TextBody
Huy chương 2

Nghiên cứu xây dựng giải pháp ứng phó trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình

13/01/2021

Sáng ngày 13/1/2021, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu cơ sở đề tài thuộc Chương trình KC.08.13/16-20 “Nghiên cứu xây dựng giải pháp ứng phó trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình” do PGS.TS. Trần Quôc Thưởng chủ nhiệm.

Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cơ sở đề tài được thành lập tại Quyết định 861/QĐ-VKHTLVN ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam bao gồm: GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Bá Quỳ - Trường Đại học  Thủy lợi - Phản biện 1; ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Viện Quy hoạch Thủy lợi - Phản biện 2; GS.TS. Lê Văn Nghị - Phòng TNTĐ Quốc gia về Động lực học Sông Biển - Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phòng TNTĐ Quốc gia về Động lực học Sông Biển - Ủy viên; TS. Vũ Thị Thu Lan - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Ủy viên; PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Ủy viên, Thư ký.

Báo cáo kết quả đề tài trước Hội đồng, TS. Nguyễn Đăng Giáp - Đại diện Nhóm thực hiện Đề tài cho biết hiện nay Việt Nam có hơn 7.000 công trình hồ, đập đã được xây dựng trên các lưu vực sông. Hồ chứa mang lại nhiều lợi ích như điều tiết dòng chảy giữa các mùa trong năm, nâng cao lượng nước ngầm cho thượng hạ du, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch, giao thông, thuỷ sản, cải tạo môi trường. Tuy nhiên, hồ chứa cũng có nhiều mặt không tốt như gây biến hình lòng dẫn hạ du, bồi lắng lòng hồ, gây suy thoái môi trường nước, gây lũ nhân tạo, đặc biệt là những ẩn họa lớn mà hồ chứa có thể gây ra khi quản lý, khai thác, vận hành không an toàn như xả lũ khẩn cấp hay vỡ đập. Ở Việt Nam, hiện tượng vỡ đập đã được ghi nhận với các đập bị vỡ khi vận hành, đập bị vỡ trong quá trình thi công. Các tổng kết về vỡ đập cũng đã được đưa ra và phân tích nguyên nhân sự cố vỡ đập.

Dẫn chứng về trường hợp vỡ đập tại đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình, TS. Nguyễn Đăng Giáp cho biết trong thế kỷ XIX có 26 năm vỡ đê tả sông Hồng thuộc tỉnh Hưng Yên, trong đó đê Văn Giang vỡ 18 năm liên tiếp (1871 - 1897) và 20 lần vỡ đê từ 1905 đến nay. Hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ đều bị vỡ đê, ngập lụt như Hà Nội 6 lần, Bắc Ninh 7 lần, Vĩnh Phúc 5 lần, vùng Bắc Hưng Hải 9 lần. Từ năm 1905 đến 1990 đã xảy ra nhiều trận lũ lớn làm vỡ đê nhiều nơi gây ngập lụt trên diện tích rộng và tổn thất lớn về sinh mạng và tài sản. Điển hình là các năm vỡ đê 1913, 1915, 1917, 1926, 1945 và 1971. Một số năm không xảy ra lũ lớn nhưng cũng gây vỡ đê như Vân Cốc (1986), Nội Doi (1986), Biểu Thương (1985).

TS. Nguyễn Đăng Giáp khẳng định lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình là lưu vực có tầm quan trọng đối với đồng bằng Bắc Bộ cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt từ khi hệ thống hồ chứa thượng nguồn sông Hồng bao gồm: Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Huội Quảng, Bản Chát được đưa vào vận hành, các trận lũ vừa, lũ lớn đã được cắt giảm, vùng hạ du đồng bằng sông Hồng đã nhiều năm không bị ngập lụt do lũ thượng nguồn, khiến cho nhân dân vùng hạ du có thể chủ quan và có quan niệm là các hồ chứa lớn đã giữ hết lũ, đồng thời lơ là trong công tác phòng chống, ứng phó với lũ, nhất là các trường hợp lũ lớn, lũ cực lớn xuất hiện trên lưu vực.

TS. Nguyễn Đăng Giáp cho biết mặc dù hiện nay công tác vận hành hồ chứa trong mùa lũ hàng năm được hỗ trợ tính toán, tư vấn từ 7 đơn vị chuyên môn, kết quả tính toán là căn cứ giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ra quyết định vận hành xả lũ các hồ chứa thượng nguồn sông Hồng tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định đã xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống hồ chứa, khi kết quả dự báo dòng chảy lũ đến hồ chứa không đảm bảo độ chính xác, có sai khác lớn với thực tế, đặc biệt là trong thời kỳ hồ chứa đang tích nước hoặc đã tích đầy nước, hay xuất hiện hình thế thời tiết gây mưa lớn, kéo dài tương tự khu vực miền Trung trong tháng 9, tháng 10/2020; nguy cơ xảy ra lũ đặc biệt lớn trên lưu vực sông Hồng và khả năng xảy ra tình huống xả lũ khẩn cấp là hiện hữu, cần được nghiên cứu để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản nếu tình huống đó xuất hiện. 

Chính vì vậy, Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện đã nghiên cứu xây dựng giải pháp ứng phó trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình với mục tiêu đánh giá được khả năng xảy ra xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình; Đánh giá được năng lực thoát lũ thực tế và mức độ đảm bảo an toàn của của hệ thống công trình phòng, chống lũ trên lưu vực, an toàn cho vùng hạ du trong trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cưc lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình; Xây dựng được giải pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho hạ du trong trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Qua quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu, Đề tài đã đạt được một số kết quả có thể kể đến như: (1)  Xác định phương pháp phân vùng nguy cơ ngập lụt đối với các đối tượng bị tác động (người, phương tiện giao thông và hạ tầng cơ sở) ở hạ du đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình; (2) Xây dựng bộ bản đồ đẳng trị thời gian lan truyền lũ ở vùng hạ du hồ chứa; (3) Bộ bản đồ ngập lụt tương ứng các tình huống xả lũ cực lớn, xả lũ khẩn cấp và vỡ đập cho 31 kịch bản; (4) Bộ bản đồ phân vùng nguy cơ ngập lụt trong các tình huống xả lũ cực lớn, xả lũ khẩn cấp và vỡ đập cho 31 kịch bản; (5) Bộ bản đồ phương án, kế hoạch ứng phó tương ứng với các nhóm kịch bản xả lũ cực lớn, xả lũ khẩn cấp và vỡ đập; (6) Đưa ra các giải pháp: vận hành hồ chứa trong tình huống khần cấp; Hỗ trợ ra quyết định phân lũ chủ động trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình tình huống khẩn cấp; Sử dụng một phần dung tích chống lũ cho công trình để cắt, giảm lũ cho hạ du khi có sự cố nghiêm trọng về đê điều (vỡ đê khu vực cống Liên Mạc);  Cảnh báo lũ, ngập lụt trực tuyến trên lưu vực và giải pháp xây dựng bộ công cụ hỗ trợ vận hành liên hồ chứa.

Sau khi nghe các ý kiến phản biện, nhận xét của các thành viên Hội đồng, thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa kết luận:  Đề tài đã hoàn thành toàn bộ nội dung theo yêu cầu của đề cương nhiệm vụ đặt ra; Báo cáo tổng hợp đã bao quát hết toàn bộ các nội dung, sản phẩm theo yêu cẩu theo đề cương nhiệm vụ của đề tài với 9 chương và 2 phần mở đầu và kết luận, kiến nghị; Nội dung rõ ràng, chi tiết, thể hiện toàn bộ các nội dung nghiên cứu, bao gồm các sản phẩm của đề tài theo yêu cầu của đề cương; Phương pháp tiếp cận hiện đại và phù hợp; sử dụng công cụ, mô hình hiện đại về thủy văn, thủy lực (Mike Flood), GIS (ArcGIS), viễn thám (Landsat) để xây dựng bản đồ ngập lụt, xác định khu vực có nguy cơ rủi ro cao do ngập lũ, phân tích dự báo động đến con người và đời sống kinh tế xã hội trong khu vực qua đó đề xuất các kế hoạch ứng phó khi có lũ lớn xảy ra; Kết quả đề tài là tư liệu giúp cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan sư dụng trong quá trình phát triển và quá trình quản lý, ứng phó với lũ lụt trong lưu vực.

GS.TS. Trần Đình Hòa yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài và Nhóm thực hiện cần chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, phần tổng quan, kết luận và kiến nghị; phương pháp nghiên cứu, lỗi chính tả, bảng biểu hình vẽ; giới hạn phạm vi nghiên cứu, tiêu chuẩn; cần phân tích đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại và hạn chế từ các nghiên cứu trong nước và trên thế giới; bổ sung thêm nội dung đánh giá an toàn công trình, kiểm tra tỉ lệ bản đồ, minh chứng đào tạo thạc sỹ, bảng thống kê về kịch bản để đánh giá khả năng thoát lũ và lý giải lựa chọn kịch bản; làm rõ phương pháp xây dựng tổ hợp lũ và phân tích khả năng có thể xảy ra những tổ hợp lũ….

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để nghiệm thu chính thức.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

Ý kiến góp ý: