TextBody
Huy chương 2

PGS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Viện trưởng Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam “Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ngăn sông mới có hiệu quả”

27/08/2010

Được sự giới thiệu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, tôi tìm gặp PGS.TS. Trần Đình Hòa, Phó Viện trưởng Viện Thủy công, là người đã có những nghiên cứu quan trọng, hoàn thiện và ứng dụng một cách mạnh mẽ và hiệu quả một số công nghệ ngăn sông mới vào thực tế sản xuất

Say mê với chuyên ngành Thủy lợi, anh Trần Đình Hòa mong muốn sẽ cống hiến hết sức mình cho sự phát triển công nghệ ngăn sông. Trên nền tảng các kết quả nghiên cứu đã đạt được từ những giai đoạn trước, anh xác định và định hướng nghiên cứu là các công nghệ ngăn sông mới, các công nghệ xây dựng công trình ngay trên sông, không phải đắp đê quai, dẫn dòng thi công.

Tuy nhiên, ý tưởng này đã được triển khai và phát triển mạnh trong 5-6 năm gần đây, anh đã tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi 2 công nghệ đập xà lan và đập trụ đỡ, đồng thời nghiên cứu phát triển một số công nghệ mới khác như đập trụ phao, đập xà lan liên hợp. Trong hơn 5 năm qua, khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, tư vấn chuyển giao vào thực tế cho khắp các vùng miền trong cả nước, đến nay đã có gần 100 công trình được phê duyệt thiết kế thi công. Đặc biệt, cả 2 công nghệ mới được đăng ký bản quyền trong năm 2007 và được ký kết hợp đồng thù lao bản quyền cho hàng chục công trình với kinh phí hàng tỷ đồng.

 

 

 

Anh là Chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp Bộ (năm 2006 - 2008): “Nghiên cứu công nghệ để thiết kế, xây dựng công trình cống ngăn sông lớn vùng triều”. Sau khi đề tài được nghiệm thu đã ứng dụng ngay các kết quả nghiên cứu đạt được vào thiết kế cho các công trình chống úng ngập tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác; làm Phó Chủ nhiệm dự án cấp Nhà nước (năm 2005 - 2007): “Hoàn thiện công nghệ thiết kế, chế tạo thi công và quản lý vận hành đập xà lan di động áp dụng cho vùng triều”, kết quả nghiên cứu của dự án đã được áp dụng mang lại hiệu quả lớn trong ứng dụng, đổi mới công nghệ về thiết kế xây dựng cho các công trình ngăn sông ở các tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, gần 100 công trình đã ứng dụng công nghệ đập xà lan di động, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn: Ít phải đền bù giải phóng mặt bằng, thi công nhanh, ít ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, anh là Chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước (năm 2007 - 2010): “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công trình điều tiết mực nước sông Hồng mùa kiệt phục vụ phát triển kinh tế xã hội đồng bằng sông Hồng”, nhiều kết quả nghiên cứu của đề tài đã và đang được sử dụng cho việc đề xuất các dự án chống hạn và quy hoạch phát triển Hà Nội. Hiện tại, anh đang tham gia cùng với nhóm đề tài tiếp tục thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước phục vụ cho phát triển công nghệ ngăn sông mới.

 

 

 

Từ các kết quả nghiên cứu của mình, anh cho ứng dụng vào thực tế sản xuất nhiều công trình như: Ứng dụng công nghệ mới đập trụ đỡ vào thiết kế cho các công trình: cống đập Thảo Long - Thừa Thiên Huế (nghiệm thu bàn giao năm 2008), cống đập ngăn mặn giữ ngọt Đò Điệm - Hà Tĩnh (2002 - 2009); là các công trình ngăn sông lớn nhất nước ta hiện nay ứng dụng công nghệ mới đập trụ đỡ. Công trình cống Bà Đầm (Hậu Giang); cống Rạch Nhum, cống Rạch Tra (Cần Thơ); cống Ba Thôn, cống Đá Hàn (TP. Hồ Chí Minh), công trình cống Biện Nhị (Cà Mau), cống Hà Giang (Kiên Giang) v..v. Ứng dụng công nghệ mới đập xà lan di động vào thiết kế cho gần 100 công trình ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt đã và đang ứng dụng các kết quả nghiên cứu mới để lập dự án thiết kế cho các công trình có kỹ thuật phức tạp cao cho các công trình chống ngập thành phố Hồ Chí Minh (cống Kinh Lộ, cống Tân Thuận, cống sông Kinh, cống Kinh Hàng v..v.), công trình ngăn sông Dinh (Ninh Thuận), cống Cái Lớn Cái Bé (Kiên Giang) v..v

 

 

 

 

Năm 2005, sản phẩm nghiên cứu của anh tham gia hội chợ thiết bị công nghệ Techmart (TP.Hồ Chí Minh) và đạt được 02 huy chương vàng cho sản phẩm “công nghệ đập trụ đỡ” và “công nghệ đập xà lan”. Năm 2007, Đồng tác giả nhóm nghiên cứu “công nghệ đập xà lan” tham gia và đạt giải ba trong cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTECH năm 2007. Giải thưởng cho công nghệ nổi bật xuất sắc của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á Thái Bình Dương (ACECC) năm 2007 cho công nghệ đập xà lan di động; Bằng độc quyền sáng chế Đập xà lan (7/2/2007); Bằng độc quyền sáng chế Đập trụ đỡ (20/9/2007). Năm 2008, công nghệ đập xà lan di động tham gia hội chợ hàng Nông nghiệp quốc tế Agroviet (TP. Hồ Chí Minh) và đạt huy chương vàng cho sản phẩm này. Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân về công trình tiêu biểu: đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long (Thừa Thiên Huế), Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả: Dự án công trình điều tiết sông Hồng phục vụ quy hoạch tổng thể vùng Hà Nội (năm 2010) v..v.

 

 

 

Trong thời gian tới, anh vẫn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và phát triển hơn nữa công nghệ mới theo hướng chuyên môn đã xây dựng với mục tiêu áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế-kỹ thuật và xã hội. Mong rằng anh sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trên con đường đã chọn.

 

Nguồn: Kỷ yếu Hội nghị Đại hội Thi đua yêu nước ngành NN&PTNT lần thứ III

 

 

 

Ý kiến góp ý: