TextBody
Huy chương 2

Phòng chống sa mạc hóa

07/09/2010

5 năm qua, việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Các cấp, các ngành đã nhận thức được vai trò quan trọng của phòng chống sa mạc hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhiều chương trình, dự án, nhiều sang kiến mới đã được triển khai ở 4 địa bàn ưu tiên phòng chống sa mạc hóa ở Tây Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống sa mạc đã tập trung cơ sở nghiên cứu phòng chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, nghiên cứu nguyên nhân gây ra sa mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tổ chức các hoạt động kinh tế, chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế về hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến xây dựng chiến lược tài chính (đầu tư) lồng ghép phối hợp với cơ chế toàn cầu (GM) ở địa bàn “nóng” nhất về sa mạc hóa ở Việt Nam là Ninh Thuận và Bình Thuận.

Ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban điều phối thực hiện công ước chống sa mạc hóa đánh giá chống sa mạc hóa là vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực. Việc thực hiện nhiệm vụ chống thoái hóa đất, hạn chế hạn hán phải gắn chặt với phát triển kinh tế bền vững và có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và người dân địa phương. Tuy nhiên, đến nay chính sách về quản lý tài nguyên chưa thật sự hoàn thiện, chưa mang tính đột phá, chưa có động lực khuyến khích người dân tham gia; nhận thức và sự phối hợp chống sa mạc hóa của nhiều đơn vị cấp, ngành còn hạn chế; nguồn kinh phí còn hạn hạn, nguồn nhân lực ở cả địa phương và trung ương còn thiếu, nhiều địa phương còn có hiện tượng ỷ lại.

Trách nhiệm này trước hết thuộc về Ban điều phối Quốc gia phải nghiêm túc kiểm điểm và tìm các giải pháp để tiếp tục triển khai nhiệm vụ Chương trình hành động. Văn phòng thường trực công ước phải được tăng cường năng lực cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và con người để thật sự có thể đảm trách trách nhiệm điều phối quan trọng này.

Để thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa đạt hiệu quả, một số giải pháp đã được đề xuất. Quan trọng nhất là kế hoạch tăng cường lồng ghép chống sa mạc hóa với phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng các dự án mới. Đặc biệt, nội dung chống thoái hóa đất, hạn chế hạn hán phải được coi là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.

Nguồn: Báo KH&PT

Ý kiến góp ý: