TextBody
Huy chương 2

Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm

01/04/2016

Hạn hán đang đe dọa sản xuất các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên. Dự kiến, diện tích cây trồng chính bị hạn hán, thiếu nước  lên tới 167.000ha, trong đó, diện tích lúa 14.600 ha, 152.760 ha cà phê bị ảnh hưởng. Vì thế, việc tìm ra giải pháp chống hạn hữu hiệu cả trước mắt và lâu dài đang là điều mong mỏi của người dân, doanh nghiệp cũng như các địa phương.

Những mô hình tưới tiết kiệm hiệu quả

Dù đang là đỉnh điểm hạn hán ở Tây Nguyên nhưng vườn cà phê và tiêu nhà anh Nguyễn Bá Hán, thôn 15, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vẫn phát triển tươi tốt, lá thấm đẫm màu xanh. Lý giải về điều này, anh Hán cho biết, gia đình đã áp dụng tưới nước tiết kiệm nước theo công nghệ nhỏ giọt cho vườn tiêu, cà phê được 2 năm 6 tháng. Với giếng đào sâu 27m (hiện đang có 2m nước), nhưng do được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt đồng bộ nên anh vẫn tưới đủ cho diện tích vườn cà phê, tiêu rộng hơn 1ha. “Cách làm mới này, hiệu quả rất rõ rệt. So với cách làm truyền thống, hàng năm mình phải cào lá, bón phân một mùa mưa khoảng 3 đợt, theo giá bây giờ 1,5 triệu/lượt, tính ra tiết kiệm được 4,5 triệu tiền công và nhà nào không có lao động thì phải thuê công, một mùa tưới từ 4-6 triệu đồng tiền công. Hơn nữa, việc tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm một nửa lượng nước tưới mà còn giảm được 30-35% lượng phân bón. Trong khi năng suất cà phê lại cải thiện tăng, năm đầu chưa tăng nhưng năm thứ hai tăng 5 tạ/ha và trong năm 2015 tăng được 7-8 tạ/ha” – anh Hán hồ hởi chia sẻ.  

Anh Nguyễn Lê Trung, thôn 7, xã Eahok, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk  cũng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây hồ tiêu từ năm 2015. Từ ngày áp dụng công nghệ tưới này, anh thấy cành, lá tiêu phát triển mạnh và đẹp hơn, lá lúc nào cũng luôn xanh tươi. “Tưới dí trước đây chỉ là tưới thoáng trên mặt đất, nhưng với cách tưới nhỏ giọt là tưới âm dưới đất nên giữ ẩm được nhiều hơn. Tiện lợi hơn hệ thống tưới này tích hợp cả việc bón phân nên mình không mất nhiều công sức, thời gian như trước. Đêm buông xuống là mình đóng cầu dao, rồi đi ngủ, hệ thống sẽ tự vận hành, chứ không phải trực tiếp cầm vòi để tưới vào từng gốc cây như trước” – anh Trung cho biết.

Cùng với biện pháp tưới tiết kiệm, nông dân cũng sáng tạo trong việc tìm cách chống hạn cho cây trồng. Rất nhiều mô hình bà con đã biết lấy vật liệu như thân cành khô ủ vào gốc cây; dùng các loại cây khác nhau làm cây che bóng, đặc biệt trong tái canh cà phê. Làm như thế, vừa có thể cung cấp chất hữu cơ, giảm bốc hơi nước, vừa đảm bảo cho việc giữ ẩm tốt hơn cho cây trồng.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh thăm mô hình tưới tiết kiệm huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

Thiếu vốn, tâm lý e ngại nên khó mở rộng

Mặc dù được đánh giá là những mô hình tốt và bà con nông dân có nhu cầu áp dụng để chống chọi với hạn hán ngày càng khắc nghiệt. Song, với chi phí ban đầu khá lớn, từ 50-80 triệu đồng/ha, đây là mức kinh phí mà không dễ gì nông dân có thể bỏ ra đầu tư, nhất là với cây cà phê. Hiện tại, dù giá cà phê đang tăng trở lại, khoảng 33.000-35.000 đồng/kg, nhưng với mức giá ấy người dân làm tốt mới hòa vốn, không có lời. Như vậy, nếu phải đầu tư một lúc với số tiền ít nhất là 50 triệu đồng/ha thì không mấy ai đủ sức để làm.

Với những hộ trồng hồ tiêu, dù với mỗi ha cà phê có thể đem lại thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, nhưng nếu để họ tự bỏ tiền ra đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt thì họ vẫn không dám. Trên toàn huyện Cư Kuin, nơi có khoảng 3.500 ha tiêu của tỉnh Đắk Lắk mới chỉ có duy nhất gia đình anh Trung áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. “Người dân sợ đầu tư vào hệ thống tưới như vậy tiêu sẽ chết. Bên cạnh đó, họ so sánh giữa các hệ thống tưới khác rẻ hơn, như tưới béc 4 gốc giá khoảng 2 triệu/sào trong khi tưới nhỏ giọt là 6-8 triệu đồng/sào” – anh Trung phân bua. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng tỏ ra e ngại về việc bảo vệ hệ thống tưới này. Bỏ ra một đống tiền đầu tư, nhưng nếu bị lấy cắp thiết bị hoặc phá hoại thì sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Thiếu vốn, lo bị phá hoại nên hiện có rất ít diện tích trồng cà phê, tiêu được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Hiệu quả tưới tiết kiệm nước đã rõ, nhưng để nhân rộng là điều không dễ dàng. Một doanh nghiệp than thở, qua 6 năm phát triển mô hình, đến nay doanh nghiệp này cũng chỉ mở rộng diện tích tưới tiết kiệm cho  84,5ha cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên.

Trong khi đó, hạn hán đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Tây Nguyên trong những năm vừa qua. Năm 2015, khu vực Tây Nguyên đã có gần 95.000hacây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt. Riêng tỉnh Đắk Lắk, năm 2015, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều phức tạp, nắng hạn đã gây cho tỉnh Đắk Lắk hơn 2.000 tỷ đồng. Ngay tại thời điểm này, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, nếu dự báo đến tháng 6/2016 mới có mưa thì dự kiến Đắk Lắk sẽ thiệt hại 80.000ha, trong đó chủ yếu là cây cà phê, các cây công nghiệp và 25.000 hộ dân thiếu nước.

Bàn cách đẩy mạnh ứng dụng

Trước yêu cầu bức bách về chống hạn, ngày 29/3, tại Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk đã họp bàn phương cách để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào trong sản xuất, góp phần giảm bớt thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây trồng. Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho hay: “Lượng nước mưa ở Tây Nguyên từ 1.800-2.000mm/năm. Cây cà phê chỉ cần tưới 1.500-1.800m3, tương đương 150mm. Nếu chúng ta giữ được một phần của 1.800-2.000mm thì chúng ta thừa sức tưới. Hiện nay, nguồn nước mặt ở Tây Nguyên mới chỉ đáp ứng được 30-40% nên nông dân bắt buộc phải sử dụng nước ngầm”.

Theo ông Báu, trong tương lai, các mô hình tưới tiết kiệm nước cần phải được nhân rộng và kênh khuyến nông của Nhà nước cũng phải quan tâm đúng mức cái này để nâng cao hiệu quả khai thác cây công nghiệp ở Tây Nguyên. “Đối với cây hồ tiêu, 1ha thu cà tỷ đồng thì trang thiết bị đầu tư ban đầu không là vấn đề gì hết. Vấn đề ở đây là phải thay đổi nhận thức cho nông dân. Muốn nông dân thay đổi thì phải có những mô hình để cho nông dân tham quan trực tiếp, như vậy họ sẽ sẵn sàng đầu tư” – ông Báu khẳng định.

Theo Thạc sỹ Trần Hùng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), hiện nay nhận thức của bà con về tưới tiết kiệm chưa đầy đủ, chi phí đầu tư ban đầu cao trong khi người dân lại thiếu vốn, thiếu kiến thức… nên còn e ngại khi đầu tư. “Về phía Nhà nước, chúng ta chưa có một chương trình hỗ trợ một cách tổng thể, nhất là chính sách khuyến khích về tài chính thì bà con nông dân mới áp dụng được. Chúng ta đã có Quyết định 68 của Thủ tướng, nhưng lãi suất cao khoảng 6-8%, hỗ trợ được lãi suất 2 năm đầu. Nhưng mắc nhất ở đây là ngân hàng đòi hỏi bà con phải có sổ đỏ, phải có dự án… và hạn mức cho vay khoảng 100 triệu đồng. Với số tiền đó không thể xây dựng một chuỗi trồng cà phê được. Đặc biệt, ngân hàng không cho vay tín chấp mà chỉ cho vay thế chấp, đây là một nút thắt cần phải tháo thì bà con sẵn sàng vay để đầu tư hệ thống tưới” – ông Hùng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo, trước mắt, cần tiết kiệm nước triệt để, tưới để duy trì, giữ lại các vườn cây; Thứ hai, tận dụng chất hữu cơ để ủ gốc nhằm giữ ẩm, tránh thoát hơi nước. Về lâu dài, giải pháp đưa ra là cần tăng cường các biện pháp tích trữ nước hiệu quả; hỗ trợ nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng… “Chúng ta đã thấy được hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật này. Rất đáng mừng bà con đã tiếp cận. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có những chính sách cụ thể làm sao thúc đẩy quá trình ứng dụng kỹ thuật mới này một cách nhanh hơn và rộng khắp hơn” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đã giao Viện Khoa học Thủy lợi chủ trì cùng các doanh nghiệp nghiên cứu căn bản các mô hình tưới tiết kiệm phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vùng trồng để sớm nhân rộng, phổ biến cho bà con nông dân áp dụng. Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên xây dựng gói kỹ thuật để phát triển các cây công nghiệp một cách bền vững.

Theo omard.gov.vn

Ý kiến góp ý: