TextBody
Huy chương 2

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

15/03/2021

Ngày 13-3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)

Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự hội nghị còn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Nghị quyết 120) đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, định hướng phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng đất anh hùng, giàu tiềm năng và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: “Nghị quyết 120 của Chính phủ đã mở đường cho ĐBSCL cất cánh, phát triển thịnh vượng, bền vững”. Việc ban hành Nghị quyết 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

 

Nghị quyết 120 đã góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà, nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới, gỡ nút thắt về chính sách đất đai tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư. Đồng thời chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên. Thực hiện Nghị quyết, trong 3 năm qua, diện tích canh tác 3 vụ lúa được cắt giảm. Nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ.

 

Cụ thể, trước Nghị quyết 120, trong 3,2 triệu ha đất nông nghiệp của vùng, có 1,82 triệu ha đất lúa, 860 nghìn ha thủy sản, 385 nghìn ha cây ăn trái. Sau Nghị quyết, diện tích trồng cây ăn trái tăng lên 450 nghìn ha, thủy sản đã lên hơn 900 nghìn ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, diện tích lúa 3 vụ cũng giảm. Nếu năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD, năm 2020 đã là 8,8 tỷ USD. Việc chuyển đổi theo hướng thuận thiên đã giúp cho ĐBSCL có mức tăng trưởng ấn tượng. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, đặc biệt năm 2018 đạt 7,8% (cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,08% của cả nước); 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của vùng đạt mức ấn tượng là 7,9% cao nhất trong 4 năm.

https://file.qdnd.vn/data/images/0/2021/03/13/thuyan/img_20170817_150952.jpg?dpi=150&quality=100&w=575

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính thích ứng với BĐKH đúng theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ

Sau khi lắng nghe 13 ý kiến tham luận, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc vì sự phát triển của vùng đất “Chín rồng” và đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với sự phát triển vùng ĐBSCL với 8 nội dung có các từ khóa đều bắt đầu bằng chữ G (Giao; giáo dục; giang; gắn; giàu; giỏi; già và giới). Đây là những quan điểm chưa được nêu trong Nghị quyết 120 và sẽ được bổ sung vào Nghị quyết. Dù kết quả thực hiện Nghị quyết 120 trong 3 năm qua bước đầu tích cực, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “không được kể công” mà phải xác định rất nhiều nhiệm vụ phải làm thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cách đây 1 tuần, Chính phủ đã tổ chức Đối thoại 2045 nhằm tìm kiếm giải pháp tạo sự phát triển đột phá cho đất nước, đồng thời yêu cầu tổ chức một cuộc Đối thoại 2045 ở khu vực ĐBSCL, để tìm giải pháp đưa vùng phát triển thịnh vượng cùng đất nước. Cụ thể, muốn giữ được ĐBSCL trước hết phải giữ người, giữ đất và giữ nước.

Nhắc lại về nhân kiệt của ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ĐBSCL là vùng đất nhân kiệt, nơi sinh ra và hội tụ nhiều nhân tài của nhiều nơi khác đến. Cho nên, chúng ta cần xem đây là một nguồn lực quan trọng, thậm chí là quyết định trong chiến lược ứng phó với thách thức của BĐKH. Tài lực, vật lực là quan trọng nhưng quyết định nhất vẫn là nhân lực, là con người, là chất xám, trí tuệ, cảm xúc và lòng dũng cảm.

https://file.qdnd.vn/data/images/0/2021/03/13/thuyan/thu%20tuong.jpg?dpi=150&quality=100&w=575

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần đưa ngân sách chi cho ứng phó với BĐKH thành một hạng mục chi chính của ngân sách địa phương trong tổng thu ngân sách hằng năm. Đồng thời lưu ý các địa phương trong vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết mạnh mẽ với TP Hồ Chí Minh theo tinh thần bền vững, hữu cơ, cùng phát triển; phát huy vai trò Hội đồng điều phối vùng; phát triển mạnh mẽ các đô thị trong vùng, quy hoạch lại dân cư; đẩy mạnh hợp tác quốc gia, quốc tế và tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế.

* Sáng cùng ngày, bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đại biểu quốc tế dự hội nghị (các đối tác, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế).

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự hợp tác của các đối tác, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế là rất quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, các nước đối tác, tổ chức quốc tế sẽ quan tâm cùng Việt Nam tạo nguồn lực mới từ hợp tác. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, đầu tư FDI. Vấn đề nữa là hợp tác quốc tế bảo vệ các dòng sông, nhất là vùng hạ du, không chỉ cho Việt Nam mà những nước trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi thượng nguồn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn, được lắng nghe ý kiến, đẩy mạnh hợp tác trong quá trình phát triển, đặc biệt là kinh nghiệm, bài học quý từ các nước.

https://file.qdnd.vn/data/images/0/2021/03/13/thuyan/quang%20canh%20hoi%20nghi.jpg?dpi=150&quality=100&w=575

Các đại biểu dự hội nghị

Đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120 và kết quả mà Nghị quyết này mang lại cũng như việc tổ chức hội nghị, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Theo www.qdnd.vn

Ý kiến góp ý: