Các tác động tiêu cực lên ĐBSCL sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với TP.HCM - Trung tâm Kinh tế - Tài chính phía Nam. Từ ngày 19-23/5, tại TPHCM, Bộ Tài Nguyên - Môi trường (TN-MT) Việt Nam phối hợp với Quỹ Đất ngập nước Mỹ, ĐH Quốc gia TPHCM, Đại sứ quán Hà Lan và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức Hội nghị "Đối thoại toàn cầu về châu thổ 2013". Trong ngày 21/5, phiên thảo luận đầu tiên đã tập trung vào các vấn đề liên quan tầm nhìn dài hạn cho phát triển khu vực ĐBSCL
Bức tranh nhiều màu tối
PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhận định ĐBSCL đang đối diện với các thách thức chưa từng có trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Vài đơn cử: đóng góp của nông nghiệp trong toàn bộ GDP giảm từ 42% năm 2005 xuống còn 30% vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người từ 115% so với bình quân cả nước năm 1999 đã giảm xuống chỉ còn 85% vào năm 2010, cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là giao thông, cả giao thông thủy và bộ (km trên 1.000 dân) chỉ đạt khoảng 70% so với giá trị bình quân cả nước. Việc sản xuất hơn 25 triệu tấn lúa và xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo vào năm 2012 đã không làm cho vùng đồng bằng này vững chắc hơn. Tỉ lệ lao động thất nghiệp hiện đang cao hơn bình quân cả nước đến hơn 20%.
Trong những điều kiện khó khăn đó, tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động nhân sinh trên thượng nguồn đều có khả năng ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của ĐBSCL. Thêm vào đó, hàng loạt hồ chứa thủy điện, sản xuất nông nghiệp sẽ được hình thành trong tương lai trên thượng nguồn sông Mê Kông sẽ làm cho tình trạng thiếu nước vào mùa khô và ngập lũ vào mùa mưa càng thêm khó kiểm soát. Trong khi đây là khu vực dễ tổn thương nhưng rất khó đảo ngược. Mô hình phát triển nào sẽ phù hợp cho ĐBSCL đang đứng trước một tương lai đầy bất trắc như vậy? Chưa kể, trung tâm kinh tế - tài chính phía Nam là TPHCM cũng nằm trong đồng bằng Mê Kông. Vì thế, các tác động tiêu cực lên ĐBSCL chắc chắn sẽ gây sức ép đối với TPHCM.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai cho hay lưu vực sông Mê Kông đã trở thành 1 trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán. Hiện nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu, Châu Đốc, tỉnh An Giang và là điều chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ. Theo kịch bản về biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đến năm 2100, nước biển có thể dâng cao 1 m, làm mất 40% diện tích ĐBSCL. Các thách thức trên đang ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Cân nhắc về đê biển
Ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM, cho hay những gì đang diễn ra tại ĐBSCL cũng đang diễn ra với đồng bằng Mississippi của Mỹ. Đồng bằng Mississippi đang đối mặt với tốc độ xói mòn tương đương một sân bóng mỗi giờ và đang được bảo vệ bằng các đê bao. Tuy nhiên, hệ thống đê đập này đang ngăn các trầm tích và chất dinh dưỡng để hỗ trợ cho một hệ sinh thái. Nếu hệ sinh thái này tiếp tục bị tàn phá, sự hỗ trợ mà nó mang đến cho hệ thống giao thông thủy cũng như đê đập dần mất đi.
“Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề hóc búa: Làm thế nào để cân bằng giữa tận dụng mọi nguồn lợi của một dòng sông nhưng vẫn duy trì được sự ổn định lâu dài của nó? Mỹ tích cực hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hệ sinh thái, ổn định tại khu vực ĐBSCL. Cụ thể, thông qua sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông, sẽ hỗ trợ nỗ lực hợp tác để giải quyết những mối quan tâm, xuyên quốc gia của Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan” - ông Ân cho hay.
Đồng quan điểm, đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho rằng vấn đề xói mòn không thể đảo lộn ở Kiên Giang, Cà Mau không phải là tác động của biến đổi khí hậu mà hậu quả từ các hoạt động phát triển kinh tế, vì thế các mô hình phát triển kinh tế trong tương lai của khu vực này cần được lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề ngập úng, việc xây đê biển có thể là hợp lý. Tuy nhiên, nếu xây đê biển cứng bằng xi măng sẽ “giết chết” hệ thống rừng ngập mặn ven biển, do đó nên suy nghĩ về dạng đê bao mềm như một tuyến phòng hộ bờ biển chẳng hạn và không quên phát triển hệ thống rừng ngập mặn.
4 kịch bản phát triển cho ĐBSCL TS Martijn van de Groep, đại diện dự án Mê Kông (chính phủ Hà Lan), cho hay phiên bản 2 về quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL (13 tỉnh - thành) đã được hoàn thiện, trong đó xây dựng được 4 kịch bản phát triển cho ĐBSCL theo hướng tích hợp phát triển đa ngành. Dự kiến phiên bản này sẽ được trình bày tại diễn đàn hợp tác ĐBSCL vào tháng 6 - 2013 và trình lên chính phủ 2 nước Việt Nam và Hà Lan vào tháng 11- 2013, sau đó sẽ được đưa ra tham vấn các cơ quan Trung ương và cộng đồng địa phương. |
Theo www.nld.com.vn