Phát triển tài năng trẻ khoa học - công nghệ: Từ đào tạo đến chính sách đãi ngộ
06/12/2012Trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, đặc biệt là sử dụng nhân tài trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước. Và để có đội ngũ cán bộ KHCN hùng hậu, kế cận, cần có chính sách đồng bộ từ đào tạo đến trọng dụng đãi ngộ.
PGS.TS Phạm Văn Hội - Viện KH - CN Việt Nam chia sẻ, để đào tạo nguồn nhân lực cho KHCN, rõ ràng phải trang bị kiến thức đủ và rộng cho các bạn trẻ, trong đó người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo tài năng cho KHCN.
Với thời đại hiện nay, các nhà công nghệ lớn có thể không cần tốt nghiệp ở những trường đại học nhưng các nhà khoa học lớn thì không thể không tốt nghiệp đại học và sau đại học. Ở Việt Nam, các nhà khoa học lớn đều đã từng là học trò của các ông thầy lớn nổi tiếng, ví dụ như GS. Tôn Thất Tùng là học trò của GS Mayet Mayer tại Đại học Y Hà Nội; GS Nguyễn Văn Hiệu là học trò của GS.VS Bogoliubov rất nổi tiếng của Nga…
Để tạo điều kiện và môi trường tốt cho tài năng trẻ trong khoa học, đương nhiên cần phải chú ý đến nâng cao trình độ của các thầy giáo, giảng viên và hướng dẫn nghiên cứu cho các bạn trẻ. Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Hội, hiện nay, giáo dục Việt Nam có tình trạng là một số môn chuyên ngành khoa học tự nhiên được dạy theo kiểu “đọc chính tả” hoặc nhìn màn hình, thiếu dẫn giải quy luật bằng các công thức toán học đã được minh chứng, do đó hạn chế nhiều khả năng tiếp nhận quy luật khoa học một cách rõ ràng của các sinh viên. Thêm vào đó, các phương tiện thực hành của các cơ sở đào tạo chưa được đầu tư đúng mức, còn rất thiếu thốn và lạc hậu, nhiều môn học về kỹ nghệ và kỹ thuật chỉ dạy chay nên kỹ năng thực hành rất thấp, nhiều sinh viên ra trường khó đáp ứng được công việc thực tế đòi hỏi.
TS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên - Tài năng trẻ đạt giải thưởng “Quả cầu vàng” năm 2011, cho biết, trong quá trình nghiên cứu KHCN, chúng tôi gặp không ít khó khăn như thiếu đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, có uy tín để định hướng, tạo lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu cũng còn thiếu nhiều thiết bị kỹ thuật cao phục vụ công tác nghiên cứu. Việc khó tiếp cận thông tin và nguồn kinh phí còn hạn hẹp cũng là những khó khăn trong quá trình nghiên cứu...
Trong nhiều năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức, xây dựng nhiều phong trào, chương trình, sân chơi hiệu quả, bổ ích nhằm thu hút đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện các tài năng trẻ như: giải thưởng Sao Tháng Giêng, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học, tổ chức tuyên dương học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế hàng năm…
Ngày càng nhiều các doanh nghiệp do những thanh niên trẻ quản lý đã thu được thành công lớn. Đơn cử Công ty cổ phần dịch vụ CNTT Naiscorp trong 5 năm, với số vốn ban đầu là 25 triệu đồng thì bây giờ đã sở hữu tài sản hơn 30 triệu USD. Công ty BKAV của Đại học Bách khoa với phần mềm diệt vi rút đã có 106 quốc gia biết đến và sử dụng. Công ty Cổ phần Robot TOSY có robot triển lãm tại nhiều hội chợ quốc tế và được đánh giá rất cao, không thua kém gì robot của các quốc gia phát triển. Đồ chơi Tosy rất nổi tiếng, xuất khẩu ra nước ngoài…
Nhiều dự án nhằm hỗ trợ cho tài năng KHCN phát triển đã và đang được triển khai, điển hình là mới đây Bộ KH - CN đã khởi xướng ý tưởng thành lập “Trung tâm đào tạo CNTT và Sáng tạo khởi nghiệp cho thanh niên” được thí nghiệm tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự kiến chương trình sẽ hỗ trợ cho 400 thanh niên tiếp cận với CNTT, giúp họ xây dựng các kỹ năng cần thiết để có thể tìm được việc làm và khởi nghiệp thành công. Ngoài ra, dự án còn tạo điều kiện cho 50 sinh viên tài năng phát triển các sản phẩm sáng tạo gắn với thị trường và phục vụ cộng đồng.
Cần có chính sách sử dụng, đãi ngộ hợp lý
Đào tạo nguồn nhân lực trẻ KHCN cần phải đi đôi với việc sử dụng và đãi ngộ đội ngũ này. Đảng, Nhà nước coi KHCN là quốc sách hàng đầu, trong hơn 10 năm qua, kể từ Hội nghị Trung ương 2 Khóa 8, ban hành Nghị quyết về KHCN và đó cũng là nghị quyết đầu tiên nói đến vai trò quốc sách hàng đầu của KHCN.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân, trên thực tế, không phải các cấp lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương nào cũng luôn quan tâm đến KHCN như trong các nghị quyết của Đảng. Vì thế, đâu đó các nhà khoa học không được quan tâm hoặc nếu có quan tâm bằng việc hứa hẹn vị trí làm tốt, mức thù lao cao… nhưng một thời gian sau lãnh đạo địa phương đó không thấy quan tâm đến nữa thì cán bộ trẻ có trình độ đành phải “lặng lẽ” ra đi.
Bộ trưởng cho rằng, đó không phải là cách đãi ngộ và trọng dụng đối với những người làm khoa học. Bởi vì, một món tiền nho nhỏ, một mảnh đất để dựng nhà, đó chỉ là bước khởi đầu, với giới khoa học điều quan trọng nhất là môi trường làm việc và sự quan tâm. Có ai giao việc cho họ? Mỗi dự án đầu tư có ai giao nhà khoa học đến thẩm định về mặt công nghệ hay không? Địa phương có vấn đề gì cần giải quyết thì có gọi giới khoa học đến để thẩm định, đánh giá, nghiên cứu, ứng dụng, đưa tiến bộ KHKT vào để giải quyết vấn đề đó hay không? Các nhà khoa học cần có đồng nghiệp làm việc cùng chí hướng nhưng nhà khoa học phải được sử dụng thiết bị phù hợp, cần tự do sáng tạo, nhất là lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội… Nhưng hầu hết các địa phương và các bộ ngành của chúng ta đều chưa làm được điều này. Vì thế phần nào làm giới khoa học, đặc biệt giới trẻ cảm thấy nản lòng.
Sự thiếu quan tâm còn thể hiện ở cơ chế tài chính lạc hậu và có rất nhiều rào cản. Các nhà khoa học thường nói là thời gian đi làm quyết toán đề tài còn mất nhiều hơn thời gian làm nghiên cứu. Thủ tục còn quá phức tạp và không tạo thuận lợi cho các nhà khoa học. Những người làm khoa học là người hưởng mức lương thấp nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp vì KHCN là lĩnh vực duy nhất hiện nay không có phụ cấp ngoài lương.
Tất cả những điều đó nói lên sự quan tâm còn hạn hẹp, chưa thể hiện được vai trò quốc sách hàng đầu của KHCN. Và theo đó, dẫn đến tình trạng, hiện nay các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản thiếu trầm trọng những cán bộ có trình độ cao. Trong lĩnh vực công nghệ còn thiếu những người tổng công trình sư…
Trong buổi gặp gỡ tài năng KHCN trẻ toàn quốc vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân nhận định, từ năm 2010, chúng ta lần đầu tiên vượt qua ngưỡng của một nước kém phát triển để bước chân vào hàng ngũ của những nước có trình độ phát triển trung bình. Trên thực tế, mặc dù chúng ta đã không còn là nước kém phát triển nhưng sự phát triển KHCN của chúng ta vẫn còn ở mức độ khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của Đảng, của nhân dân. Vì thế, để đạt mục tiêu đến năm 2020, KHCN Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030 có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác khoa học phải nỗ lực vượt bậc, nhất là những nhà khoa học trẻ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách đồng bộ để trọng dụng và sử dụng các nhà khoa học, đặc biệt là cán bộ trẻ, để bù vào khoảng trống mà chúng ta đang thiếu hụt.
Theo daibieunhandan
Ý kiến góp ý: