Nhà nước sẽ mua sản phẩm của nhà khoa học
21/01/2013Khi các nhà khoa học giao nộp tới kết quả cuối cùng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của dự án theo cam kết ban đầu thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ, từ giai đoạn trung gian sẽ không cần thiết nữa.
Ngoài việc tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng ngân sách nhà nước, các nhà khoa học có thể dùng nguồn vốn từ bất cứ nguồn nào để làm nghiên cứu. Đặc biệt, sau khi có sản phẩm nhà nước sẽ mua sản phẩm ấy theo giá thỏa thuận.
Đó là những thông tin "nóng" về chính sách đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) trong thời gian tới do bộ trưởng bộ KHCN TS. Nguyễn Quân cho biết ngày 17.1 tại Hà Nội.
Bộ trưởng cho biết, năm 2013 bộ Khoa học công nghệ sẽ tập trung vào những vấn đề gì được coi là cởi “nút thắt” trong KHCN?
Chắc chắn sẽ tập trung vào việc trình Quốc hội thông qua luật KHCN sửa đổi. Trong luật sẽ tập trung ba trọng tâm xây dựng các văn bản dưới luật hướng dẫn cho luật, đó là phương thức đầu tư đổi mới KHCN và chính sách trọng dụng cán bộ khoa học.
Đồng thời đây cũng là năm khởi động toàn bộ các chương trình quốc gia, về KHCN trong đó có 3 chương trình lớn nhất là chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia đổi mới KHCN, chương trình quốc gia phát KHCN cao.
Với việc ban hành những chiến lược đề án mới, nút thắt “tài chính trong KHCN” sẽ được tháo gỡ như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: "Khi chúng ta thực hiện cơ chế mua kết quả nghiên cứu, thì nó là động lực để các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, đảm bảo chất lượng cũng như là kết quả nghiên cứu của mình". |
Hiện nay chúng tôi phải thể chế hóa nghị quyết của Đảng về KHCN bằng việc xây dựng luật KHCN sửa đổi và các văn bản dưới luật, trong đó các cơ chế tài chính sẽ phải tháo gỡ đồng bộ ở cả bốn khâu: xây dựng kế hoạch hàng năm, đổi mới phương thức tổ chức thực hiện (từ việc xác định nhiệm vụ, cho tới việc tuyển chọn, định giá nghiệm thu, bổ sung các nội dung chi cho phù hợp với đặc thù KHCN và nền kinh tế thị trường như nội dung công bố kết quả nghiên cứu hoặc dự phòng), hoặc thay đổi mức chi cho các nhà khoa học có thể làm việc một cách trung thực và đảm bảo hiệu quả của dự án. Cuối cùng chúng tôi thí điểm cơ chế khoán chi tới sản phẩm cuối cùng, đặc biệt cũng phải thí điểm cơ chế nhà nước sẽ đứng ra mua sản phẩm KHCN của các nhà khoa học.
Khi chúng ta thực hiện cơ chế mua kết quả nghiên cứu, thì nó là động lực để các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, đảm bảo chất lượng cũng như là kết quả nghiên cứu của mình.
Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, sẽ có những chính sách gì để thu hút tài chính cho KHCN?
Hiện nay đầu tư cho KHCN mới chỉ ở ngân sách nhà nước nên với mức 2% tổng ngân sách không phải là thấp. Tuy nhiên Việt Nam còn rất nghèo nên 2% tổng ngân sách giá trị tuyệt đối còn rất nhỏ không đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước.
Nghị quyết Đảng đã nói sẽ huy động nguồn đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt từ doanh nghiệp cho KHCN coi đây là giải pháp quan trọng để có được nguồn kinh phí lớn đủ đáp ứng cho hoạt động KHCN.
Việc huy động này thông qua việc bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải giành một tỷ lệ nhất định lợi nhuận trước thuế thành lập một quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế khác, cũng theo mô hình của doanh nghiệp nhà nước để giành một phần kinh phí của họ cho hoạt động KHCN.
Đồng thời chúng tôi cùng bộ tài chính quy định một cách hợp lý hơn về cách sử dụng quỹ này.
Cách quy định như hiện nay các doanh nghiệp rất ngại ngần khi phải trích quỹ. Bởi vì họ phải giành ra 75% kinh phí của họ và 25% kinh phí nhà nước hỗ trợ thông qua việc ưu đãi thuế. Nhưng bị kiểm soát 100% như là ngân sách nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập quỹ.
Nhà khoa học “kêu rất nhiều vì chuyện thời gian làm khoa học thì ít mà thời gian làm chứng từ giải ngân thì nhiều”, trong thời gian tới sẽ có những chính sách gì để giải quyết triệt để tình trạng này?
Hơn ai hết giới khoa học là những người mong muốn được làm việc trung thực và khoa học nhất.
Trong luật lần này, chúng tôi đưa vào ý tưởng, sẽ thí điểm cơ chế khoán tới sản phẩm cuối cùng cho các nhà khoa học. Nói khác đi, khi các nhà khoa học giao nộp tới kết quả cuối cùng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài dự án trong cái cam kết ban đầu thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ, giai đoạn trung gian sẽ không cần thiết nữa.
Nhà khoa học tự chịu trách nhiệm với các cơ quan quản lý về việc sử dụng ngân sách nhà nước của mình.
Ngoài ra, các nhà khoa học có thể dùng nguồn vốn từ bất cứ nguồn nào để làm nghiên cứu sau khi có sản phẩm nhà nước sẽ mua sản phẩm ấy theo giá thỏa thuận.
Tất nhiên, vẫn sẽ có hội đồng nghiệm thu để xem sản phẩm ấy có đáp ứng tiêu chí và đề tài đã đặt ra hay không, đúng như nhà khoa học cam kết hay không. Nếu sản phẩm đáp ứng được coi như nhà khoa học đã hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng muốn có sản phẩm nghiên cứu chất lượng thì cần có sự đãi ngộ đối với các nhà khoa học, chính sách thu hút người tài vào các cơ quan, các viện nghiên cứu sắp tới được thay đổi ra sao?
Chúng tôi sẽ có chính sách đặc thù tập trung vào ba đối tượng: nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao nhiệm vụ của quốc gia, nhà khoa học trẻ thực sự có tài năng.
Đây không ưu đãi bằng chế độ tiền lương mà ưu đãi bằng môi trường làm việc, điều kiện làm việc tốt nhất, được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, được tự chủ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, tự thỏa thuận mức lương giành cho người làm việc cùng với họ. Chủ động trong việc hội nhập quốc tế, tham dự hội thảo hội nghị quốc tế trong lĩnh vực của mình, mua sách báo tài liệu mua thiết kế, mua bí quyết công nghệ bằng ngân sách nhà nước.
Theo sgtt.vn
Ý kiến góp ý: