TextBody
Huy chương 2

Nước mặn xâm nhập vào các cửa sông

26/02/2013

Cùng với thu hoạch lúa đông xuân 2012 - 2013, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với tình trạng mặn xâm nhập. Theo dự báo và tình hình thực tế, năm nay xâm nhập mặn ở một số nơi xuất hiện sớm hơn năm 2012 khoảng 15 - 20 ngày... khiến các địa phương đang phải tập trung đối phó để giảm thiệt hại đối với sản xuất, ít ảnh hưởng đến đời sống cư dân trong vùng...

Tại Hậu Giang, theo dự báo của Chi cục Thủy lợi tỉnh, mùa khô năm nay mặn xâm nhập theo 4 hướng sông (Cái Lớn, Nước Đục, Nước Trong, Ngan Dừa) gây ảnh hưởng tới nhiều địa bàn ở TP.Vị Thanh và các huyện Long Mỹ, Vị Thủy. Riêng hướng xâm nhập từ sông Cái Lớn đi vào sông Cái Tư - kênh xáng Xà No gây ảnh hưởng đến các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu (TP.Vị Thanh), nhưng nếu xâm nhập sâu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ TP.Vị Thanh và các xã Vị Đông, Vị Bình, Vị Thanh (huyện Vị Thủy).

Trong khi đó, tại một số địa phương khác trong vùng, nước mặn đã xâm nhập vào các cửa sông. Theo kết quả quan trắc, tại Trà Vinh nước mặn đã vào sâu các cửa sông từ 20 - 40km (độ mặn cao nhất 8 phần ngàn). Còn tại Đại Ngãi (Sóc Trăng), độ mặn đo được (cách cửa biển 40km) trên sông Hậu là 4,1 phần ngàn... Tình trạng mặn xâm nhập bắt đầu tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống của cư dân trong vùng. Theo Phòng NNPTNT huyện Trần Đề (Sóc Trăng), hiện tại hầu hết các cửa cống độ mặn đã đạt mức 1,7 phần ngàn trở lên và sắp tới còn tăng cao. Tình hình này khiến việc lấy nước ngọt bổ sung vào hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất gặp khó khăn...

Các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp hạn chế mặn xâm nhập, cố gắng đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh: Thường xuyên đo độ mặn; nạo vét một số trục kênh chính, gia cố bờ bao để ngăn mặn - trữ nước ngọt, đóng cống, đắp đập thời vụ; giám sát tình hình mặn kết hợp với vận hành hợp lý  các công trình thủy lợi và hệ thống ngọt hóa ven biển; chủ động lấy nước, trữ nước và thoát nước mặn trên kênh rạch; tranh thủ lúc độ mặn dưới 1,7 phần ngàn lấy nước vào...

Thông tin về độ mặn cũng được các cơ quan chuyên môn cập nhật, thông báo kịp thời để các địa phương và nông dân chủ động phòng chống (chuẩn bị máy bơm, tiết kiệm nước, lựa chọn các giống cây trồng có khả năng chịu hạn - mặn...). Theo Sở NNPTNT Sóc Trăng, trước diễn biến tình hình xâm nhập mặn, vấn đề trước mắt là ưu tiên nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Đây cũng chính là vấn đề các địa phương trong vùng bị mặn xâm nhập đang tập trung các nguồn lực thực hiện...

Theo laodong.com.vn

Ý kiến góp ý: