Những bất cập trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước ở miền trung, Tây Nguyên
13/06/2011Lượng mưa ngày càng ít do biến đổi khí hậu, rừng đầu nguồn bị tàn phá, hệ thống kênh mương, thủy lợi xuống cấp, việc quản lý và khai thác tài nguyên nước chưa hiệu quả..., đang là những nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn nước tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên. Nếu không có sự quản lý thống nhất và đồng bộ, nguồn tài nguyên quý giá này có nguy cơ phá vỡ nền sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của hàng triệu nông dân.
Lời cảnh báo từ những dòng sông
Các tỉnh miền trung và Tây Nguyên hiện có hàng chục công trình thủy lợi - thủy điện lớn nhỏ, cung cấp một lượng nước tưới lớn cho hàng trăm nghìn ha lúa, màu, cây công nghiệp, cấp điện và nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân, góp phần cải tạo môi trường, khí hậu và hình thành nhiều đô thị mới, các khu du lịch văn hóa, sinh thái... Tuy nhiên, với số lượng lớn các công trình thủy lợi - thủy điện trên các sông tại miền trung và Tây Nguyên, trong những tháng mùa khô, để bảo đảm đủ nước phát điện, các công trình thủy điện đã tiến hành tích nước làm cho hầu hết các dòng sông trên địa bàn bị cạn kiệt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa khô năm 2010, hạn hán đã xảy ra gay gắt tại khu vực này. Hầu hết các tỉnh miền trung đều lâm vào tình cảnh khô hạn. Tại vùng trung du, miền núi, nước sinh hoạt cũng cạn kiệt, chưa kể các cửa sông bị xâm mặn nghiêm trọng khiến đời sống người dân điêu đứng. Báo cáo của các tỉnh, thành phố miền trung cho thấy, nắng nóng kéo dài đã khiến toàn bộ các hồ, sông suối trên địa bàn cạn kiệt. Các con sông lớn như Trà Khúc, Vu Gia, Thu Bồn đều thiếu nước. Tại đập Thạch Nham - công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, có thời điểm, mực nước xuống thấp hơn tràn một mét. Vùng hạ lưu các con sông lớn tại Quảng Nam như Thu Bồn, Vu Gia cạn kiệt nguồn nước, mặn xâm nhập sâu, làm hàng triệu người dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất. GS, TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Việt Nam lo ngại: Thực tế, hiện nay tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những lưu vực sông chính như sông Đồng Nai, sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn... thấp hơn trung bình hằng năm từ 15 đến 40%. Riêng các sông ở Nam Trung Bộ như Bình Định, Bình Thuận hiện nay lượng dòng chảy thấp hơn trung bình hằng năm đến 55-80%. Chưa bao giờ vấn đề tài nguyên nước tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên lại đáng báo động như hiện nay.
Cuối tháng 5-2011, mặc dù đang là mùa mưa nhưng tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên tình hình hạn hán vẫn diễn ra khá gay gắt. Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Lương cho chúng tôi biết, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh không đáng kể đã gây ra khô hạn trên diện rộng. Mực nước các ao, hồ, sông suối đã xuống mức rất thấp. Mực nước các hồ chứa nước phục vụ thủy lợi, thủy điện lớn như Ayun Hạ, Ia M'la, Biển Hồ, Ia Ly, Sê San 3... chỉ đạt khoảng 50-60% mức nước so cùng kỳ nhiều năm và một số nơi cũng đã cạn kiệt nguồn nước. Tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp chế biến và phát điện đã diễn ra gay gắt. Hiện toàn tỉnh đã có gần 20 nghìn ha cây trồng bị hạn, trong đó hơn 4.000 ha bị mất trắng. Tại Gia Lai, chúng tôi được chứng kiến tận mắt nỗi khổ của bà con nông dân vừa phải một mặt tìm nguồn nước tưới cây, một mặt phải vội vàng thu hoạch sớm những cây trồng không còn khả năng chịu hạn. Theo chuyến xe đò chạy từ Plây Cu xuống huyện An Khê, dọc hai bên đường 19 tình hình hạn hán đã trở nên khá nghiêm trọng. Nhiều cánh đồng trồng hồ tiêu, ớt, cà-phê khô nứt nẻ, thỉnh thoảng bắt gặp những đoàn xe tải ì ạch chở mía do nông dân thu hoạch 'tránh hạn' chạy vào phía Nhà máy đường An Khê. Chị Huỳnh Thị Ngọc, trú tại phường An Phú, thị xã An Khê tâm sự: Năm nay nhiều nông dân ở An Khê bị mất mùa, do thu hoạch hồ tiêu và cà-phê chậm vì nắng hạn đã kéo dài thời gian thu hoạch của cây trồng.
Nằm trên thượng nguồn sông Ba có hai nhà máy thủy điện An Khê, Ka Nak. Thủy điện An Khê nằm ở huyện An Khê (Gia Lai) và huyện Tây Sơn (Bình Định), có công suất 160 MW. Thủy điện Ka Nak nằm ở huyện K'Bang (Gia Lai) có công suất 13 MW. Cả hai công trình đều nằm ở bậc thang trên cùng của hệ thống thủy điện trên sông Ba. Vào mùa hạn, khi Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak tích nước đã làm dòng sông Ba hoàn toàn cạn kiệt. Phía hạ lưu của sông, khu vực giáp với Nhà máy đường An Khê, rất nhiều người dân ở đây phàn nàn về sự ô nhiễm môi trường do sông Ba không còn nước. Từ An Khê, Gia Lai xuống Bình Định, đi dọc sông Kôn, chúng tôi nhận thấy dòng sông này cũng cùng chung số phận với sông Ba, hầu hết các đoạn sông đều không có nước, cỏ mọc ra tận giữa sông. Nước sông Kôn cạn kiệt khiến cho sự trù phú của các làng mạc ven sông nay bị ảnh hưởng đáng kể. Các nghề truyền thống dọc sông Kôn phát triển dựa vào sự thông thương, nức tiếng nhờ nguồn nước sông Kôn, như làng rượu Bàu Đá, Cù Lâm - xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn (Bình Định) làng nghề truyền thống tiện gỗ mỹ nghệ thôn Bắc Nhạn Tháp, làng rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá - An Nhơn), nghề đan tre thôn Quan Quang (xã Nhơn Khánh), nghề làm bún Song Thần... nay người dân cũng truân chuyên, vất vả vì sông đã 'thay dòng'. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Hồ Ngọc Hùng cho biết, tại Bình Định lượng nước các hồ chứa do các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi quản lý là 348/450,58 triệu m3 thiết kế, đạt 77,16%; nguồn nước các hồ chứa do địa phương quản lý là 71,9/116,16 triệu m3 thiết kế, đạt 61,8%. Lượng nước các hồ chứa và lưu lượng nước của các sông trong tỉnh hiện nay chỉ gần bằng cùng kỳ năm 2010.
Dọc sông Ba, từ chân đập thủy điện An Khê đến huyện Kông Chro, dài 30 km, giờ thành dòng sông... chết. Tình hình ô nhiễm tại sông Ba báo động đến mức tại cuộc họp sơ kết công tác tháng 5, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm tại dòng sông này đã trở thành một trong những kết luận quan trọng của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Cần thống nhất trong quản lý, điều hành
Các hồ thủy điện đua nhau tích nước để phát điện, các dòng sông trơ đáy, cây trồng, vật nuôi, nước sinh hoạt khan hiếm đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Nhà máy đường An Khê Nguyễn Tấn Cương bức xúc, chúng tôi đã làm tờ trình báo cáo lên đủ các cấp ở tỉnh Gia Lai nhờ can thiệp giúp nhưng chỉ được trả lời 'Đang tích nước để phát điện nên không xả được!'. Mặc dù theo báo cáo với lãnh đạo tỉnh Gia Lai là đã xả nước. Tuy nhiên, số liệu đo được lượng nước xả chỉ 0,47 m3/giây, trong khi nhu cầu của nhà máy đường là 2,5-3 m3 nước/giây. Lúc cần nước không có, lúc lũ nước lại xả nhiều. Có thời điểm cả ba hồ thủy điện trên sông Ba đồng loạt xả lũ, với lưu lượng hơn 6.000 m3/giây, chỉ sau vài giờ, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã ngập tràn nước. Gần đây nhất, sau một ngày mưa, vào đêm 24 và rạng sáng 25-5, hồ chứa Ka Nak thuộc thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ, cộng với mưa to trước đó đã làm cho nhiều gia súc, hoa màu trồng ven sông Ba của người dân ở xã Đông và xã Nghĩa An (huyện Kbang) bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù ngành điện lực đã đồng ý bồi thường thiệt hại cho dân, song nếu tình trạng 'thích thì xả' như thời gian qua vẫn tái diễn thì bài toán về công tác quản lý quả là đang thách thức dư luận. Qua xem xét, đánh giá công tác chuẩn bị phòng, chống bão lụt và vận hành tại công trình thủy điện sông Ba Hạ trong mùa lũ năm 2010, Bộ Công thương cũng đã nhận định, chủ đập chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành liên quan việc bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du. Bộ đã yêu cầu tổ chức kiểm điểm cụ thể trách nhiệm của tập thể và các cá nhân có liên quan; đánh giá nguyên nhân và làm rõ biện pháp khắc phục cùng các vấn đề liên quan.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Biện Minh Tâm cho biết, việc thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng, dẫn nước về sông Kôn đang khiến vùng hạ lưu sông Ba ở Phú Yên bị thiếu nước trầm trọng. Theo Giám đốc Tâm, cần có đợt khảo sát toàn diện để đánh giá lại tài nguyên nước sông Ba, nên sớm có một cơ quan quản lý, điều tiết nguồn tài nguyên nước này, không nên để mạnh ai nấy sử dụng; không để kéo dài tình trạng thủy điện muốn sử dụng nước ra sao thì sử dụng, muốn xả bao nhiêu cũng được. TS Đào Trọng Tứ, Viện Quản lý nước quốc tế - IWMI cho biết, việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam vào tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục. Hiện hệ thống sông ngòi Việt Nam đang phải gánh trên mình hơn 500 công trình thủy điện lớn nhỏ. Trong khi đó, theo quy hoạch của Bộ Công thương, sẽ có khoảng 1.021 công trình thủy điện được xây dựng trong thời gian tới.
Để các quy định của Nhà nước được hiện thực hóa, các nhà khoa học cho rằng, cần có chủ trương khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ, đầu tư công trình khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam Phạm Xuân Sử cho rằng, trước kia tài nguyên nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, hiện nay được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo Chủ tịch Sử, việc quản lý tài nguyên nước cần thống nhất về một bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và cần quản lý theo lưu vực sông. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường Hoàng Văn Bảy cũng khẳng định cần có kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước. Các bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước liên quan khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc xem xét, điều chỉnh chương trình, kế hoạch, dự án, chế độ khai thác, sử dụng tài nguyên nước của mình phù hợp kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trên lưu vực sông và khả năng đáp ứng thực tế của nguồn nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo.
Ngày 1-12-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông, quy định việc quản lý lưu vực sông, bao gồm: điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông; quy hoạch lưu vực sông; bảo vệ môi trường nước lưu vực sông; điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và chuyển nước đối với các lưu vực sông; hợp tác quốc tế và thực hiện các Điều ước quốc tế về lưu vực sông; tổ chức điều phối lưu vực sông; trách nhiệm quản lý lưu vực sông. Bên cạnh hàng loạt những việc cần bàn, cần làm ngay lúc này, các chuyên gia, các nhà khoa học khuyến cáo, trước mắt cần xây dựng một cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư thích hợp để nguồn tài nguyên nước được quản lý và sử dụng đa mục tiêu, hiệu quả, tiết kiệm.
Theo Tuấn Ngọc, Vũ Thành (nhandan)
Ý kiến góp ý: