TextBody
Huy chương 2

Nhu cầu nước, chế độ tưới thích hợp cho lúa được canh tác theo phương pháp truyền thống và cải tiến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ

04/04/2012

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu nhu cầu nước và chế độ tưới thích hợp cho lúa được canh tác theo phương pháp truyền thống và cải tiến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, chế độ tưới nông, lộ, phơi thích hợp cho lúa nước trong khu vực, đặc biệt đối với lúa chiêm xuân. Với các thông số kỹ thuật canh tác hiện tại, không có sự khác nhau rõ rệt giữa nhu cầu nước của lúa được canh tác theo 02 phương pháp này.

I. Giới thiệu

Nước ta là nước nông nghiệp gắn với nền văn hoá lúa nước. Trình độ sản xuất lúa của ở Việt Nam được đánh giá là tương đối cao so với nhiều nước khác. Mặc dù vậy, từ năm 2003, phương pháp canh tác lúa nước cải tiến (System Rice Intensification -SRI) bắt đầu được thử nghiệm ở nước ta. Yêu cầu kỹ thuật canh tác theo SRI được đặc trưng bởi mật độ gieo cấy thưa, tuổi mạ non và chế độ nước luôn kết hợp giữa lớp nước nông, lộ và phơi ruộng. Thực tế kỹ thuật canh tác triển khai ở các nước khá khác nhau, đặc biệt là tuổi mạ và mật độ gieo cấy. Chẳng hạn, Butan: từ 20x20 cm đến 30x30 cm; Thái Lan: 25x25 cm; Philippines: 25x25 cm; Ấn Độ: 20x15 cm; Trung Quốc: từ 25x25 cm đến 50x50 cm và ở Việt Nam: từ 16x16 cm đến 42x42 cm [1], [5], [6], [7], [8], [9], [10].

Đánh giá kết quả triển khai SRI, giai đoạn 2003-2009 của Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, SRI có hiệu quả vượt trội so với phương pháp canh tác thông thường [1]. Cụ thể, lượng thóc giống giảm từ 50 đến 90%; phân đạm giảm 20 đến 25%; tăng năng suất bình quân 9 đến 15%. Canh tác theo SRI cũng hạn chế được dịch hại phát triển đồng thời tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa. Lợi nhuận thu được của ruộng áp dụng SRI tăng trung bình so với phương pháp canh tác theo tuyền thống là trên 2 triệu đồng/ha, giá thành/kg thóc giảm trung bình 342 đồng đến 520 đồng. Ngoài các lợi ích trên đây, tiết kiệm nước tưới cũng được xem là một tiêu chí quan trọng khi xem xét lựa chọn kỹ thuật canh tác theo SRI, đặc biệt đối với những vùng có điều kiện khó khăn về nguồn nước. Với kết quả đạt kinh tế được khá cao như vậy, đến năm 2009, diện tích lúa được canh tác theo SRI đã được mở rộng với diện tích là 85,422 ha. Trong đó, canh tác theo SRI đã trở nên khá phổ biến ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ (84,305 ha).

 Cũng theo các công bố trên đây, lợi ích sản xuất lúa theo phương pháp SRI cũng thể hiện tương đối tích cực nhưng khá biến động giữa các vùng khác nhau. Kết quả nghiên cứu trên đây của các học giả có thể dẫn đến nhận định là môi trường và trình độ canh tác ở một khu vực cụ thể có sự liên hệ chặt chẽ với hiệu quả của phương pháp canh tác này. Do vậy có nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả sản xuất lúa và yêu cầu kỹ thuật theo phương pháp canh tác cải tiến vẫn cần được tiếp tục kiểm nghiệm. Với vấn đề đang được đề cập, bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về nhu cầu nước và chế độ tưới thích hợp cho lúa được canh tác theo phương pháp truyền thống và cải tiến, hiện cũng phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

II. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Lựa chọn địa điểm và điều kiện thí nghiệm

Thí nghiệm được bố trí tại cánh đồng xã Hồng Giang, Huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Khu vực này nằm kẹp giữa ngã ba sông Cầu, sông Thương và dãy núi Nham Biền nên mực nước ngầm tương đối thấp. Với vị trí khu vực thí nghiệm được lựa chọn, việc tiêu nước để tránh úng ngập cho lúa trong thời gian thí nghiệm là rất thuận tiện.

Đất đai của khu vực thí nghiệm được hình thành do quá trình rửa trôi, xói mòn bề mặt xảy ra trong tự nhiên và quá trình canh tác nông nghiệp. Đất ruộng có cao độ trung bình dao động từ +2.0 đến +4.0 và phân bố ở hầu hết các xã trên hệ thống. Đất ở loại này chủ yếu là đất sét nhẹ, sét nặng. Hàm lượng mùn, đạm, kali, lân ở tầng đất canh tác rất cao. Đất đai ở vùng này được đánh giá là rất thích hợp với canh tác lúa. Các tầng đất dưới tầng canh tác rất nghèo dinh dưỡng và các khoáng chất khác. Vì vậy, bộ rễ hữu ích của cây trồng (lúa) chủ yếu tập trung ở tầng đất mặt.

Bảng 1. Các biện pháp thâm canh lúa ở khu vực nghiên cứu

Truyền thống

SRI

Số khóm/ m2

Số rảnh/ m2

Mật độ (cm)

Tuổi mạ (ngày)

Số khóm/ m2

Số rảnh/ m2

Mật độ (cm)

Tuổi mạ (ngày)

33,3

133,2

15x20

>20

20

40

20x25

8 đến 10

Nguồn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn huyện Yên Dũng, 2008

Cũng như tình hình chung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, 2 vụ lúa chính với các biện pháp canh tác lúa chủ yếu là i) truyền thống và ii) thâm canh cải tiến (SRI) đang được triển khai phổ biến ở khu vực nghiên cứu. Điểm khác biệt cơ bản của 2 biện pháp canh tác này như trình bày trong bảng 1.

Thực tế, phương pháp canh tác truyền thống hiện nay thường gắn liền với chế độ tưới nông thường xuyên. Trong khi đó, tưới nông, lộ, phơi kết hợp là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với phương pháp canh tác SRI.

2.2. Bố trí thí nghiệm

i) Xác định quy mô thí nghiệm (số lượng treatments)

Nghiên cứu tưới thực nghiệm cho lúa được triển khai theo cả 2 phương pháp canh tác truyền thống và cải tiến (SRI). Các ô thí nghiệm tưới hạn chế được áp dụng các chế độ tưới khác nhau (tưới nông thường xuyên: NTX; tưới nông, lộ, phơi: N, L, P) và luân phiên theo 4 thời kỳ sinh trưởng của lúa. Theo công thức tưới này, lớp nước lớn nhất trên mặt ruộng là 70mm và độ ẩm tối thiểu cần tiến hành đợt tưới tiếp theo là 60% độ ẩm tối đa đồng ruộng.

Để hạn chế sự thiên lệch của chế độ nước đến nhu cầu nước của cây trồng ở từng thời kỳ sinh trưởng, các ô thí nghiệm được thiết kế thành từng cặp đối xứng nhau tương ứng với 2 chế độ tưới đã đề cập. Các ô đối chứng được tưới theo kinh nghiệm phổ biến hiện nay, chế độ tưới NTX được áp dụng ở cả 04 thời kỳ. Như vậy, với mỗi biện pháp canh tác sẽ có 16 ô thí nghiệm tưới theo chế độ ngập thường xuyên và nông, lộ, phơi kết hợp và 5 ô đối chứng (tưới theo kinh nghiệm của người dân địa phương).

ii) Xác định các biến số

Như đặt vấn đề trên đây, biến số chính cần được xác định là nhu cầu nước của lúa (ETa) ứng với các phương pháp canh tác khác nhau. ETa được xác định từ phương trình cân bằng nước tại mặt ruộng:

M = ETa + Wn(ôđ) – Rfe – Qđ – Nmq ± ∆Qnn ± ∆a (1)

Trong đó:

M: Lượng nước tưới (mm); Rfe: Lượng nước mưa (mm); Nmq: Lượng nước hút lên tầng đất canh tác do mao quản. (mm); ETa: Nhu cầu nước của cây trồng hay bốc thoát hơi tại mặt ruộng (mm) [4]; Qđ: Dòng chảy mặt đến tương đương (mm); Wn(ôđ): Dòng thấm đứng tương đương (mm); ∆Qnn: Dòng chảy ngầm vào (ra) tầng đất canh tác sau khi quy đổi (mm); ∆a: Lượng nước tương đương trữ lại (rút ra) ở tầng đất canh tác (mm).

iii) Thời gian triển khai thí nghiệm:

Thí nghiệm được triển khai với 4 vụ lúa chiêm và lúa mùa trong 2 năm: 2008, 2009.

iv) Thiết kế theo dõi động thái nước trong các ô thí nghiệm

Để thuận tiện và nâng cao độ chính xác khi triển khai thí nghiệm, khu thí nghiệm được bố trí như sau (hình 1). Khu thí nghiệm được đặt ở vị trí cách xa khu vực dân cư. Các ô thí nghiệm có kích thước giống nhau (5,0x5,0m), theo hình bàn cờ. Các ô thí nghiệm được cách nhau bởi hệ thống bờ bao và kênh thoát nước.

Bờ bao các ô thửa có mặt cắt hình thang ((0,6+0,2)x0,2 m). Trước khi làm đất, các bờ bao được đắp và đầm nện chặt. Phía trong các bờ bao được phủ bằng linon, từ đỉnh bờ sâu xuống hết tầng đất canh tác. Mái trong bờ được miết bằng lới đất sét, phủ bên ngoài lớp linon. Với cách bố trí thí nghiệm như vậy, hao nước trong ô thí nghiệm chỉ bao gồm 2 thành phần chính là bốc thoát hơi nước và ngấm sâu (thấm đứng).   

Từ cách lựa chọn vị trí và bố trí thí nghiệm trên đây, các đại lượng cần phải quan trắc bao gồm: M, Rfe, Nmq, Wt(ođ), a.

v) Phương pháp và thiết bị theo dõi thí nghiệm:

Tương ứng với các đại lượng cần quan trắc, phương pháp và thiết bị thí nghiệm được sử dụng như sau:

- Lượng nước tưới (M): đo bằng đồng hồ đo nước kết hợp với thuỷ trí;

- Lượng mưa và mưa hiệu quả (Rfe): đo bằng máy đo mưa tự ghi và thuỷ trí;

- Nước mao quản (Nmq) và Wt(ođ) được tính toán bằng phương pháp bán thực nghiệm. Theo đó, các đại lượng này được xác định thông qua lớp nước mặt ruộng và độ ẩm tức thời ở tầng đất canh tác.

 Ở đây, thuỷ trí được gắn tại các ô thí nghiệm

2.3 Phương pháp phân tích số liệu

Nghiên cứu này sử dụng các hàm thống kê để phân tích số liệu bao gồm: hàm hồi qui, ANOVA (được tích hợp trong phần mềm SPSS).

III. Kết quả và thảo luận

3.1. Quá trình sinh trưởng của lúa

Cũng giống mùa vụ thực tế trong vùng, lịch gieo trồng đối với các ô thí nghiệm như sau:

Bảng 2. Lịch gieo cấy lúa của khu thí nghiệm 

Lúa chiêm xuân

Lúa mùa

2008

2009

2008

2009

12 tháng 03

16 tháng 02

09 tháng 07

15 tháng 07

Lịch gieo cấy này được áp dụng thống nhất đối với cả lúa được canh tác theo phương pháp truyền thống và phương pháp cải tiến (SRI). Mặc dù vậy, do điều kiện thời tiết và các quá trình sinh học của cây trồng khác nhau nên thời gian sinh trưởng của lúa cũng tương đối khác nhau giữa các vụ, giữa phương pháp canh tác. Theo dõi diễn biến phát triển của lúa ở 4 vụ thí nghiệm, quá trình phát triển của lúa được tổng hợp lại theo bảng 3.

Với cả 2 phương pháp canh tác, thời kỳ biến động lớn xảy ra trong các giai đoạn từ Cấy → Đẻ nhánh; Đẻ nhánh → Làm đòng và Làm đòng → Trỗ. Thời kỳ cuối cùng, từ Trỗ → Chín ít biến động hơn (bảng 3). Trong một vụ cụ thể, sự khác biệt về thời gian sinh trưởng giữa lúa canh tác theo phương pháp truyền thống và phương pháp SRI chỉ xảy ra ở thời kỳ thứ 2 (từ Đẻ nhánh → Làm đòng).

3.2. Cân bằng nước tại mặt ruộng

Trong thí nghiệm này, cân bằng ở các ô thí nghiệm được thiết lập trên cơ sở phương trình (1) với thời đoạn là 1 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng nước mao quản và nước phải tiêu đi ở các ô thí nghiệm rất nhỏ. Hầu hết các ô thí nghiệm không phải tiêu nước mưa trong các vụ thí nghiệm. Số liệu quan trắc trực tiếp ở địa điểm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tổng lượng mưa trong những tháng vụ chiêm xuân năm 2008 là 341,0 mm và vụ chiêm xuân năm 2009 là 308,4 mm. Trong khi đó, vụ mùa năm 2008 có tổng lượng mưa là 381,0mm và 319,0 mm đối với vụ mùa năm 2009. Những trận mưa có giá trị lớn (không quá 75mm) thường độc lập với các trận mưa khác. Chỉ các trận mưa có giá trị nhỏ là rải ra một vài ngày nhưng tổng lượng không quá lớn.

Tổng lượng nước ngấm sâu trung bình ở các ô thí nghiệm trong vụ chiêm xuân là 56,3 mm/vụ, ở các ô thí nghiệm vụ mùa là 63,0 mm/vụ. Tổn thất do ngấm thường xảy ra lớn hơn trong vụ mùa nhưng tổng lượng nước hao lại nhỏ hơn so với vụ chiêm xuân. Điều đó có nghĩa là nhu cầu nước tại mặt ruộng vụ chiêm xuân cao hơn so với vụ mùa.

Nhu cầu nước trung bình của lúa vụ chiêm xuân được xác định trong 2 năm thí nghiệm là 456,4 mm/ vụ. Ở vụ mùa, bốc thoát hơi nước trung của các ô thí nghiệm trong thời gian tương ứng chỉ là 432,4 mm/vụ. Bốc thoát hơi nước lớn nhất trong các ô thí nghiệm đối với lúa canh tác theo phương pháp truyền thống ở vụ chiêm xuân có giá trị lớn nhất là 717,8 mm/vụ và nhỏ nhất là 193,9 mm/vụ. Cũng ở vụ này, lúa ở các ô thí nghiệm canh tác theo phương pháp cải tiến có lượng bốc thoát hơi nước lớn nhất và nhỏ nhất tương ứng là 708,7 mm/vụ và 303,5 mm/vụ. Đối với vụ mùa, các cặp số liệu bốc thoát hơi nước lớn nhất, nhỏ nhất của các ô thí nghiệm lúa canh tác theo các phương pháp truyền thống và cải tiến lần lượt là 472,1 mm/vụ, 335,0 mm/vụ và 645,4 mm/vụ, 321,1 mm/vụ.

3.3. Quan hệ giữa nhu cầu nước của lúa và năng suất

Câu hỏi được đặt ra là: với rất nhiều mức tưới tương ứng với các chế độ tưới đã được thử nghiệm thì nhu cầu nước của lúa được xác định như thế nào? Thực tế có nhiều quan điểm cho rằng, đại lượng này có thể xác định bằng giá trị nhu cầu nước trung bình giữa các ô thí nghiệm (treatments). Tuy nhiên, có thể nhận thấy phương pháp không thực sự thuyết phục nếu xem xét đến cơ sở đề xuất mức tưới thí nghiệm và đặc tính sinh học của cây trồng.

Nhu cầu nước của cây trồng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: môi trường đất; kỹ thuật chăm sóc; đặc điểm thời tiết, khí tượng; các quá trình sinh hoá trong cây. Trong khi hầu hết các yếu tố ngoại cảnh được xem là tương đối giống nhau ở khu thí nghiệm thì các quá trình đồng hoá và hô hấp của lúa xảy ra tương đối khác nhau giữa các ô. Theo nguyên lý chung, nhu cầu nước càng lớn thì sinh khối và năng suất cây trồng càng cao. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra trong điều kiện canh tác lý tưởng, tại đó hai quá trình đồng hoá và hô hấp không hạn chế lẫn nhau hoặc sự phát triển của cây này không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các cây khác (chẳng hạn: quang hợp cạnh tranh do độ che phủ giữa các tầng lá). Hay nói cách khác, nếu các yếu tố cần thiết cho quá trình đồng hoá (sử dụng nước và ánh sáng tạo ra chất hữu cơ) ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của lúa (sử dụng chất hữu cơ tích luỹ trong cây, ôxi trong không khí và làm thoát hơi nước) hoặc ngược lại thì năng suất cây trồng sẽ giảm so với điều kiện canh tác lý tưởng [2], [3]. Với kỹ thuật canh tác ở khu thí nghiệm và đang được triển khai phổ biến ở đồng ruộng thì vấn đề này vẫn chưa có điều kiện để kiểm chứng. Do vậy, kết quả nghiên cứu ở đây có thể chịu tác động của quy luật nói trên.

Hầu hết các phương trình hồi qui đều có dạng bậc 2 có độ tin cậy khá cao, R2 dao động từ 0,7033 đến 0,8278. Như vậy, ở rất nhiều ô thí nghiệm, bốc thoát hơi nước của lúa đã vượt quá ngưỡng tối ưu. Tại đó, lúa phát triển ở mức mà quá trình hô hấp trội hơn quá trình đồng hoá. Tức là tỷ lệ chất hữu cơ tích luỹ và nước sử dụng cho các hoạt động sống của cây quá lớn (thường là 40% [2]). Từ kết quả phân tích trên đây, bốc thoát hơi nước tương ứng với năng suất lớn nhất của lúa canh tác theo 2 phương pháp trong các vụ chiêm xuân và mùa được xác định như bảng 4.

Bảng 4. Năng suất lúa  lớn nhất và lượng bốc thoát hơi nước tương ứng

Các đại lượng

Truyền thống

SRI

vụ chiêm

vụ mùa

vụ chiêm

vụ mùa

Ymax (tạ/ha)

78,60

54,80

65,08

53,40

ETamax (mm/vụ)

428,38

406,34

493,41

448,98

Vấn đề tiếp tục được quan tâm là: với các phương pháp và kỹ thuật canh tác đã xác định, nhu cầu sử dụng nước của lúa có thực sự khác nhau không? Để trả lời câu hỏi này, nghiên cứu đã sử dụng hàm ANOVA để so sánh tập hợp các mẫu số liệu, giữa lượng bốc thoát hơi nước của các ô thí nghiệm canh tác theo các phương pháp. Kết quả so sánh được tổng hợp trong bảng 5.

Bảng 5. So sánh bốc thoát hơi nước của lúa theo các phương pháp canh tác

TT

Vụ

Tổng bình phương

Chênh lệch

Trung bình bình phương

F

Mức ý nghĩa

1

Chiêm xuân

578.027,3

37

15.622,36

1,352

0,516

2

Mùa

60.567,0

39

1.553,00

-

-

Đánh giá ở mức ý nghĩa 0,05 (significant at 0,05 level) cho thấy, không tồn tại sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tập hợp số liệu nhu cầu nước của lúa vụ chiêm xuân ở các ô thí nghiệm được canh tác theo phương pháp truyền thống và SRI (ở đây, mức ý nghĩa đạt được là 0,516). Quan hệ giữa các tập hợp số liệu này cũng tương tự đối với lúa vụ mùa (không xác định được mức ý nghĩa).

Kết quả phân tích trên đây có thể nảy sinh yêu cầu cần xem xét lại công bố cho rằng, nhu cầu nước của lúa khi canh tác lúa theo SRI thấp hơn so với lúa canh tác theo phương pháp truyền thống. Song cũng cần lưu ý là kết luận trên đây được các học giả đánh giá trên cơ sở phương pháp canh tác theo SRI có điều kiện ngoại cảnh, mật độ, giống lúa khác so với thông số kỹ thuật canh tác ở khu vực nghiên cứu (mật độ gieo cấy ở đồng bằng Bắc Bộ là 20x25 cm, cao hơn so với nhiều khu vực khác ở trong nước và trên thế giới).

3.4. Chế độ tưới thích hợp cho lúa và diễn biến nước trên mặt ruộng

Như trình bày trước đây, các ô thí nghiệm được thiết kế để tưới với các chế độ: NTX; N,L,P. Trong số các ô thí nghiệm (42 ô mỗi vụ) được triển khai nghiên cứu đã xuất hiện những ô có năng suất lúa cao mặc dù nhu cầu dùng nước không phải là lớn nhất. Rõ ràng, chế độ tưới trong các ô đó thích hợp nhất đối với phát triển và năng suất lúa được canh tác theo kỹ thuật phổ biến hiện nay. Từ số liệu quan trắc thực tế, diễn biến nước trên mặt ruộng tại các ô thí nghiệm có năng suất lớn nhất được trình bày trong hình 5 và bảng 6 dưới đây.

Bảng 6. Chế độ tưới thích hợp cho lúa

Thời kỳ

Canh tác theo phương pháp truyền thống

Canh tác theo phương pháp cải tiến

vụ chiêm xuân

vụ mùa

vụ chiêm xuân

vụ mùa

1

NTX

N,L

N,L

NTX

2

N,L,P

N,L

N,L,P

N,L,P

3

N,L,P

N,L

N,L,P

N,L,P

4

N,L,P

N,L,P

N,L,P

N,L,P

Về tổng lượng nước cần cung cấp cho lúa (bao gồm mưa hiệu quả và tưới) của các ô thí nghiệm có năng suất lớn nhất cũng được tổng hợp như trong bảng 7.

Bảng 7. Tổng lượng nước mưa và tưới thích hợp cho lúa

Đơn vị

Canh tác theo phương pháp truyền thống

Canh tác theo phương pháp cải tiến

vụ chiêm xuân

vụ mùa

vụ chiêm xuân

vụ mùa

m3/ha/vụ

4.759,7

4.410,0

5.165,7

4.955,0

Từ số liệu trong bảng 7, tổng lượng nước cần cung cấp cho lúa (tại mặt ruộng) được canh tác theo phương pháp cải tiến không nhỏ hơn so với lúa được canh tác theo truyền thống. Tương tự khi so sánh về nhu cầu nước, kết quả này trái với một số công bố, cho rằng, canh tác lúa theo SRI có thể tiết kiệm nước tưới hơn so với phương pháp truyền thống.

IV. Kết luận và kiến nghị

Với phương pháp và kỹ thuật canh tác hiện tại, nhu cầu nước của lúa chiêm xuân vùng đồng bằng Bắc Bộ dao động từ 428,38 đến 493,41 mm/vụ (4.283,8 đến 4.934,1 m/ha/vụ ). Đối với lúa mùa, nhu cầu nước của lúa dao động từ 4.063,4 đến 4.489,8 m3/ha/vụ. Sự khác biệt về nhu cầu nước giữa hai phương pháp canh tác truyền thống và SRI trong điều kiện thí nghiệm và thực tế ngoài đồng ruộng hiện nay chưa thật sự rõ ràng.

Chế độ tưới N,L,P hoàn toàn thích hợp đối với tất cả các loại lúa chiêm xuân và lúa mùa được canh tác theo phương pháp cải tiến. Chế độ tưới này không mấy thích hợp với lúa mùa được canh tác theo phương pháp truyền thống. Theo đó, lúa mùa canh tác theo phương pháp truyền thống có năng suất cao nếu chỉ tiến hành tưới “nông” và “lộ” (N,L), dù thời gian lộ ruộng rất ngắn. Ở thời kỳ cuối, khi mà nhu cầu dùng nước của lúa nhỏ thì có thể để ở chế độ phơi ruộng. Để ruộng cạn nước trong thời gian này cũng thích hợp đối với lúa mùa được canh tác theo phương pháp truyền thống.

Tưới nông, lộ, phơi được khuyến cáo là yêu cầu kỹ thuật bắt buộc khi canh tác lúa theo SRI. Vì lý do đó, khả năng tiết kiệm nước khi triển khai canh tác lúa theo SRI sẽ trở nên hiển nhiên nếu so sánh với phương pháp canh tác truyền thống đang được triển khai ngoài đồng ruộng. Thực tế là lúa canh tác theo phương pháp truyền thống thường áp dụng chế độ tưới nông thường xuyên với công thức tăng sản từ 0 đến 100 mm, mất nhiều nước. Dẫu vậy, việc công bố về khả năng tiết kiệm nước khi canh tác lúa theo SRI cần hết sức thận trọng.

Các nội dung nghiên cứu này cần tiếp tục được triển khai và nên tập trung xem xét một cách thấu đáo, toàn diện về ảnh hưởng của mật độ, tuổi mạ đến năng suất, hiệu quả sản xuất lúa và nhu cầu sử dụng nước thực tế làm cơ sở lựa chọn phương pháp canh tác thích hợp (đặc biệt trong điều kiện nguồn nước hạn chế).

Tài liệu tham khảo

[1] Cục Bảo vệ Thực vật, 2009. Kết Quả Ứng Dụng Hệ Thống Canh Tác Lúa (System Rice Intensification - SRI). Trang tin điện tử của Cục Bảo vệ Thực vật http://www.ppd.gov.vn/ data/upload/document/1287979532_SRI%20den%20DX %2009.doc

[2] Nguyễn Kim Thanh, 2005. Giáo Trình Sinh Lý Thực Vật. Nhà xuất bản Hà Nội. 299 trang.

[3] Dirk Raes et al., 2006. Simulation of Yield Decline as A Result of Water Stress With a Robust Soil Water Balance Model. ELSEVIER. Agricultural Water Management 81 (2006). pp. 335–357.

[4] FAO, 1986. Irrigation Water Management: Irrigation Water Needs. Trainning manual No.3. Publications Division, Food and Agriculture Organization of the United Nations, Via delle Terme di Caracalla, 00100 Rome, Italy. 102 pages.

[5] Karma Llendup et al., 2008. Yield Response of Rice under Systems of Rice Intensification. Journal of Renewable Natural Resources. Volume No.4, Number 1, Aug 2008. pp: 37-47.

[6] Phrek Gypmantasiri, 2002. Experience With The System of Rice Intensification in Northern Thailand. Country Report. Cornell International Institute for Food, Agriculture and Development; posted in webpage: http://ciifad.cornell.edu/sri.

[7] Robert Gasparillo, 2002. SRI Experience in the Philippines. Country Report. Cornell International Institute for Food, Agriculture and Development; posted in webpage: http://ciifad.cornell.edu/sri.

[8] Shambu Prasad, 2006. System of Rice Intensification in India: Innovation History and Institutional Challenges. New Concept Information Systems Pvt. Ltd.

[9] Uphoff N., 2007. Reducing The Vulnerability of Rural Households Through Agroecological Practices: Considering the System of Rice Intensification (SRI). Mondes en Développement, 35: 4.

[10] Yan Qingquan, 2002. The System of Rice Intensification and Its Use with Hybrid Rice Varieties in China. Country Report. Cornell International Institute for Food, Agriculture and Development; posted in webpage: http://ciifad.cornell.edu/sri.


Tác giả: PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn, ThS. Trần Văn Đạt, KS. Trần Việt Dũng
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: