Nóng bỏng tài nguyên nước
02/12/2011Mạng lưới Cộng tác vì nước của Việt Nam (VNWP) vừa tổ chức Hội thảo 'Giải quyết xung đột trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng" để xới xáo những xung đột về nguồn tài nguyên nước đang diễn biến ngày một gay gắt
Tại Hội thảo, TS. Vũ Thế Hải - Viện Nước Tưới tiêu & Môi trường thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thông tin: Ở khu vực sông Hồng, tình trạng khan hiếm nguồn nước vào mùa khô trong những năm gần đây hết sức gay gắt. Tình trạng này cũng đã dẫn đến mâu thuẫn cần phải giải quyết, đó là cân đối giữa lợi ích và an ninh về nước cho năng lượng về mùa hè và nước cho nông nghiệp mùa khô.
Đối với khu vực miền Trung, việc phát triển ồ ạt hệ thống thủy điện trên các sông, suối đã ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy mùa lũ và mùa kiệt. Tình trạng này cũng đã kéo theo nước mặn xâm nhập hầu hết các lưu vực sông miền Trung vào mùa khô. Bên cạnh đó, hàng lọat các mâu thuẫn trong quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện cũng đang tạo nên bức xúc trong xã hội, điển hình là các thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
TS. Vũ Thế Hải dẫn chứng câu chuyện thủy điện Đăk Mi 4 lấy nước sông Vu Gia rồi đổ ra sông Thu Bồn ở Quảng Nam gây thiếu nước trầm trọng cho thành phố Đà Nẵng; công trình thủy điện A Lưới lấy nước sông A Sáp (Sê Kông) rồi đổ ra phá Tam Giang (TT-Huế)... Đặc biệt nhát là thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai) đầu năm 2011 tích nước gây hạn hán, tạo nên những khúc sông chết ở hạ du của Gia Lai, Phú Yên. Bên cạnh đó các công trình thủy điện khi có lũ lớn thì đột ngột xả nước làm trôi hết hoa màu, gia súc, gia cầm khiến cho nông dân phía hạ du điêu đứng.
Cảnh báo về tác hại của việc xây dựng thủy điện tràn lan, Ông Nguyễn Ty Niên - chuyên gia cao cấp về tài nguyên nước của Việt Nam lấy ngay ra dẫn chứng, sông Đồng Nai nơi có 420km sông mà phải gánh đến 14 công trình thủy điện. Hệ thống thủy điện bậc thang này nếu vận hành và điều tiết không đảm bảo thì hiểm họa rất khó lường, nhiều thành phố sẽ phải hứng chịu hậu quả - ông Niên khẳng định.
Tại cuộc Hội thảo, TS. Vũ Thế Hải đặc biệt nhấn mạnh và đề nghị các chuyên gia bàn thảo, góp ý, xây dựng giải pháp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước những biến động của dòng Mê Kông.
“Thời gian qua, phát triển thủy điện thượng nguồn của lưu vực sông Mê Kông đã khiến dư luận quốc tế quan tâm và lo ngại về những tác động đến môi trường, sinh kế cho hàng triệu cư dân hạ lưu. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề” - ông Hải cho biết.
TS. Đào Trọng Tứ, Ủy viên Ban điều hành VNWP thông tin thêm: sông Mê Kông là vùng sản xuất lúa gạo cho 300 triệu người. Người dân 4 nước hạ lưu Mê Kông đang được hưởng lợi, còn thượng lưu nằm ở Vân Nam, Trung Quốc. Mặc dù đóng góp vào dòng chảy là 16% nhưng Trung Quốc có kế hoạch phát triển thủy điện xây 8 đập đến 2020 và 25 đập đến 2050. Ngoài ra, phía hạ lưu sông Mê Kông thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia cũng đang hoạt định xây dựng 11 nhà máy thủy điện. “Xung đột về vấn đề nước sông Mê Kông càng ngày càng gay gắt. Nếu không sớm có biện pháp thì tương lai đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề” - TS. Đào Trọng Tứ nói.
Để giải quyết vấn đề, tại Hội thảo các đại biểu đã đề cập đến việc Chính phủ phải vào cuộc một cách khẩn trương. “Những xung đột đã bày ra trước mắt, vấn đề là có thực sự quyết tâm giải quyết hay không mà thôi” - Ông Nguyễn Ty Niên nghi ngờ.
Theo Đắc Thành - NNVN
Ý kiến góp ý: