TextBody
Huy chương 2

Phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia

22/02/2017

Triển khai từ năm 2011 đến 2015, 15 chương trình khoa học và công nghệ (KH và CN) trọng điểm cấp nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đề tài, dự án đã tiệm cận trình độ khu vực và thế giới.

Hệ thống 15 chương trình KH và CN trọng điểm cấp nhà nước bao gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ (chương trình KC) và năm chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Tính đến thời điểm hiện tại đã có 99% số đề tài, dự án được nghiệm thu. Đánh giá từ Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho thấy, 10 chương trình KC đã triển khai được 329 nhiệm vụ, tạo ra được 23 loại giống cây mới; 15 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội; 188 công nghệ mới, 634 quy trình sản xuất mới; 213 mẫu máy móc, thiết bị mới; 348 cơ sở dữ liệu, 26 phần mềm; 338 vật liệu mới… Rất nhiều kết quả đã được hoàn thiện và đưa vào ứng dụng sản xuất với tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt hàng trăm tỷ đồng.

Đánh giá của các ban chủ nhiệm cho thấy, hơn 50% số công nghệ và thiết bị được tạo ra từ các chương trình KC có tính năng kỹ thuật, chất lượng tương đương sản phẩm của các nước trong khu vực và tiệm cận trình độ tiên tiến trên thế giới. Năm chương trình KX đã triển khai được 101 nhiệm vụ, nghiên cứu và làm rõ nhiều luận cứ khoa học có sức thuyết phục, đã được biên soạn thành các sách chuyên khảo, tài liệu giảng dạy trong các trường đại học, học viện chính trị… Tính đến nay, 15 chương trình KH và CN trọng điểm cấp nhà nước đã có hơn 100 công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế, hơn hai nghìn bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước và hàng trăm bài báo đã được công bố trên các tạp chí, và tại hội nghị quốc tế. Thông qua chương trình đã có gần 500 tiến sĩ, hơn 700 thạc sĩ được đào tạo cùng nhiều kỹ thuật viên để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến đơn vị ứng dụng. Ban chủ nhiệm chương trình đánh giá, hầu hết các sản phẩm, kết quả của đề tài, dự án thuộc chương trình KC đều đạt mục tiêu làm chủ công nghệ, trong đó có hơn 80 công nghệ, quy trình đã đạt được thành công được ghi nhận trong sản xuất và đời sống. Các chương trình KX đã có những phát hiện, tổng kết và những đề xuất, kiến nghị trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học, hỗ trợ các nhà hoạch định chiến lược xây dựng chính sách trong định hướng phát triển, hoàn thiện thể chế của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, các chương trình trong quá trình thực hiện vẫn còn những rào cản về cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu. Mặc dù đã có những chủ trương về đổi mới cơ chế tài chính, một số thông tư đã ban hành cũng tháo gỡ được một phần các vướng mắc tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng còn chậm triển khai và hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó, việc phân bổ kinh phí chưa phù hợp với đặc thù nghiên cứu của từng chương trình. Ngoài ra, cơ chế “đặt hàng” các nhiệm vụ KH và CN còn mới, nhiều đơn vị vẫn chưa nắm rõ được tinh thần đổi mới, cho nên việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ. Công tác nghiệm thu đề tài cần đơn giản hơn, giúp các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu hơn là việc phải đi giải trình việc thu, chi.

Theo TS Nguyễn Thiện Thành, Giám đốc Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hiện nay tương đối hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thời gian tới, các chương trình cần phải xây dựng được nội dung để giải quyết những vấn đề KH và CN dài hạn hơn. Mặt khác, công tác xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, đánh giá, nghiệm thu… cần được cải tiến theo hướng đơn giản, bảo đảm xác định những nhiệm vụ cấp thiết gắn với doanh nghiệp hoặc có tầm ảnh hưởng lớn. Trong đó chú trọng việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân có uy tín, năng lực thực hiện nhiệm vụ; đề xuất với các bộ, ngành có liên quan nhằm cải tiến cơ chế quản lý tài chính, tài sản phù hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhất là cần mạnh dạn giao việc chủ nhiệm một số đề tài KH và CN cho các nhà khoa học trẻ, nhằm tạo ra những đột phá trong công tác nghiên cứu và là giải pháp để giải quyết vấn đề dài hạn trong các chương trình trọng điểm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa đối với các hoạt động nghiên cứu. Để các công trình khoa học sát với thực tiễn hơn, cần sự mạnh dạn đầu tư từ các doanh nghiệp, tạo ra được những hiệu quả lớn hơn cho kinh tế - xã hội .

Theo nhandan.com.vn

 

Ý kiến góp ý: