TextBody
Huy chương 2

Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả cát lũ, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du hồ chứa trong điều kiện mưa lũ lớn cực đoan

07/01/2019

Ngày 05/1/2019, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả cát lũ, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du hồ chứa trong điều kiện mưa lũ lớn cực đoan” do TS. Nguyễn Ngọc Nam - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển chủ nhiệm.

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện làm chủ tịch Hội đồng. Dự buổi nghiệm thu còn có đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp và Ban Tài chính Kế toán.

Tại buổi họp, thay mặt nhóm thực hiện, TS. Nguyễn Ngọc Nam đã báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng. Theo đó, Đề tài với mục tiêu xác định được nguyên nhân và đề xuất tiêu chí cực đoan làm mất an toàn hồ chứa và gây ngập lụt, thiệt hại hạ du; Đề xuất được các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn hồ chứa và giảm thiểu thiệt hại (ngập lụt) hạ dụ. Áp dụng điển hình cho 01 hồ chứa ở miền Trung.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, nhóm thực hiện đề tài đã triển khai thu thập, khảo sát số liệu về đập và tình hình ngập lụt hạ du các hồ chứa do vận hành xả lũ, khảo sát bổ sung nhằm thành lập bộ số liệu cơ bản của đề tài; Nghiên cứu thực trạng an toàn hồ đập, ngập lụt hạ du và các tiêu chí cực đoan do lũ trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội; Giải pháp nâng cao hiệu quả cắt (giảm) lũ, giảm thiểu ngập lụt hạ du, đảm bảo an toàn đập trong điều kiện mưa, lũ lớn cực đoan; Áp dụng tính toán, giải pháp, quy trình vận hành nhằm nâng cao hiệu quả cắt (giảm) lũ và giảm thiểu ngập lụt hạ du hồ chứa điển hình (hồ Phú Vinh) trong điều kiện mưa lũ cực đoan.

Qua quá trình thực hiện các nội dung trên, đề tài đã đạt được một số kết quả chính như xác định được nguyên nhân và đề xuất tiêu chí cực đoan làm mất an toàn hồ chứa và gây ngập lụt, thiệt hại hà dụ, đồng thời đề xuất được các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn hồ chứa và giảm thiểu ngập lụt hạ du, áp dụng cho hồ Phú Vinh - Quảng Bình.

Đề tài đã phân tích, tổng kết, hệ thống hóa thành những nhóm vấn đề cụ thể phục vụ cho nghiên cứu như các dấu hiệu nhận biết mưa, lũ lớn cực đoan, vấn đề nâng cao chất lượng dữ liệu phục vụ cho tính toán mưa, lũ cũng như các vấn đề về thực trạng công tác an toàn đập, các mức an toàn ngập lụt hạ du...

Qua nghiên cứu tình hình công tác thiết kế hồ chứa và làm rõ nhiệm vụ của các hồ chứa thủy lợi hiện nay, Đề tài đã đề xuất đưa dung tích điều tiết lũ, mực nước điều tiết lũ vào đặc trưng thành phần dung tích và mực nước của hồ chứa; làm rõ được một số ưu, nhược điểm của công tác xây dựng quy trình vận hành hồ chứa.

Đề tài cũng đã đề xuất được các nguyên tắc cơ bản về quy hoạch, nâng cấp khu thượng lưu hồ chứa, nâng cấp đập, nâng cấp vùng hạ du trong đó đưa ra được các nguyên tắc phục vụ cho việc sửa đổi quy trình vận hành như nguyên tắc đảm bảo dung tích đón lũ cho hồ chứa, duy trì mực nước trong mùa lũ, vận hành xả lũ trong trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo cho việc vận hành an toàn đập, giảm thiểu thiệt hại vùng hạ du đập.

Từ các kết quả tính toán áp dụng cho hồ Phú Vinh, đề tài đã đề xuất được các giải pháp quy hoạch hạ tầng khu dân cư, đất ở, dân cư mới, nông thôn, đô thị, đất nông nghiệp, đất công nghiệp... đảm bảo an toàn đập trong điều kiện mưa lũ lớn cực đoan.

Bên cạnh đó, Đề tài cũng đã xây dựng được Sổ tay Hướng dẫn xác định các yếu tố mưa, lũ lớn cực đoan phục vụ vận hành an toàn đập và giảm thiểu thiệt hại vùng hạ du và được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành...

Sau khi nghe các ý kiến nhận xét của các phản biện, các thành viên Hội đồng. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện kết luận: Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đặt hàng; Đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, ứng dụng tốt trong công tác dự báo, ứng phó trong điều kiện mưa lũ cực đoan, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý an toàn đập; Báo cáo trình bày chi tiết, rõ ràng, logic; sử dụng các phương phướng nghiên cứu hiện đại phù hợp; nội dung tổng quan đã bao hàm các nội dung nghiên cứu...

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa, bổ sung và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn mới về mưa lũ lớn, an toàn hồ đập...; Phân tích rõ tiêu chí lựa chọn 08 hồ chứa nghiên cứu điển hình; Bổ sung bản đồ vị trí hồ Phú Vinh và bản đồ vị trí lưới trạm khí tượng thủy văn khu vực nghiên cứu để nâng cao tính chuẩn xác của số liệu nghiên cứu phù hợp với hệ thống trạm khí tượng thủy văn khu vực; Làm rõ hơn các mốc “cực đoan” trong Sổ tay”, cách phân chia hoặc xác định các khoảng giá trị đánh giá của các tiêu chí cực đoan và tiêu chí quy trình vận hành, ảnh hưởng của mưa hạ du đến mô hình; nêu rõ trường hợp tính toán với các yếu tố mưa, lũ “lớn cực đoan” trong tính toán điển hình cho hồ Phú Vinh và giải pháp tương ứng; chỉnh sửa hình vẽ, lỗi chính tả...

Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài xếp loại đạt.

Ý kiến góp ý: