Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống, sản xuất
20/12/2012Mặc dù khoa học và công ngệ (KH&CN) Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng đến nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển của KH&CN, coi đây là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để hoạt động KH&CN phát triển hơn nữa cần phải có những chính sách cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào đời sống, sản xuất.
Theo Bộ KH&CN, từ năm 2008 – 2012, toàn thành phố Hà Nội có 540 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào cuộc sống, đặc biệt có gần 90 đề tài ứng dụng vào nông nghiệp nông thôn, góp phần rất lớn trong việc cải thiện đời sống nhân dân. Điều quan trọng, từ các đề tài đã tạo ra những mô hình sản xuất thâm canh, an toàn, bền vững và ổn định. Công nghệ kỹ thuật mới đã tạo bước đột phá, hình thành các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả đặc sản, trồng hoa công nghiệp, rau an toàn, tạo giống lúa lai năng suất cao, phòng chống dịch bệnh cho các huyện ngoại thành.
Để tạo đà cho KH&CN phát triển tại nông thôn miền núi, Bộ KH&CN đã hỗ trợ nhiều dự án phát triển với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, giúp bà con phát triển kinh tế tổng hợp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: xử lý cung cấp nước sạch công nghệ asen, bảo quản tiêu thụ sữa tươi, chế biến thức ăn tổng hợp, thiết bị xử lý mây tre đan… Phong trào lao động sáng tạo phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật đã xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhiều cá nhân, tổ chức với các thương hiệu như: Tranh thêu Thường Tín, Sữa bò Ba Vì, Nón Chuông, Bưởi tôm vàng, Gốm sứ Kim Lan… Nhờ sự mạnh dạn trong đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng KHCN vào sản xuất đã giảm đáng kể thất thoát sau thu hoạch, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đà cho hàng hóa nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ KH&CN Việt Nam cũng đã và đang gắng sức phấn đấu đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, mặc dù KH&CN Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng đến nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là việc ứng dụng KH&CN vào đời sống, sản xuất như: Tại nông thôn, miền núi, phần lớn nông dân ở vùng sâu, vùng xa còn ít hiểu biết và thiếu thông tin về các giống mới, các quy trình công nghệ tiên tiến, cũng như nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc áp dụng tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp đồng bộ nhằm tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu KH&CN mới chỉ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực mà chưa quan tâm đến sản phẩm công nghệ ứng dụng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Hằng năm, cả nước có nhiều chương trình đầu tư cho KH&CN của địa phương, nhưng thiếu tính liên kết và đồng bộ, dẫn đến sự chồng chéo, phân tán, hiệu quả thấp…
Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện nay hiệu quả hoạt động KH&CN phục vụ trong lĩnh vực sản xuất đang còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là vấn đề đầu tư cho KH&CN còn thấp và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Các đơn vị KH&CN chưa thật sự quan tâm đến hiệu quả đóng góp cho sản xuất. Bên cạnh đó chúng ta còn thiếu nhiều cán bộ khoa học chuyên sâu trong từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao. Hệ thống cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi…
Bàn về vấn đề này, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần phải coi đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư rủi ro, khác với những loại đầu tư thông thường đã được quy định trong Luật đầu tư. Kinh phí đầu tư, thời gian đầu tư cho việc giải quyết một nhiệm vụ khoa học công nghệ phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu và khối lượng công việc cần nghiên cứu giải quyết. Không ai có thể dự toán một cách chính xác là cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian để giải quyết được một nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể, đặc biệt là những vấn đề mới, có tính khoa học công nghệ cao.
Theo ông Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến về khoa học và công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cần có các chính sách giúp doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn lực của mình đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN. Việc phát triển KH&CN là một quá trình lâu dài, do đó các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ phù hợp trên cơ sở các nguồn lực sẵn có của mình và sự hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức quốc tế và từ các doanh nghiệp bạn. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn tạo điều kiện cho sự kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, việc xây dựng thử nghiệm các viện nghiên cứu liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp và đánh giá các viện này sẽ là cơ sở phát triển mô hình hợp tác này.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng, cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế đầu tư tài chính nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Các cấp, ngành và Sở KH&CN nên chủ trì, lựa chọn kỹ các đề tài sát thực tế, có tính khả thi cao; kiên quyết dừng đầu tư kinh phí cho các dự án nghiên cứu không có tính khả thi, hiệu quả thấp. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng khoa học công nghệ; đề xuất chuyển giao các kết quả nghiên cứu thành công vào thực tế. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng nên đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, nhất là phù hợp hóa các công nghệ của nước ngoài; hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp như chương trình nông thôn miền núi, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia... nhằm tạo đà cho KH&CN phát triển và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Đảng cộng sản Việt Nam
Ý kiến góp ý: