TextBody
Huy chương 2

Nghiên cứu giải pháp, thiết kế và chế tạo thiết bị để đóng mở cưỡng bức các cửa van tự động đảm bảo chủ động lấy nước trong điều kiện xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long

17/11/2016

Chiều ngày 15/11, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài “Nghiên cứu giải pháp, thiết kế và chế tạo thiết bị để đóng mở cưỡng bức các cửa van tự động đảm bảo chủ động lấy nước trong điều kiện xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long” do TS. Thái Quốc Hiền - Viện Thủy công chủ nhiệm.

Theo Chủ nhiệm Đề tài báo cáo, hiện nay các cống điều tiết nước của khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang hoạt động đều có khẩu độ nhỏ hơn 10m và có hàng nghìn cửa van lắp đặt cho các cống vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm cả những cửa van của các công trình lấy nước tiêu nước hai chiều và cửa van gạn triều tiêu úng và chúng đều là cửa van cánh cửa tự động thủy lực được xây dựng qua các thời kỳ khác nhau.

Trong gần 30 năm qua, các loại cửa van này đã đóng góp một vai trò hết sức quan trọng trong vận hành hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long với tính ưu việt về kỹ thuật, tiện lợi trong quản lý vận hành... và hoạt động hoàn toàn tự động không cần đến thao tác vận hành của con người trên nguyên lý cân bằng lực trước và sau cửa van.

Bên cạnh đó, theo tác giả nó cũng có một số nhược điểm như trong một số trường hợp đặc biệt khi có mưa lớn mực nước trong đồng cao quá mức thì cửa van được mở để tiêu thoát, khi cần đóng cửa trong trường hợp này phải đợi triều lên để đóng cửa nên có thể mất nước trong đồng điều này rất bị động trong khống chế mực nước bên trong hay như trong một số công trình trong nhiệm vụ có thiết kế lấy nước ngược (cửa van tự động hai chiều) có lúc lượng nước vào quá lớn cần đóng cống phải đợi nước xuống hoặc có lúc mực nước vẫn cao nhưng có độ mặn lớn không phù hợp với yêu cầu sản xuất và cần đóng cửa thì cửa tự động cũng không thực hiện được dẫn đến làm nhiễm mặn trong nội đồng.

Chính vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu nguồn nước phù hợp với điều kiện và chiến lược phát triển kinh tế từng vùng, chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu giải pháp, thiết kế và chế tạo thiết bị để đóng mở cưỡng bức các cửa van tự động đảm bảo chủ động lấy nước trong điều kiện xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Mục tiêu của đề tài là (1) Đề xuất được giải pháp nâng cấp các cửa van và thiết kế, chế tạo thiết bị đóng mở cửa van tự động theo hướng chủ động đóng mở khi có yêu cầu của thực tế sản xuất; (2) Hệ thống cửa van tự động ngoài việc chủ động đóng mở, còn có thể được kết nối với hệ thống phục vụ công tác điều hành theo hướng hiện đại; (3) Các giải pháp kỹ thuật được đề xuất theo đề tài đảm bảo được các tiêu chí như tận dụng được kết cấu, cấu trúc các bộ phận công trình hiện có, các chi tiết nâng cấp đơn giản, dễ lắp đặt và cải tạo, quản lý vận hành và mức đầu tư thấp nhất.

Để đạt được mục tiêu đặt ra và phạm vi nghiên cứu đã xác định, nhóm thực hiện đề tài đã triển khai các nội dung nghiên cứu và trong 30 tháng triển khai đề tài đã thiết kế, chế tạo, thi công và vận hành cho 02 công trình; xây dựng được bộ hồ sơ nghiên cứu kết cấu, phương pháp tính toán và thiết kế cải tiến cửa van tự động ít nhất 05 giải pháp cải tiến kết cấu đó là lắp đặt cửa van phụ đóng mở cưỡng bức trên cửa van tự động, lắp đặt thiết bị nâng hạ cả cửa van tự động theo khe van đã có sẵn, cải tạo cửa van tự động thành cửa van phẳng kéo đứng, lắp đặt cửa van phụ vào khe phai hoạc trong khoang cống với tiêu chí tận dụng tối đa cấu trúc các bộ phận công trình hiện có, các chi tiết nâng cấp đơn giản, dễ lắp đặt và cải tạo...; tập bản vẽ thiết kế, chế tạo thiết bị đóng mở cưỡng bức cửa van tự động cho các giải pháp; bộ hồ sơ nghiên cứu thiết kế hệ thống kiểm soát, giám sát đóng mở cửa van theo hướng hiện đại hóa quản lý hệ thống ; quy trình thiết kế, nâng cấp các cửa van và thiết bị đóng mở để cưỡng bức tự động cho các giải pháp; 02 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành.

Đặc biệt, đã ứng dụng 02 sản phẩm được địa phương đánh giá cao và chấp nhận đưa vào sản xuất.

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao kết quả của đề tài; các sản phẩm của Đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn phục vụ sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long; cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu hợp lý; đã đề xuất được khung nhằm hiện đại hóa hệ thống công trình.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa phần tổng quan, kiến nghị để làm nổi bật các kết quả nghiên cứu; xác định phạm vi áp dụng từng loại giải pháp; cần phân tích lựa chọn giải pháp, quy trình vận hành, đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật; bổ sung nội dung cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp phân loại, đánh giá các cống, biên bản bàn giao cho các địa phương sử dụng, đào tạo và sáng chế...

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của Hội đồng.

Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài với 6/6 thành viên thống nhất đánh giá Đề tài đạt yêu cầu.

Ý kiến góp ý: