Ô nhiễm Asen đe dọa nguồn nước
02/11/2009
Theo báo cáo nghiên cứu nguồn nước ngầm, nước giếng khoan của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường - Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam số người có nguy cơ mắc bệnh có tiếp xúc với asen (thạch tín) đã lên đến hơn 17 triệu người (khoảng 21,5% dân số). Mức độ ô nhiễm asen trong nước ngầm, nước giếng khoang đã cao hơn khá nhiều so với tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ô nhiễm nguồn nước ở mức độ cao
Asen là nguyên tố tự nhiên gây ô nhiễm môi trường, có nhiều ở hai lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long. Sự xâm nhập của asen vào nước ngầm chủ yếu là do sự hòa tan của asen sẵn có trong lòng đất, hòa tan chất khoáng, quặng và sự ăn mòn đá núi, hoặc các cuộc khai thác mỏ có thể dẫn đến ô nhiễm asen trong môi trường và cuối cùng là nguồn nước.
Mức độ ô nhiễm theo khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường ở các tỉnh tại khu vực châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long khi kiểm tra 11.500 mẫu nước ở 11 huyện phát hiện thấy gần 40% số mẫu bị nhiễm asen, có nơi nồng độ cao so với quy định của WHO như Hà Nội, Nam Định, Hà Tây, Đồng Tháp, Long An…
Theo đánh giá của WHO, hiện nay các nước châu á được coi là nơi có nguồn nước nhiễm asen cao trên thế giới.
Asen - thủ phạm gây nhiều bệnh chết người
Asen xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua đường ăn uống, hô hấp, qua da hoặc truyền từ mẹ sang con. Khi xâm nhập vào cơ thể, asen tích tụ nhiều trong các mô da, móng tay, tóc, răng, xương và trong các tổ chức giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non gây ra nhiễm độc cấp tính và ung thư, thậm chí biến đổi gene.
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tiếp xúc lâu ngày với asen trong nước uống liên quan tới tăng nguy cơ bị ung thư da, bàng quang, phổi, gan và thận. Asen còn liên quan đến nhiều bệnh khác như rối loạn tim mạch, bệnh thần kinh ngoại vi và tiểu đường.
Ngoài ra, ô nhiễm asen trong nguồn nước ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe các bà mẹ có thai và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh do mắc các bệnh phổi ác tính, hoặc tác động lên sự phát triển về thể chất và trí tuệ của những đứa trẻ ở thời kì đầu của sự trưởng thành, biến đổi của các yếu tố hành vi và sinh lý, đặc biệt có thể xảy ra sự biến đổi gene.
TS. Nguyễn Huy Bảo cho biết: người bị nhiễm asen có các biểu hiện như da xạm, tê tay, chân, rụng tóc… nhưng việc khó nhất hiện nay là khâu chẩn đoán lâm sàng và chưa có phác đồ điều trị các trường hợp nhiễm độc asen. Cách làm duy nhất hiện nay là hạn chế bớt nồng độ thạch tín trong nguồn nước. Trường hợp không có nguồn nước thay thế, có thể sử dụng bể lọc cát kết hợp với giàn phun mưa. Nếu sử dụng các hệ thống, thiết bị lọc thạch tín khác thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường UNICEF, bể lọc cát kết hợp với giàn phun mưa chỉ có thể lọc bớt nồng độ asen và độ nhiễm sắt xuống dưới 50mg/lít. Hiện nay, phương pháp của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam dùng oxy hóa thông thường và ánh sáng mặt trời để loại trừ tạp chất, nhất là asen ra khỏi nước ngầm là phương pháp tối ưu nhất giảm thiểu asen theo tiêu chuẩn của WHO.
Theo Báo KH&PT
Ý kiến góp ý: