủy lợi: bao gồm các nhóm chính sách về hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi công ích; hỗ trợ vay vốn và ưu đãi tín dụng; chính sách ưu đãi về đất đai và thuê mặt nước; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ.

Công cụ hỗ trợ triển khai dự án PPP trong lĩnh vực thủy lợi như bộ công cụ hỗ trợ tính toán giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phục vụ triển khai trong đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi có sự tham gia của khu vực tư nhân; Sổ tay hướng dẫn quy trình đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi với sự tham gia của khu vực tư nhân.

Kết quả nghiên cứu này đã được áp dụng và ứng dụng thử nghiệm ở một số dự án cụ thể và được các cơ quan hữu quan chấp thuận. Ngoài ra, các sản phẩm nghiên cứu cũng đã nhân được ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp, các nhà đầu tư tiềm năng trong cả nước.

Thay  mặt Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Đề tài đã đáp ứng về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt với 10 báo cáo, 02 dự thảo Nghị định, 01 sổ tay, 01 phần mềm, 04 bài báo đăng trên tạp chí khoa học và công nghệ, 02 thạc sỹ đã tốt nghiệp, cung cấp số liệu cho 01 tiến sỹ đã bảo vệ cơ sở

Báo cáo tổng hợp rõ ràng, phản ánh đầy đủ các kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài đã sử dụng phương pháp tiếp cận, các phương pháp kỹ thuật sử dụng áp dụng cho từng nội dung nghiên cứu là phù hợp, đảm bảo độ tin cậy. Nội dung nghiên cứu tổng quan đầy đủ, chi tiết; nội dung đánh giá thực trạng phong phú với 7 vùng kinh tế, 277 dự án đầu tư xây dựng, 297 dự án quản lý khai thác công trình thủy lợi; đã đề xuất được cơ chế chính sách thu hút đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, thu hút đầu tư vào quản lý khai thác công trình thủy lợi. Các kết quả nghiên cứu đã được lấy ý kiến rộng rãi thông qua 02 Hội thảo

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đề tài cần bổ sung và làm rõ một số nội dung sau: chỉnh sửa lại phần tổng quan, bổ sung kết quả nghiên cứu ở nước ngoài và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; cập nhật số liệu các hồ chính, công trình thủy lợi đến năm 2018; bổ sung nguồn số liệu đánh giá hệ thống các công trình thủy lợi; làm rõ khái niệm hiệu quả tưới, quản lý khai thác công trình thủy lợi; phân tích rõ hơn thực trạng quản lý khai thác công trình thủy lợi; làm rõ và phân tích hiệu quả đầu tư trên cơ sở năng suất nước, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và các giải pháp hiện đại hóa hướng tới “dịch vụ phân phối nước”; sắp xếp thứ tự ưu tiên thu hút đầu tư trong 277 dự án đầu tư, 297 dự án quản lý khai thác dựa trên các phân tích đánh giá; làm rõ phạm vi sử dụng phần mềm tính toán giá sản phẩm, dịch vụ; chi tiết hình thức và hợp đồng PPP; cụ thể hơn kiến nghị thu hút đầu tư vào thủy lợi…

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các góp ý của Hội đồng. Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiệm thu chính thức.

Ý kiến góp ý: