TextBody
Huy chương 2

Oan cho thuỷ điện?

16/11/2010

Thuỷ điện đang bị coi là thủ phạm trực tiếp gây nên những đợt ngập lụt nghiêm trọng tại miền Trung - Tây Nguyên vừa qua. Ngày 13.11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc  hội thảo về công tác vận hành các hồ chứa thuỷ điện 

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng, thuỷ điện không những không tăng lượng xả so với mức nước về mà còn tham gia cắt lũ.

“Oan cho thuỷ điện Sông Ba Hạ”

Ông Đào Tấn Cam - GĐ Sở Công Thương Phú Yên nhìn nhận, trong trận lũ lịch sử năm 2009 trên địa bàn Phú Yên làm chết 80 người dân vùng ngập lũ, thì không có ai sinh sống trong vùng hạ lưu sông Ba Hạ. Trong trận lũ này, thuỷ điện Sông Ba Hạ còn có công cắt lũ trên thượng nguồn, nên sau 2 ngày vùng có thuỷ điện mới bị cô lập, trong khi các vùng khác nước đã dâng cao.

Trước đây, Phú Yên chỉ có một đập thuỷ lợi do người Pháp xây dựng, không có cửa van xả lũ, vì vậy nước cứ xả tự nhiên xuống hạ du không ai có ý kiến gì. Nhưng thuỷ điện Sông Ba Hạ mới có chừng 2-3 năm nay, thì bị coi là thủ phạm gây lũ. Ông nói: “Không phải đến bây giờ mưa lũ mới khốc liệt, mà ở miền Trung người dân đã quen sống chung với lũ. Đợt xả lũ 6.120m3/s của TĐ Sông Ba Hạ ngày 2-3.11 vừa qua, nhà máy đã thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ. Tuy chỉ có sơ suất là không báo cáo UBND tỉnh, nhưng đã báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư và Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh. Vì vậy, nếu nói TĐ Sông Ba Hạ không thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa là oan cho Ba Hạ.

GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ- ông Bùi Minh Tăng cho rằng, miền Trung liên tục xảy ra các đợt lũ lớn là do tình hình khí hậu diễn biến phức tạp, nạn chặt phá rừng đầu nguồn khiến lũ về nhanh, khốc liệt. Trong khi đó, miền Trung- Tây Nguyên do địa hình dốc, lòng sông hẹp, các hồ chứa nước được thiết kế nhỏ, không có dung tích phòng lũ, nên lũ về đến đâu là bị cuối trôi xuống hạ du.

Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) quả quyết, với lượng nước về không kém sông Đà (6 tỉ mét khối), nhưng trong khi hồ Hòa Bình có dung tích phòng lũ tới 5,6 tỉ mét khối, cắt hẳn lũ ở hạ du, thì sông Ba được thiết kế lưu vực bé hơn, hồ chứa nước nhỏ nên khó lòng chống lũ. Chúng tôi đã thử nghiên cứu xem có thể làm được hồ chứa nước lớn tại miền Trung hay không, nhưng câu trả lời là không thể. Do địa hình ở đây rất đặc thù, độ dốc cao, nếu làm hồ chứa nước lớn sẽ không an toàn cho hạ du, đồng thời sẽ phải lấy đi một diện tích ngập nước rộng lớn, ảnh hưởng dân sinh và môi trường. Chính bởi vậy, “đối sách” cho miền Trung là có biện pháp chủ động phòng tránh và sống chung với bão lũ.

 

Nhiều lỗ hổng, thiếu cơ chế xử phạt

Mặc dù là đầu mối thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN Bộ Công Thương- nhưng Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp- ông Cao Anh Dũng- cũng thừa nhận, chỉ có thể bao quát và nắm bắt thông tin kịp thời đối với các công trình thuỷ điện từ 30MW trở lên theo quy định phải báo cáo Bộ Công Thương. Với các hồ thuỷ điện nhỏ (dưới 30MW) thì việc thu thập thông tin là rất khó khăn. Chẳng hạn, mới đây các sự cố suýt vỡ đập thuỷ điện Hố Hô, hay Kẻ Gỗ (Nghệ An), Bộ Công Thương gần như không có thông tin để chỉ đạo ứng phó. Hơn thế nữa, dù có quy định về quy chế phối hợp khá chặt chẽ giữa chủ đập với Ban chỉ huy PCLB địa phương nhưng nhiều nơi, sự phối hợp này còn lỏng lẻo, có nơi, ngoài giờ hành chính thì việc gửi thông báo của chủ đập cho chính quyền địa phương, huyện, xã rất khó khăn vì không có người ứng trực 24/24h.

Ông Dũng cũng cho biết: Trong việc sai sót của Cty thuỷ điện Sông Ba Hạ đã không liên lạc được với chính quyền địa phương, nhưng đã thông báo cho Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên- cơ quan này cũng chính là đầu mối thường trực để tiếp nhận thông tin và phải có nhiệm vụ chuyển đi. Trong những tình huống khẩn cấp, nhà máy phải tập trung vào nhiệm vụ vận hành chống lũ, nên quy định việc thông báo cần tập trung vào một đầu mối. “Hiện có tình trạng, cùng lúc nhà máy phải thông báo cho khoảng 10 đầu mối về thời gian xả lũ, gây khá nhiều bấp cập”, ông Nguyễn Trâm- TGĐ Cty CP thuỷ điện A Vương phàn nàn.

Tuy nhiên, khâu xử phạt các vi phạm về vận hành công trình hồ chứa lại đang bỏ ngỏ hoặc chưa có quy định cụ thể- ông Dũng nói. Nếu bảo Cty TĐ Sông Ba Hạ làm sai quy trình thì cũng không sai, nhưng có sai sót thì xử lý thế nào lại chưa rõ.

Từ vụ xả lũ sông Ba Hạ, ông Đào Tấn Cam, GĐ Sở Công Thương Phú Yên kiến nghị cần có ngay sơ đồ ngập lụt liên hồ, theo ông, khi các hồ xả lũ, ứng với lưu lượng xả bao nhiêu thì hạ du ngập tới đâu phải có sơ đồ ngập lụt, để khi có báo động, người dân biết cách phòng tránh.

Theo laodong

Ý kiến góp ý: